Trong thư, giáo sư đại học đã dành cho con 9 lời khuyên bao gồm tất cả các khía cạnh đạo đức, chuyên môn, tri thức và tình yêu.
Người cha là Ngô Huy, phó giáo sư tại Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Nhân văn, Đại học Tài chính và Kinh tế Giang Tây. Cô con gái Ngô Dương của ông đã được nhận vào Đại học Lâm nghiệp Tây Nam và hiện là sinh viên năm 2 chuyên ngành tiếng Anh.
Phó giáo sư Ngô Huy từng là giáo viên tiểu học và trung học trong 10 năm, năm 30 tuổi ông mới thi nghiên cứu sinh cho đến sau này trở thành giáo sư Đại học.
Ông bắt đầu viết bức thư này vào tháng 2, tháng 3 khi con gái vẫn còn đang học lớp 12. Ông cứ từ từ tích lũy, chăm chút từng ít một, cứ thế vài tháng ông mới hoàn thành xong bức thư, cho đến khi con gái vượt qua kỳ thi tuyển sinh đại học, ông mới trao bức thư ấy.
Và… bức thư này đã thay đổi cuộc đời con gái ông.
"Con à, thời gian cứ thấm thoát trôi con nhỉ. Mới ngày nào con còn bập bẹ học nói, chập chững những bước đi đầu tiên. Trong nháy mắt con đã trở thành cô sinh viên đại học. Theo lý mà nói thì 18 tuổi đã là người lớn rồi, ba đáng lẽ không phải bận tâm thêm.
Chỉ là từ khi sinh ra đến giờ con chưa từng sống xa nhà, ba luôn lo lắng con sẽ tự chăm sóc bản thân thế nào ở quãng đường phía trước. Con nói rằng con không muốn học đại học ở địa phương, ba hiểu và cũng ủng hộ con. Ngoài kia biển rộng trời cao, con có thể tự do bay lượn.
Ba biết con không muốn nghe thuyết giáo, nhưng con vẫn cần học. Có thể chưa hiệu quả với con nhưng với ba lại là niềm an ủi.
Về đạo đức: Đạo đức trước hết là một thực hành, lòng tốt không thể chỉ tồn tại trong trái tim
Ý tưởng trở thành một người có đạo đức không phải là mới, ba chủ yếu muốn nói với con về cách thực hiện điều này.
Đạo đức trước hết là một thực hành, thiện lương không thể chỉ tồn tại trong trái tim. Còn nhớ một lần đi xe buýt, ba chủ động nhường chỗ cho một cụ già. Con và chị Jun đều nói rằng không ngờ rằng ba lại nhường ghế cho ai đó.
Ba hỏi con, đó không phải là cách con được dạy ở trường hay sao? Các con trả lời rằng cảm thấy khi làm như vậy cũng có chút xấu hổ. Ba có thể hiểu được dạng tâm lý này của người trẻ tuổi, lần đầu tiên ba giúp đỡ người khác cũng để ý xem cái nhìn của mọi người.
Bây giờ nghĩ lại, không cần chút nào. Làm được điều tốt, không có tư lợi thì có gì phải lo lắng? Trong cuộc sống có rất nhiều điều nhỏ nhặt, chỉ cần đưa tay ra là có thể nhặt lấy, chính là làm những việc tốt đơn giản.
Đừng keo kiệt khi con có thể giúp đỡ người khác. Thế giới sẽ trở nên tươi đẹp hơn vì những nỗ lực của con.
Về chuyên môn: Chọn nghề dựa vào đam mê, không sử dụng lợi ích để đo lường
Chất lượng của nghiệp vụ là tương đối và biện chứng.
Một nghề tốt ngày nay không có nghĩa nghề đó tốt mãi mãi. Không nên dùng lợi ích để đo lường chất lượng nghề nghiệp. Chọn chuyên ngành là chọn sở thích, nghề này hôm nay còn hot, ngành học này hôm nay còn thịnh, con cũng đừng vì thế mà cảm thấy thích thú, nó không có ý nghĩa gì cả đâu. Tiêu chuẩn đam mê mới là ổn định, tiêu chuẩn lợi ích sẽ không tồn tại lâu dài.
Nghề nào cũng vậy, chỉ cần học đủ tốt, đừng cảm thấy buồn khi bản thân không có được những gì mà người khác có. Nó giống như đi du lịch, chỉ cần con đi bộ đủ xa, con có thể nhìn thấy phong cảnh mà chưa ai nhìn thấy.
Xã hội loài người tiếp tục phát triển, mức độ phân công lao động ngày càng tinh tế hơn, nhưng sự phân công lao động không thể rạch ròi như “nước sông không phạm nước giếng”. Các loại ngành nghề đều là các phương thức giải thích thế giới, con sẽ hiểu biết hơn nếu nghiên cứu sâu rộng.
Về kiến thức: Kiến thức mở ra nhiều cánh cửa cho cuộc sống
Có những người không cần đọc sách cũng giàu, có những người kiếm bội tiền từ việc đọc sách. Một số ít trường hợp đặc biệt không nói lên được điều gì cả, nói về hiện tượng chung mới là có sức thuyết phục.
Những người có tri thức đều biết rằng dù có được đong đếm bằng tiền thì vai trò của tri thức cũng không thể không kể đến. Mặt khác, ở các công ty đa quốc gia cũng rất chú trọng đến yếu tố kiến thức và trí tuệ.
Chỉ cần con thực hiện một thống kê đơn giản, con sẽ thấy kiến thức và thu nhập có liên quan mật thiết đến nhau. Đọc sách có hữu ích hay không, điều cốt yếu là cách nhìn nhận về tính hữu ích chứ không chỉ là tiêu chuẩn kim tiền. Kiến thức làm cho cuộc sống trở nên khả thi hơn.
Kiến thức quyết định khí chất, gu thẩm mỹ, tầm nhìn, mức độ đánh giá, giá trị... Đây đều là những yếu tố then chốt ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Nếu sau khi tốt nghiệp đại học, con có thể nhận ra còn có rất nhiều lối sống có ý nghĩa hơn, thì đại học này cũng chưa phải là lối dẫn đến hạnh phúc duy nhất.
Về đọc: Đọc kinh điển, kinh điển là sản phẩm của sự chọn lọc thời gian
Sự khác biệt lớn nhất giữa đại học và trung học là có rất nhiều tự do và cũng có nhiều sinh viên phung phí tự do. Ba hy vọng con có thể tận dụng sự tự do hiếm có này và đọc nhiều sách hơn.
Ngày nay, nhiều người trẻ không thích đọc sách, họ có thể dành nhiều thời gian để mua sắm, chơi game, tán gẫu trên Internet... Họ chỉ từ chối dành thời gian yên lặng cho việc đọc sách.
Ba đã từng viết một lời nhắn gửi đến các bạn sinh viên: “Còn trẻ hãy nghiêm túc có một tình yêu nồng nàn với một cuốn sách hay”.
Ba nhấn mạnh với con rằng giờ con còn trẻ, nhưng đến khi con bước chân vào đời, con sẽ biết dành thời gian để đọc một cuốn sách khó khăn như thế nào.
Ba cũng nhấn mạnh thêm thế nào là một cuốn sách hay. Có những cuốn sách thực sự có hại, nội dung tầm thường. Đọc cũng giống như kết giao, phải sàng lọc kỹ càng.
Một cách đơn giản là đọc các tác phẩm kinh điển. Phải có lý do tại sao một cuốn sách trở thành kinh điển. Chỉ cần là kinh điển, chỉ cần con muốn đọc, con có thể đọc.
Về cạnh tranh: Không dựa vào các mối quan hệ, phải dựa vào bản lĩnh cạnh tranh của bản thân
Thời đại này cần dùng thực lực để nói chuyện.
Luật chơi ngày càng công bằng hơn, sự cạnh tranh chắc chắn sẽ ngày càng trở nên tàn khốc hơn. Ba là người bướng bỉnh, không thích nhờ vả người khác. Khi ba được chuyển từ trường tiểu học lên trường trung học, đó là vì hiệu trưởng cảm thấy ba có trình độ giảng dạy ở bậc trung học.
Sau đó trường quận tuyển 6 giáo viên, ba thi xếp ở vị trí thứ 3 nhưng lại không được chọn vào. Ba đi thi không bằng quan hệ, cũng chẳng nguyện ý đi nhờ vả người khác. Đến năm thứ hai, ba thi đậu nghiên cứu sinh và rời khỏi nơi này.
Không dựa vào quan hệ con người mà hãy dựa vào năng lực để cạnh tranh. Mặc dù đây là việc khó khăn, nhưng thật tuyệt khi con giành được sự tôn trọng của người khác.
Con phải biết rằng nếu một người không muốn sống một cuộc sống thấp kém, anh ta phải có “vốn” để ngẩng cao đầu. Con phải nắm bắt cơ hội để hoàn thiện bản thân, đối mặt với những thăng trầm của cuộc sống và những thử thách của thời đại.
Về cái đẹp: Đẹp cả hình thức và tâm hồn
Đừng theo đuổi vẻ đẹp như chiếc bình hoa di động. Ai cũng có niềm yêu thích cái đẹp, đặc biệt là các bạn nữ.
Mọi người phải tự biết cách >làm đẹp cho mình, tiếc là ba không có kinh nghiệm trong chuyện này để truyền lại cho con.
Tất nhiên, đẹp và hấp dẫn không chỉ là ở ngoại hình. Cách nói chuyện và cách cư xử sẽ thể hiện phong thái của một người; đối xử với người khác có thể tiết lộ sự tu dưỡng của một người.
Vốn nhà chúng ta cũng không ai sẵn là bình hoa cả. Nên ba hy vọng con không theo đuổi cái đẹp hời hợt bên ngoài này. Ví như một bình hoa có hương thơm cũng sẽ quyến rũ hơn một bình hoa đẹp bình thường.
Tri thức là mỹ phẩm tốt nhất, chất lượng tốt sẽ khiến con người trở nên hấp dẫn hơn, đây là sức hút mà năm tháng không thể lấy đi.
Về tình yêu: Tình yêu đích thực sâu sắc chứ không nông cạn, thực sự vị tha và không tham lam
Tình yêu rất đẹp, ba mong con tìm được người ưng ý. Chỉ cần con hạnh phúc, cuộc sống của con sẽ trọn vẹn. Cảm xúc không phải để mua vui, tình cảm không phải để thể hiện. Tình yêu đích thực là sâu sắc chứ không phải hời hợt, chân thành vị tha và không tham lam.
Người yêu của con không phải là tài sản của riêng con. Con có thể nhớ anh ấy, nhưng đừng dễ dàng làm phiền anh ấy, con có thể yêu nhưng đừng giới hạn họ.
Tình yêu khiến con người ta làm đủ thứ ngớ ngẩn mà không hề hay biết. Con là con gái phải biết giữ cho mình sự độc lập, cao quý, trên con đường hẹn hò, phải biết cân nhắc những việc nên làm và những việc không thể làm.
Quyết định yêu nên dựa trên sự tìm hiểu tỉ mỉ thông thường, không nên nóng vội nhất thời. Ba hy vọng bạn trai tương lai của con có tính chính trực và tu dưỡng bản thân. Ba sẽ chúc phúc cho con.
Về giao tiếp: Gặp chuyện có thể nhún nhường thì hãy nhún nhường, gặp người khó khăn nếu có thể giúp đỡ thì hãy tận sức giúp đỡ
Đại học là nơi để học và là nơi để kết bạn. Chắc hẳn ai cũng có một vài người bạn đã từng gắn bó lâu dài trong đời. Một cuộc sống hạnh phúc không phụ thuộc vào của cải tiền bạc mà phụ thuộc vào các mối quan hệ xã hội.
Bạn bè là một trong những mối quan hệ xã hội rộng lớn. Nếu con chia sẻ niềm vui, con sẽ hạnh phúc hơn, nếu con chia sẻ nỗi buồn, đau đớn sẽ vơi bớt. Ở đâu cũng có người đáng để con quan tâm, ở đâu cũng có người quan tâm đến con, con sẽ cảm thấy thế giới tràn ngập ánh nắng và trong lòng như có gió xuân.
Ký túc xá bốn người một phòng, đều là từ nơi xa tới, là có duyên phận định ra từ trước như thế. Nếu gặp chuyện có thể nhún nhường, con đừng ngại nhún nhường, nếu gặp người khó khăn có thể giúp đỡ, con hãy tận sức giúp đỡ.
Về thời gian: Đừng nghĩ còn quá sớm để làm bất cứ điều gì
Thời gian là công bằng nhất, mỗi ngày của mỗi người là 24 giờ. Thời gian là thứ dễ có được nhất nhưng cũng là thứ ít được nâng niu nhất.
Con chớ cảm thấy mình vẫn còn trẻ mà chần chừ làm việc gì. Có câu “Còn nhớ lúc thiếu niên cưỡi ngựa gỗ, trong nháy mắt trở thành kẻ bạc đầu”. Thời gian của sinh viên đại học thường được dành cho hai khía cạnh, một là hoạt động câu lạc bộ, hai là lướt Internet.
Tham gia các câu lạc bộ để kết bạn và giao lưu hiểu biết, thật là việc đáng nên làm. Nhưng nếu quá nhiều hoạt động như vậy sẽ dẫn tới sự lãng phí thời gian dưới danh nghĩa làm các việc đường đường chính chính.
Internet rất thuận tiện và cũng rất rắc rối. Máy tính và điện thoại di động giúp con giữ liên lạc với thế giới bên ngoài và đồng thời cũng luôn bị làm phiền bởi thế giới bên ngoài. Do đó, con nên tắt mạng đúng lúc và dành thời gian cho những việc ý nghĩa hơn.
Con à, nói một ngàn vạn điều cũng không bằng chính con tự thực hành. Ba không thể dạy con mọi thứ, cũng như không thể ở bên con suốt đời.
Thời gian trôi đi, sinh mệnh vô thường, một ngày nào đó biệt ly sẽ trở thành vĩnh viễn. Hy vọng những lời chân thành này của ba hôm nay có thể giúp ích cho con.
Bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu, nếu con hạnh phúc, ba cũng sẽ rất hạnh phúc!".