Ngồi giữa mâm cỗ Tết nhà chồng lại thèm miếng mứt gừng cay nồng mẹ làm. Thèm cảm giác cả nhà ngồi quây quần trông bánh chưng, vừa trò chuyện vừa ngóng giao thừa.
Ngày thơ bé, nghe người ta hát: “Má ơi đừng gả con xa, chim kêu vượn hú biết nhà má đâu”, con nghĩ rằng người xưa chỉ thuận miệng mà hát cho vui. Ngày con lấy chồng, mẹ cũng chẳng bàn tới lui chuyện xa hay gần, chỉ nói con ưng thì mẹ gả, cưới được người con thương là mẹ vui lòng.
Ngày người ta rước dâu, thấy mẹ chạy vào buồng lau nước mắt, con gái ngây ngô chỉ nghĩ mẹ xúc động vì thấy con mình trưởng thành, leo lên xe hoa bước theo chồng. Đâu nghĩ được mẹ sợ đường đời dài đằng đẵng, con gái mẹ sướng khổ gì cũng đâu còn mẹ ở bên nữa!
Mới lấy chồng cứ nghĩ mọi việc quá giản đơn, rằng mẹ chồng hay mẹ ruột gì cũng là mẹ, nhớ thì về thăm, buồn thì về tìm. Nào ngờ đâu con gả về nhà chồng chỉ xem trọng con gái ruột, còn con dâu chẳng khác gì người dưng nước lã. Quanh quẩn cả năm trời, biết quê mình có giỗ, biết tin mẹ cha đau ốm, muốn về thăm cũng phải xin phép.
Người đời lạ lắm! Con gái ruột của họ, họ tìm cách kéo về, nói nhớ nói thương. Còn con dâu, họ lại bảo ba ngày Tết phải lo toan, vun vén cho nhà chồng. Con về nhà mẹ đẻ lấy ai mà nấu nướng, dọn dẹp. Con nghe mà rớt nước mắt!
Ngày trước vốn nghĩ lấy chồng là cuộc đời mặc nhiên vui vẻ, bình yên. Bước vào hôn nhân mới thấy bình yên hay không còn phụ thuộc vào chồng và cả nhà chồng. Chồng thương yêu thì còn đỡ tủi thân, chồng vô tâm hờ hững thì chẳng có gì khổ tâm bằng. Nhưng dẫu sao, con cũng cố gắng mà trọn đạo làm dâu, làm vợ vì gia đình, vì những đứa con của mình.
Lấy chồng xa, đôi lúc ở trong nhà chồng mà cứ thấy mình lạc lõng như khách trọ. Tết đến thấy gia đình chồng quây quần, ăn uống, sum vầy lại chạnh lòng nhớ ba mẹ ở quê. Lấy ai phụ mẹ làm mâm cỗ cúng tất niên, cúng giao thừa? Ba lại buồn lòng vì thêm một năm thiếu vắng tiếng cười của cháu ngoại.
Ngồi giữa mâm cỗ Tết nhà chồng lại thèm miếng mứt gừng cay nồng mẹ tự làm. Thèm cảm giác cả nhà ngồi quây quần trông bánh chưng, vừa trò chuyện vừa ngóng giao thừa. Muốn có được cảm giác bình yên khi nhìn ba sau những bộn bề, ngồi nhâm nhi tách trà nhìn con cháu sum vầy.
Tết cận kề, nhớ nhà khôn nguôi. Muốn được về quê, dẫu mâm cỗ Tết đơn sơ nhưng ấm áp. Muốn sống trong vòng tay mẹ, hư thì mẹ la mắng vài câu, rồi tối lại xới cho chén cơm mà ăn, lại mắc cho cái mùng mà ngủ. Ăn cơm của người đời thì vừa ăn vừa chan nước mắt. Muốn về với mẹ mà sao đường đi xa quá. Mẹ nói xem là đường xa, hay tình người xa?
Mẹ đừng già nhanh quá, để con còn tìm đường về nhà!