Nhìn anh thui thủi về, chị có chút xót xa, dẫu gì cũng tám năm chồng vợ. Nhưng có vẻ anh vẫn không nhận ra mình đã sai chỗ nào, vợ chồng cần nhất chung thủy và tôn trọng mà anh lại không có được lấy một.
Chị sững sờ và bật cười, cười chảy nước mắt. Gương mặt người đối diện dần chuyển sang màu tím, biểu hiện sự giận dữ. Ngày trước chị đã co rúm lại vì sợ hãi, nhưng sau ba năm, hình như gan chị lớn hơn, hay do câu nói của anh chồng cũ quá kích thích mà chị không nín được cười.
Kìm nén bằng một cơn ho, chị lau nước mắt sửa lại dáng ngồi, hơi chồm về phía trước. “Anh là đang nói thật hả?”
Chị vắt chéo chân nhìn bằng đuôi mắt người đã tám năm là chồng mình, nay đã thành chồng cũ. Sáng nay anh nói cho anh đến thăm con và ngồi lì đợi chị về chỉ để quăng ra một câu nói: "Sao khi đó không giữ tôi lại?"
Ngày đó, sau thời gian giật gấu vá vai không cải thiện được tình hình, chị quyết định bỏ việc, mở cửa hàng quần áo cho trẻ em. Chị ở chung cư nên hầu như nhà nào cũng có trẻ con, chị lại chịu khó lấy hàng tận gốc nên giá mềm hơn so với người khác vì thế được hàng xóm ủng hộ. Kinh tế gia đình khá lên, thay vì cảm kích chị chấp nhận bươn chải cho anh ngồi yên ở công ty nhà nước lương vừa đủ ăn sáng và uống cà phê thì anh quay qua trách chị làm... con buôn. Anh nói vì sao dân buôn bị gọi là gian thương, có nghĩa là ai buôn mà không gian lận. Gian với người ngoài quen thì với người nhà cũng chẳng từ. Bằng chứng là em gái anh mua váy cho con, chị là bác, thay vì giảm giá hay tặng cháu, chị vẫn lấy đúng giá như bán cho mọi người, ăn lời mấy đồng bạc với cả người thân. Anh nói chị bị tiền làm mờ mắt.
Chị ức mà không nói được, người nhà thì sao, chị đâu thể hóa phép ra cái váy mà mang cho người nhà. Chị phải mua, tốn chi phí vận chuyển, sao chị phải bớt chỉ vì người mua là người nhà. Nhưng chị đã ý tứ tặng thêm một lốc quần nhỏ cho con bé, khi mẹ nó kể với anh, có kể hết sự thật không?
"Cơm anh ăn hàng ngày cũng từ gian thương, áo anh một tuần sáu ngày sáu cái khác nhau cũng từ buôn gian bán lận mà có!". Anh vung tay cho chị cái tát, con gái khóc ầm chạy đến bênh mẹ cũng bị đòn lây. Mỗi ngày của chị ngoài ba bữa cơm còn những trận đòn.
Thời gian sau anh không đả động đến công việc của chị, cho đến ngày chị tận mắt thấy anh tay trong tay với cô gái trẻ, so với chị, cô ta trẻ hơn, xinh hơn và ăn mặc rất hợp mốt. Họ cùng nhau vào quán cafe, anh kéo ghế cho cô gái ngồi rồi kéo ghế mình sát lại gần, họ rí rách nói chuyện, thi thoảng anh còn vuốt tóc cô. Khi ấy, chị ngồi ngay sau họ, có ngạc nhiên, có bất ngờ nhưng không thấy đau đớn gì, còn có cảm giác thoát nạn khỏi những cú đá, những cái đạp hay bạt tai và tiếng khóc đau đớn của con gái.
Rất lịch sự, chị thanh toán cho cả ba, nhắn tin: “Tiền cà phê em đã trả, lần sau có đi quán hay nhà nghỉ nhớ nói em đưa thêm tiền cho!".
Chị còn căn chỉnh chụp mấy tấm hình làm bằng chứng. Tin nhắn gửi đi, chị thấy rõ vẻ hoảng hốt của người đàn ông như phản xạ khi bị bỏng, anh hơi nghiêng người tránh xa cô gái khiến cô ngơ ngác. Và khi thấy chị với nụ cười cách đó không xa, anh chết sững, lắp bắp gì đó nhưng vì xa quá chị không nghe rõ, chị cũng không có nhu cầu nghe, sợ phải biết thêm một tầng đốn mạt của người mình gọi là chồng.
Anh ta liệu sẽ nói gì, là anh chỉ vui chơi qua đường, rằng cô ấy dụ dỗ anh, rằng anh yếu lòng, rằng...
Không cần đánh, anh cũng tự khai. Lời khai của anh không khác những gì chị nghĩ là bao. Và chị chỉ quan tâm đến con số hai năm anh ta nói. Hai năm, chị bị bịt mắt cả hai năm, hai mươi bốn tháng và gần tám trăm ngày. Bỏ dở lời thú tội, chị quay người bỏ vào phòng, lá đơn >ly hôn hoàn thành ngay buổi tối. Anh van vỉ không chịu ký, chị cười, nếu không ký ngày mai những tấm hình này sẽ được gửi đến lãnh đạo, đến anh em họ hàng, khi ấy hậu quả thế nào...
Ôm con gái đi thuê phòng trọ khác, chị vẫn buôn bán và người ta nói đen tình đỏ bạc, chị liên tiếp gặp may, chị thu gọn bán lẻ chuyển sang bán sỉ, không tốn tiền thuê cửa hàng. Mẹ con chị đã có những chuyến du lịch đây đó, điều mà trước đây có mơ chị cũng không dám, chị cũng có những mối quan hệ khác nhưng chưa định đi xa hơn, con gái tươi tắn học giỏi. Anh vẫn ghé thăm con tháng đôi lần.
Nhìn anh thui thủi về, chị có chút xót xa, dẫu gì cũng tám năm chồng vợ. Nhưng có vẻ anh vẫn không nhận ra mình đã sai chỗ nào, vợ chồng cần nhất chung thủy và tôn trọng mà anh lại không có được lấy một, hôm nay lại oán ngược.
Chị bật cười, ừ sao ngày ấy chị không giữ anh lại, đồng thời có câu trả lời tự bật ra: Giữ để làm gì?