Vậy là chị đã hoàn thành 'chỉ tiêu' cho gia đình chồng với hai thiên thần một trai một gái. Chỉ có điều trong khi những thành viên nhí trong gia đình được thêm vào theo cấp số cộng, nhan sắc của chị giảm trừ đi thấy rõ.
Chồng chị là con một. Gia đình bên chồng kinh tế vững nhưng neo người. Chính vì thế, điều bố mẹ chồng khao khát nhất sau khi cưới vợ cho con là hai vợ chồng trẻ mau chóng có tin vui để ông bà có cháu bồng cháu bế. Anh chị tạm gác lại những kế hoạch vui chơi thời son rỗi để đáp ứng mong mỏi của ông bà. Chẳng phải đợi lâu, Quang Minh - con trai đầu lòng ra đời chỉ sau ngày cưới của anh chị tròn một năm.
Nhưng ở đời, khi lòng mong mỏi chính đáng của con người không có điểm dừng thì ở một khía cạnh nào đấy, nó được chuyển hóa thành lòng tham. Một cháu trai đích tôn kháu khỉnh cho ông bà chưa đủ, bà mong phải có con đàn cháu đống, bởi giỗ chạp tết nhất, con cháu tề tựu đông đủ thì mới là phúc lộc lớn nhất của gia đình.
Với cả, cuộc sống bên ngoài phức tạp, ăn uống, không khí con người hằng ngày hít phải đều không kiểm soát hết được. Hiện tượng "vô sinh thứ phát" ngày nay không phải ít. Báo chí nói đầy ra đấy. Chị đang khỏe mạnh, đang ở giai đoạn thích hợp nhất của độ tuổi sinh nở. Theo cái đà bé một, anh chị nên có kế hoạch sinh thêm bé hai. Ông bà đang còn khỏe mạnh, còn xúm vào phụ một tay một chân. Khi bà già yếu rồi, có thuê người giúp việc thì dù họ có tốt bằng mấy cũng không đáng tin cậy bằng chính người nhà. Vậy là chị lại thuận theo.
Nhưng sinh hai đứa liền tay, phúc lộc đầy nhà đâu chưa thấy, chỉ biết nhỡn tiền trước mắt gia đình xào xáo. Chị chăm con kiểu mới giản đơn. Còn bà thì cầu kỳ, cẩn thận chi ly. Nếu khách đến thăm, mới đi ở ngoài đường vào bụi bẩn, trước khi bế bé, bà yêu cầu họ phải rửa tay... Lúc đầu chị thấy ngượng với khách, nhưng công việc nhà với hai đứa con nhỏ chồng lên như núi, chị cũng không đủ tâm sức để góp ý với mẹ chồng. Mà góp ý thế nào để mẹ không giận lẫy, đấy mới là điều chị băn khoăn. Thôi thì đành tặc lưỡi cho qua.
Hai đứa trứng gà trứng vịt cách nhau 15 tháng, khi ốm chúng cũng rủ nhau ốm cùng, rồi ho khè sổ mũi, bỏ ăn... tất tần tật những vấn đề nan giải kéo theo của một đứa trẻ đến cùng lúc, làm chị bấn loạn, quay cuồng. Ông chồng trẻ con của chị, từ bé đến giờ được cưng chiều, giờ vẫn giữ thói quen ngủ tít cho đẫy giấc, con ốm con khóc cũng mặc kệ. Thế là chị xoay như mớ bòng bong.
Có lần, khi hai đứa nhỏ ngủ lăn, chị có một chút thảnh thơi soi nhan sắc mình trong gương. Rồi không nhận ra mình nữa, chị òa khóc nức nở. Cô gái xinh đẹp với phom dáng chuẩn trước đó chưa đầy ba năm nay đâu? Trong gương là người >phụ nữ nhàu nhĩ với các vết thâm, vết chân chim hiện rõ nơi khóe mắt. Bụng ngực nhão rồi rạn tùm lum, tóc tai xuề xòa. Thằng lớn giật mình tỉnh giấc khóc ré lên. Chị ôm con vào lòng, ru nó ngủ, nước mắt chị ứa ra.
Chị lại còn có cái tật hay quên. Chứng bệnh này phát sinh trầm trọng nhất >sau sinh bé gái thứ hai. Nhiều lúc chị đứng giữa nhà, bần thần không biết mình đang giở tay làm gì, dự định làm gì bước tiếp theo. Nhiều hôm tất tả chạy đi mua cho con hộp sữa, đi giữa đường, chị phải vòng trở lại để xem mình đã khóa cửa chưa?!
Con quấy khóc nửa đêm kéo theo chứng mất ngủ. Khi chị vừa lại giấc, đứa nhỏ lại ọ ọe đòi bú. Riết rồi mắt chị mở chong chong đến sáng. Ban ngày chị phờ phạc. Rồi chị cảm thấy thờ ơ với mọi thứ xung quanh. Nhiều khi chị ngồi bần thần một mình, cảm giác mình lạc vào một thế giới khác, xa xăm vô định. Chị ngại tiếp xúc với mọi người, chị thu mình lại trong thế giới của chị, với tiếng khóc trẻ con, với tã sữa, khăn ướt, khăn khô, với những việc không tên nhưng vắt kiệt tinh thần và sự lanh lợi của chị. Chị cảm thấy mình trống rỗng, vô hồn, mọi công việc lặp đi lặp lại như cái máy. Chứng trầm cảm sau sinh như một lưỡi dao vô hình kéo đến, đánh gục chị.
Chị đặt hai đứa nhỏ trong xe nôi, đẩy xe đưa chúng ra công viên đi dạo. Cảnh vật mùa xuân đẹp thế, sao lòng chị không chút mảy may rung động. Cô gái tinh tế yêu đời và lãng mạn ngày xưa đâu? Thời gian và cuộc hôn nhân này mang đến cho chị điều gì? Nghĩ đến cảnh mẹ chồng đang chờ sẵn ở nhà, chỉ chờ chị mang con về là căn vặn, bắt chị giải trình: đã mang con đến đâu, cho con ăn những gì, có khoa học không? Chị càng chán nản và tuyệt vọng. Chị muốn ôm hai đứa con nhảy xuống làn nước sâu vô định kia.
Rồi có tiếng cười nói lao xao và một gia đình đi ngang qua. Gia đình đông con nhưng chỉ toàn chị em gái. Bốn cô gái chỉ nhỉnh nhau hơn chút xíu, áng chừng bà mẹ cũng ba năm hai đứa như chị. Bất giác chị nhớ đến mẹ chị ở quê. Bà cũng sinh con đông và dày như thế. Nhưng bốn chị em gái chị lớn lên trong sự yêu thương và đùm bọc của bố mẹ. Ngày xưa sau chiến tranh còn đói khổ hơn nhiều. Mẹ chị lại ở cùng bố mẹ chồng, sao bà vẫn vươn lên trong cuộc sống, xử lý mọi việc trong ấm ngoài êm?
Giờ đây chị sinh con trong hoàn cảnh đất nước đổi mới, đầy đủ tiện nghi, có bố mẹ chồng bên cạnh giúp đỡ. Vậy mà chị định điên rồ kết thúc mọi việc ở đây, khi cuộc đời phía trước còn quá dài và rộng. Chị bừng tỉnh nhận ra, chỉ có tinh thần và cách nhìn nhận của con người quyết định hạnh phúc. Chị thôi ý nghĩ điên rồ ấy và đưa con quay về nhà.
Có mẹ chồng khó tính đang đợi ở cửa. Nhưng thay vì bất mãn với bà như trước kia, chị sẽ chọn cách đối thoại với mẹ một cách ôn hòa. Còn ông chồng trẻ con của chị nữa. Anh ấy không phải là người bố tồi, chỉ có điều mẹ và vợ quá đảm đang sinh ra một người đàn ông ỷ lại. Phải có một cuộc nói chuyện và trao đổi, để chị tìm lại được người đàn ông lý tưởng mà ba năm trước chị đã từng yêu.