Họ đã có 2 năm làm thầy trò bên nhau. Huyền Cơ càng đến tuổi dậy thì thì càng xinh đẹp, yêu kiều khiến nam nhân như Đình Quân bối rối không thôi.
Những câu chuyện của các tài nữ thời phong kiến đúng là bi ai, nghiệt ngã chẳng kém những bộ phim drama nào. Thế nhưng hậu thế vẫn muốn nhắc đến họ, muốn lưu lại những câu chuyện khiến bao đời sau phải suy ngẫm.
Trong lịch sử cổ đại Trung Quốc luôn tồn tại quan niệm trọng nam khinh nữ. Nếu đàn ông được đầu tư ăn học, kinh bang tế thế thì phụ nữ chỉ quanh quẩn ở nhà, không có tiếng nói và không có địa vị xã hội.
Nhưng có một triều đại đã giải phóng phần nào xiềng xích đối với phụ nữ. Thời kỳ đó, mặc dù có câu nói phụ nữ tuân theo tứ đức nhưng quyền của họ đã rất lớn so với các thời kỳ khác, đó là vương triều nhà Đường.
Nhà Đường là một trong những quốc gia hùng mạnh nhất thời bấy giờ. Ba "nữ anh hùng" hàng đầu của nền thơ ca cổ đại Trung Quốc, trong đó có mỹ nhân Ngư Huyền Cơ đã để lại giai thoại khiến đời sau phải tiếc nuối.
Những rung động chẳng trọn vẹn của 2 tâm hồn đồng điệu
Huyền Cơ sinh ra trong thời loạn lạc của cuối triều đại nhà Đường. Quê hương của nàng ở Trường An, không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi chiến tranh. Cha Huyền Cơ là 1 học giả chăm chỉ nhưng kết quả thi cử luôn không được như ý. Chán nản với số mệnh, cộng với sự "mở cửa" của nhà Đường đối với phụ nữ, cha Huyền Cơ đã đặt tất cả hy vọng vào con gái mình. Ông đem hết những kiến thức tinh túy truyền lại cho Huyền Cơ.
Mặc dù còn trẻ nhưng Huyền Cơ đã thể hiện một tài năng văn thơ vượt trội so với những người khác. Nàng biết làm thơ từ năm 7 tuổi và nổi tiếng ở Trường An lúc 10 tuổi.
Lẽ ra, Huyền Cơ có thể làm nên kì tích nếu có sự bao bọc của gia đình. Nhưng không may, cha mẹ nàng gặp biến động lớn. Cha Huyền Cơ mất sớm, hai mẹ con không còn chốn nương thân đành kiếm tiền trong các gánh hát. Hàng ngày họ hóa trang với những khuôn mặt khác nhau để mua vui cho thiên hạ.
Bấy giờ có nhà thơ Ôn Đình Quân cũng tới xem hát vì danh tiếng của cô gái tài năng. Nhìn cô bé 11 tuổi đứng trước mặt, ông không khỏi nghi ngờ lời nói của thiên hạ là đồn thổi nên đã thử Huyền Cơ 1 chút. Kết quả, Ngư Huyền Cơ không chỉ trả lời trong phút chốc mà còn thể hiện một trình độ cao siêu khiến Ôn Đình Quân ngưỡng mộ, liền thu nhận nàng làm đồ đệ, hy vọng có thể huấn luyện Huyền Cơ đóng góp tài năng cho đất nước.
Họ đã có 2 năm làm thầy trò bên nhau. Huyền Cơ càng đến tuổi dậy thì thì càng xinh đẹp, yêu kiều khiến nam nhân như Đình Quân bối rối không thôi. Hàng ngày giáp mặt với Huyền Cơ, Đình Quân có chút rung động nhưng ông vẫn dặn lòng để lý trí chiến thắng con tim.
Ôn Đình Quân luôn tự ti mình đã có tuổi lại không có dung mạo tuấn tú, sao xứng với người con gái tương lai sáng lạn như Huyền Cơ. Chính vì thế, ông luôn chế ngự cảm xúc để nó đúng là mối quan hệ thầy trò.
2 năm sau nữa, Huyền Cơ đã 15 tuổi - là tuổi phù hợp để gả đi ở thời cổ đại. Ôn Đình Quân liền giới thiệu nàng cho Lý Ức. Dù xuất phát điểm là vô tình nhưng sau đó Huyền Cơ cũng rung động rồi đem lòng yêu vị tướng quân này.
Lẽ ra ngày Huyền Cơ xuất giá sẽ là ngày đánh dấu chuyện tình đẹp của trai tài gái sắc nhưng không, bi kịch từ đây mới bắt đầu.
Đòn ghen nhớ đời và sự thật về người đàn ông ngỡ là chân ái
Ban đầu, Lý Ức và Huyền Cơ rất hạnh phúc vui vẻ nhưng lâu ngày nàng chẳng qua nổi ải của bà cả nhà họ Lý. Nàng ta luôn chê bai xuất thân của Huyền Cơ, tìm cách gây khó dễ và thậm chí là đánh đập. Lý Ức không còn cách nào khác phải đưa Huyền Cơ đến 1 nơi xa và hẹn ngày tái ngộ, đời đời kiếp kiếp nguyện bên nhau không rời.
Huyền Cơ đợi mòn mỏi 3 năm và cái kết nàng nhận được là tin Lý Ức đã đưa vợ cả về Dương Châu. Tình yêu cùng những lời hẹn ước đến đây là chấm hết, tan tành theo mây gió.
Bởi bị phản bội nên Huyền Cơ đem lòng thù hận đàn ông, hình thành lối sống buông thả. Có sách chép Huyền Cơ xuất gia tại 1 đạo quán. Những nữ đạo sĩ này không giống kĩ nữ, cũng chẳng phải những nữ nhi thông thường, họ là tổng hợp của 2 kiểu trên.
Có nơi lại nói rằng, Huyền Cơ mở 1 tửu lầu ở Tây An thu hút vô số tài tử đến ngâm thơ, thưởng nhạc. Và trong số ấy có người đàn ông tên Trần Vĩ đã đến với cuộc đời nàng. Nàng làm thơ, chàng chơi nhạc, quả như 1 cặp trời sinh.
Nhưng rồi, hạnh phúc ngắn tày gang khi Huyền Cơ tự tay kết liễu cuộc đời mình. Nàng đem lòng ghen tức với tỳ nữ vì nghĩ cô ta cướp mất Trần Vĩ. Vậy là Huyền Cơ sai người giết hại rồi chôn tỳ nữ đó ở sân sau.
Dù trong luật thời Đường khi ấy giết tỳ nữ không bị kết án tử nhưng Huyền Cơ vốn là cái gai trong mắt quan phủ nên nàng mới phải chết ở tuổi 26.
Đáng tiếc cho 1 đời tài nữ bạc mệnh, sống vì đàn ông, chết cũng là do đàn ông. Cho đến tận bây giờ người ta vẫn nghĩ cái chết của Huyền Cơ là do bị gài bẫy.
Nói về Ôn Đình Quân - người đàn ông si tình nhưng không dám "với cao", sau khi nghe tin Huyền Cơ mất, ông ngẩn ngơ thất thần và luôn cho rằng bản thân là người đẩy nàng vào tấn bi kịch.
Không biết nói gì hơn trong câu chuyện đã đi vào lịch sử ấy. Nhưng nếu ngày đó Ôn Đình Quân cương định với tình cảm của mình, 1 lần dám yêu thì có lẽ cục diện sẽ được thay đổi. Thật không sai với câu hồng nhan bạc mệnh.