Cuộc sống cứ dữ dội trôi qua mỗi ngày và bỗng dưng Nga nhận ra mình khác với bạn bè cùng trang lứa, mình là LGBT. Vào lúc tưởng chừng khó khăn nhất, mẹ là người đã luôn bên cạnh động viên cô.
Câu chuyện cảm động về cô gái LGBT và mẹ khiến ai khi nghe qua cũng đều xúc động. Mở đầu câu chuyện, Nga kể về mẹ mình, một người phụ nữ đẹp nhưng bạc phận. Thanh xuân trôi qua, mẹ phải sống với người đàn ông nát rượu, trong nhà lúc nào cũng rầm vang tiếng chửi mắng, chẳng bao giờ có được một bữa "sóng yên biển lặng".
"Đúng là hồng nhan nhưng cuộc sống cũng lắm phần éo le, bố mình hồi đấy đầu gấu nhất làng, tối nào cũng dắt con dao găm ở lưng quần đứng trước cửa nhà mẹ và luôn miệng "Thằng nào vào tán tao xiên chết". Thêm phần ông ngoại khắc nghiệt, nên mẹ mình nhắm mắt đưa chân thôi quyết định lấy chồng cho xong.
Thời gian đầu bố cũng chăm chỉ làm ăn, chiều vợ thương con. Nhưng được mấy năm trôi qua thì bắt đầu thành ra nát rượu. Ngày nào không có rượu thì nhà cửa không yên, mâm bát tung tóe ra sân. Rượu vào thì lại quay ra chửi vợ đánh con".
Sống với một người chồng như vậy, mẹ Nga càng phải vất vả, tảo tần để nuôi nấng 3 đứa con. Giận chồng nhưng vẫn thương con, đàn con nhỏ đang tuổi ăn tuổi lớn là động lực để mẹ nỗ lực làm việc bất kể sớm hôm vất vả. Ngày nắng cũng như ngày mưa, không cắt cỏ, trồng ngô thì cũng ra ven bờ đê trồng ít rau nuôi thêm con lợn, để cuối mùa bán lấy tiền cho các con được đến trường.
Nhìn thấy mẹ vất vả, chịu đựng bao nhiêu nỗi đau khổ của cuộc sống Nga thương mẹ nhiều hơn. Cuộc sống cứ dữ dội trôi qua mỗi ngày và bỗng dưng đến một lúc Nga nhận ra mình khác với bạn bè trang lứa, cô vô cùng mông lung, thấy sợ hãi và có lẽ là thương bản thân.
"Đã hơn chục năm trôi qua mình cũng quên bớt rồi. Đại loại là kiểu không biết bản thân là cái gì. Sao lại rung động với bạn nữ kia".
Nga không sợ xã hội, không sợ miệng đời cay nghiệt với mình, điều duy nhất khiến cô lo lắng là mẹ. Nga sợ mẹ buồn và cảm thấy xấu hổ vì con gái mình sinh ra lại không như con người ta. Lúc nhận ra nội tâm thật sự của mình, Nga đã cố gắng, nỗ lực hết mình học thật giỏi, thi đậu đại học danh tiếng, vừa học vừa làm để chứng minh cho mẹ thấy mình đã trưởng thành và cũng là để Nga làm tròn chữ hiếu với mẹ, thay cho việc lấy chồng, sinh con.
Nhưng mọi chuyện cũng không thể che giấu mãi được, mẹ vẫn đang nhìn Nga, trông vào cuộc sống của cô. Sau ngần ấy thời gian dằn vặt, sợ hãi, mệt mỏi, Nga quyết định nói với mẹ, nói rằng "Mẹ ơi, con thương con gái". Hai mẹ con cùng khóc.
Mẹ không trách, không mắng, chỉ cúi mặt rồi nói "Con gái vậy mẹ cũng đành chấp nhận", nhưng sâu bên trong có lẽ Nga là người hiểu nhất. Cô hiểu mẹ buồn, mẹ đau khổ và mẹ thấy xấu hổ với láng giềng.
Nhiều năm sau, khi tốt nghiệp đại học, Nga và mẹ vào Sài Gòn lập nghiệp, những lời nói miệt thị, khó nghe ngày xưa cũng theo gió mà bay đi mất. Giờ chỉ còn 2 mẹ con nương tựa nhau làm nên từ 2 bàn tay trắng, mẹ đóng từng thùng hàng để Nga chở đi gửi giao cho khách mỗi ngày. Có những hôm phải gửi nhiều mẹ cứ cặm cụi làm suốt ngày, sợ thuê người phụ thì con bán buôn không có lãi.
Cứ như thế, khi kinh tế ổn định, Nga bắt đầu nghĩ tới một cuộc sống ổn định cho 2 mẹ con. Cô chọn về Đà Lạt sinh sống, mua 1 mảnh vườn nhỏ, mở 1 tiệm cơm để bán, mẹ lại là người đứng sau trồng rau sạch mỗi ngày gửi lên để bán.
Có lẽ với Nga, mẹ chính là "siêu nhân" là người giúp cô tô vẽ tương lai. Mẹ là chỗ dựa của Nga, Nga cũng là nơi nương tựa của mẹ. Qua câu chuyện của mình, Nga cũng mong muốn mọi người có một cái nhìn tích cực hơn về LGBT và đặc biệt những bậc cha mẹ có con thương người cùng giới thì cũng hãy mở rộng lòng đón nhận con thay vì ghét bỏ và xua đuổi. Nga cũng có lời hứa với mẹ mình: "Con nợ mẹ một chàng rể, nhưng nhất định trả lại nàng dâu hiền".
Nguồn: Nguyễn Nga