Đã nhiều lần, chị nhận được những tin nhắn riêng. Khẽ khàng. Là mình biết đằng ấy buồn, đằng ấy đau, đằng ấy tổn thương. Nhưng phô phang chuyện nhà ra chốn công cộng vầy thì cũng không nên lắm...
Hôm qua, tôi tình cờ gặp lại một người bạn cũ. Sau vài câu hàn huyên, bỗng cô ấy ngập ngừng hỏi thăm, từ ngữ dè dặt: Chị Hai mày ổn không? Sao thấy hay hằn học trên mạng xã hội vậy? Tôi thật chẳng biết nói sao, chẳng lẽ lại kể rằng, kể ra thì tình hình gia đình đã tốt hơn, nhưng người chị Hai mà bạn biết năm xưa thì lại biến thành ai khác mất rồi.
Số chị Hai tôi khổ. Lấy chồng, vất vả cùng nhau bươn chải. Lúc có chút của ăn của để, chị đang mang thai đứa con thứ hai, thì phát hiện chồng ngoại tình. Cay đắng hơn, kẻ thứ ba vốn xuất thân là gái bia ôm, lại cũng đang có bầu với chồng chị. Hai đứa trẻ ra đời cách nhau chỉ hơn tháng. Chị vật vã đau đớn, có lần từng mua thuốc ngủ về, cho con uống trước rồi mẹ theo sau, tất cả cùng rời bỏ cõi đời đầy lừa dối phản bội này… May mắn thay, mấy mẹ con được cứu sống kịp thời. Chị lại tiếp tục khổ sở trước sự ghen ngược của tình địch, đối diện với vũ phu hắt hủi thách thức đầy đốn mạt của kẻ làm chồng. Thế mà, ai khuyên chị ly dị đi cho nó nhẹ người, cứ để hai kẻ kia đến với nhau, chị cười nửa miệng, bảo: Đâu đơn giản vậy được!
Đoạn đó, chị sống không bằng chết, trầm cảm, khóc lóc, xô xát, gia đình chẳng khác gì địa ngục. Con cái dần lớn hơn. Chị cũng mạnh mẽ hơn, bắt đầu biết đi gặp gỡ dằn mặt kẻ xen vào tổ ấm của mình. Phản công cào cấu lại chồng. Chị quyết níu giữ cái gia đình đã rách nát của mình, không phải vì còn nặng lòng yêu thương. Mà bởi vì chị hận…
Đùng cái, chồng chị quyết định quay về. Chị không đuổi cũng chẳng nhận, cứ để anh ta quanh quẩn bên mấy mẹ con, chịu sự chửi rủa, ghẻ lạnh của cả nhà. Chị thỏa thuê như trả được thù. Làm gì có chuyện tha thứ ở đây! Hãy cứ sống mà đón nhận quả báo nhé! Chị kéo cả hai đứa con vào cuộc chiến của người lớn. Rằng cha chúng là kẻ phản bội xấu xa. Ngoài kia là kẻ lăng loàn trắc nết đã cướp cha của chúng, cướp chồng của mẹ chúng.
Chị không buông được nỗi hận cũ. Chị siêng năng nhắn tin sỉ nhục chồng bằng những lời lẽ dơ bẩn, ghê gớm nhất. Xong hào hứng mở điện thoại ra khoe với đồng nghiệp, chụp hình “quăng” lên trang cá nhân. Biến mình thành miếng mồi ngon cho thiên hạ săm soi bàn tán. Chị hài lòng khi con trai lớn tỏ ra căm ghét khinh khi bố. Lúc đứa con trai nhỏ buông lời miệt thị: Bố thì tốt lành gì mà dám mắng con ham chơi lười học. Đấy là khi chồng chị bất lực đi kiếm con ở tiệm game về, cầu xin con hãy cai nghiện cái thứ độc địa kia đi, trước khi nó chiếm hết tâm trí và tương lai của đứa trẻ lên mười…
Bây giờ, chị rất chăm chỉ chơi mạng xã hội. Tự nêu quan điểm hay trích dẫn những bài báo cay nghiệt, nhân quả, kiểu “Chồng như thế thì đâu đáng tôn trọng”. “Thà con không bố còn hơn có bố ngoại tình”. Hay “Đàn ông đáng trọng ở chân tình, đáng khinh ở bội bạc”. Chị khoe hình mình vừa đập nát xe máy, điện thoại của chồng. Đại khái thế. Mỗi ngày chị đều hăng hái “trình diễn”.
Ban đầu còn có người chia sẻ, cảm thông với chị. Sau, bạn bè bắt đầu cảm giác ái ngại, rồi dần dà là khó chịu. Chị chuyển từ nạn nhân sang một nhân vật phản diện đáng sợ từ lúc nào chẳng rõ. Không ai có thể khuyên được chị. Buông bỏ ư, khó lắm, chị đâu phải là thần tiên tỉ tỉ để mà coi tất cả nhẹ tựa lông hồng. Tha thứ ư? Quên đi nhé. Kẻ đó phải trả giá. Phải lãnh trách nhiệm về những nỗi đau đớn đã gây ra cho cuộc đời chị.
Đã nhiều lần, chị nhận được những tin nhắn riêng. Khẽ khàng. Là mình biết đằng ấy buồn, đằng ấy đau, đằng ấy tổn thương. Nhưng phô phang chuyện nhà ra chốn công cộng vầy thì cũng không nên lắm. Chẳng nghĩ cho bản thân thì cũng nên nghĩ cho con. Tội tụi nó á. Hay là… Chị gạt tất cả đi. Chị nuôi dưỡng mầm mống căm hờn trong những đứa trẻ. Chị uất hận, cay cú, nghiệt ngã với mọi thứ. Chị khiến cho nơi bọn trẻ trở về mỗi ngày luôn căng thẳng, đau đáu, phấp phỏng, bất an, khổ sở. Vài năm nữa, bọn nhóc được tưới tắm hàng ngày bằng nỗi dày vò của mẹ, sẽ phải ngoái nhìn lại quá khứ mà rơi nước mắt vì xa xót. Hiểu ra rằng, chính người mẹ khốn khổ đã đẩy chúng tới nông nỗi chênh vênh này.
Bạn tôi rụt rè ngao ngán bảo, cuối cùng chị Hai mới chính là kẻ thua cuộc. Vất vưởng không lối giữa bao nhiêu là nỗi niềm. Dành trọn thời gian, tâm trí cho cuộc chiến không hồi kết. Nghĩ tới mai này lũ nhóc lớn thêm lên mà hãi. Sao không nhắc chị hãy cố gắng để bọn trẻ được đi nốt ấu thơ trong sự êm ả nhất có thể tìm được?
Tôi chỉ có thể cười buồn, biết rằng mọi lời can ngăn vỗ về đã thành vô nghĩa mất rồi. Chị giờ thành người nổi tiếng, không phải bởi nghịch cảnh bị lừa dối tan nát của mình, mà bằng chính thái độ hơn thua kinh khủng ấy. Nhiều người thương chị, nhưng chẳng ai còn dám nói gì, sợ nhận lại bao điều khó nghe “không ở trong hoàn cảnh ấy đừng bày đặt ý kiến”. Chị như say trong nỗi hả hê được “báo thù”, mà quên mất bản thân cần phải sống, quên luôn con cái và cả cuộc đời đang vùn vụt trôi qua của mình…