Con gái lấy chồng xa, bao lần mẹ cha ốm đau Nhi chỉ biết hỏi thăm qua những cuộc điện thoại. Nhà cô neo người, anh trai đầu cũng đã có vợ thi thoảng mới về thăm ba mẹ. Những lúc bạo bệnh cô cũng không thể lo cho cha mẹ viên thuốc, chén cháo. Rồi Tết đến xuân về, nhìn gia đình người ta sum họp quây quần mà Nhi nhớ nhà da diết.
Ngay khi bước vào ngưỡng cửa nhà chồng, người con gái đã thấy chông chênh. Họ bắt đầu sống trong một ngôi nhà hoàn toàn xa lạ, gọi người khác là cha mẹ. Dẫu rằng làm vợ, làm dâu bây giờ không khắc nghiệt như ngày xưa nhưng người con gái nào cũng ít nhiều buồn tủi. Cô đơn nhất là lúc Tết đến xuân về.
Nhi >lấy chồng xa hai năm. Bởi tính nết hiền lành nên ba mẹ chồng rất thương cô. Chồng Nhi cũng rất mực yêu chiều vợ. Do nhà mẹ đẻ xa cả ngàn cây số, vả lại ngày Tết nhà chồng quá nhiều việc nên hai năm nay Nhi ăn Tết bên chồng.
Nhi nhớ cảm giác bỡ ngỡ khi đi thăm họ hàng chồng. Những bữa tất niên, những bữa tiệc mừng năm mới cô luôn là tâm điểm khi cô dì chú bác đều hỏi han cô dâu mới. Lần đầu tiên ăn Tết nhà chồng, cô hơi sốc vì biết bao việc phải làm. Khi ở nhà, Tết được mẹ chuẩn bị chu đáo thì về nhà chồng mọi việc đều đến tay cô. Chiều ba mươi Tết, nhìn bánh mứt đầy đủ Nhi đã trào nước mắt nhớ thương cha mẹ ở quê.
Nhìn họ hàng chồng cụng bia uống, say sưa chúc mừng năm mới mà Nhi nhớ nhà da diết. Cô từng kiêu hãnh cười xòa khi ai đó bảo: “Lấy chồng xa quá, biết hồi nào mới có thời gian về thăm cha mẹ”. Nhi đâu nghĩ rằng mình buồn đến thế này. Ba mẹ giờ này chắc cũng thầm nhớ con. Mẹ điện vào, Nhi nghe thấy tiếng len lén thở dài đằng sau câu nói: “Thôi ráng tròn bổn phận dâu con bên đó, rảnh rang trong năm thì lúc nào về cũng được”.
Ăn Tết nhà chồng đâu thiếu thốn thứ gì. Vẫn là những thứ mẹ ở quê hay mua nhưng khi anh em nhà chồng cười nói ồn ã Nhi lại thấy lòng mình trống vắng. Con gái lấy chồng xa, bao lần cha mẹ ốm đau Nhi chỉ biết hỏi thăm qua những cuộc điện thoại. Nhà cô neo người, anh trai đầu cũng đã có vợ, thi thoảng mới về thăm ba mẹ. Những lúc ốm đau, con gái cũng không thể lo cho cha mẹ viên thuốc, chén cháo. Rồi Tết đến xuân về, nhìn gia đình nhà người ta sum họp quây quần mà nhớ nhà da diết.
Chồng Nhi rất thương cô nhưng cũng không thể hiểu nỗi lòng của vợ. Năm này Nhi đề nghị về ăn Tết bên ngoại anh đã liệt kê hàng đống chi phí phải chi trả: Tiền vé máy bay, quà cáp... Hơn nữa nghỉ Tết chỉ vài ngày, thôi thì giữa năm thủng thẳng hãy về. Những bữa tiệc tất niên, những bữa cơm mừng năm mới anh không để ý thấy vợ len lén thở dài. Đêm giao thừa người ta háo hức vui mừng còn vợ mình lén lau nước mắt. Anh say sưa cụng bia, lon bia vương vãi khắp nhà mà không hề biết lòng vợ mình đang thương nhớ mẹ cha.
Mẹ Nhi thường nói: “Con gái là con người ta”. Nhi đi lấy chồng thì đã làm vợ, làm dâu người ta rồi đâu còn là con gái của ba mẹ như xưa. Cô thấy mẹ khóc, lén lau dòng nước mắt ngày đưa dâu về nhà chồng. Nhi biết mẹ nói vậy để cô yên lòng mà sống bên nhà chồng. Trong năm những nỗi nhớ về mẹ cha âm ỉ, để đến Tết cứ bùng lên thổn thức.
>Đàn bà phận làm dâu ở nhà chồng dẫu người ta thương yêu bao nhiêu cũng như khách trọ. Nhi cũng như vô số những người con gái lấy chồng xa năm này lại không về với ba mẹ đều mang những tâm sự ngổn ngang trong lòng. Thôi thì lại gạt nước mắt, tự nhủ: “Năm sau con sẽ về”.