Sự vô tâm kéo dài trong cuộc sống gia đình sẽ khiến tình cảm đôi bên dần lạnh nhạt, xa cách. Trong sự cô đơn với bao áp lực vây quanh, không ít người chán nản, chọn giải pháp chia tay.
Năm 2010, chị D. và anh V. (ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) kết hôn. Thời gian đầu, hai người sống hạnh phúc, nhưng sau đó phát sinh nhiều mâu thuẫn. Theo chị V, nguyên nhân là do chồng thiếu sự quan tâm đến gia đình và tâm tư, tình cảm của vợ. Những khó khăn trong cuộc sống, >nuôi dạy con, áp lực công việc khiến chị quá tải trong khi chồng ít hỏi han, chia sẻ. Sự việc kéo dài nhiều năm dẫn đến vợ chồng bất đồng quan điểm, thường xuyên cãi vã. Hai người đã nhiều lần tìm giải pháp nhưng vẫn không có tiếng nói chung. Xét thấy tình cảm vợ chồng không thể hàn gắn nên chị V. xin được ly hôn, con chung 9 tuổi do chị trực tiếp nuôi dưỡng.
Sau khi Tòa án Nhân dân quận Ninh Kiều xét xử, anh D. có đơn kháng cáo muốn đoàn tụ với vợ con. Tuy nhiên, khi Tòa án Nhân dân TP Cần Thơ mở phiên tòa phúc thẩm vào đầu tháng 10/2020, anh D. xin rút đơn, chấp thuận ly hôn theo yêu cầu của vợ nên tòa đình chỉ xét xử vụ án.
Anh D. chia sẻ: "Sau khi suy nghĩ, tôi thấy mình có lỗi với vợ con vì đã thiếu trách nhiệm làm chồng, làm cha. Thật lòng tôi không muốn gia đình đổ vỡ, tôi hứa thay đổi bản thân để hàn gắn tình cảm, mong vợ bỏ qua. Nhưng nay vợ tôi đã cương quyết ly hôn thì tôi đành chịu".
Nghe anh D. nói, chị V. cũng động lòng nhưng mọi chuyện không thể cứu vãn tình cảm lại như trước. Giá như anh D. sớm biết san sẻ cùng vợ những vất vả, lo toan hằng ngày, dành thời gian chăm chút gia đình thì sẽ không xảy ra chuyện gia đình đổ vỡ.
Kể về kỷ niệm suýt nửa đường đứt gánh của mình, anh H.P ở quận Cái Răng, TP. Cần Thơ cho biết: "Nếu như không có ba má hai bên đứng ra hàn gắn thì vợ chồng tôi chắc đã một người một ngã".
Anh P. làm tài xế, thường chở khách đi dài ngày. Khi có nhiều mối quen, anh rủ bạn bè vay tiền mua xe để tự kinh doanh. Sau những chuyến xe đi về, thay vì chăm sóc, cơm nước cho chồng thì vợ anh lại ghi ngờ tra hỏi, kiểm soát tiền bạc. Có đêm mệt rã rời, thèm tô cháo nhưng vợ không chịu nấu, anh phải tự đi mua. Anh H.P chịu không nổi stress và cãi cọ triền miên nên khi vợ đòi ly thân, anh chấp nhận.
Ba mẹ hai bên khi biết sự tình, đã họp gia đình, phân tích lỗi của đôi bên. Anh P. buông bớt công việc, dành thời gian cho vợ con. Ngược lại, vợ anh thay đổi cách cư xử, chăm chút nhà cửa, cơm nước, biết lắng nghe để hiểu thêm công việc, nỗi vất vả của chồng. Chỉ cần dành sự quan tâm cho nhau mà vợ chồng anh P. đã chuyển "mái lạnh" thành "mái ấm".
Sự quan tâm trong >đời sống hôn nhân được thể hiện ở nhiều mặt, có thể là lắng nghe nhau, biểu lộ cảm xúc yêu thương, tặng quà vào các dịp lễ… Sẽ hạnh phúc biết bao nếu đi làm về có chồng/vợ hỏi han công việc như thế nào, có mệt không...
Chị Nguyễn Thị Ngọc Ngân - Gia đình văn hóa tiêu biểu ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ tâm sự: "Hồi đó, vợ chồng tôi cực lắm. Để có tiền lo cho các con ăn học, chúng tôi làm vườn, nuôi heo, gà vịt, ban đêm còn nhận may quần áo. Biết chồng thích ăn cơm nhà, mỗi ngày tôi cố gắng dậy sớm nấu đồ ăn sáng, rồi chuẩn bị bữa trưa cho ảnh mang ra vườn, buổi chiều thì luôn có cơm canh nóng sốt".
Đáp lại, chồng chị gánh vác phần nặng nhọc, lo cho vợ từng viên thuốc lúc ốm đau. Biết tính vợ hay quên, những ngày mưa, anh luôn chuẩn bị sẵn trên xe cho chị áo khoác, áo mưa. Cứ thế, sự yêu thương, quan tâm ấy như nguồn sức mạnh giúp anh chị đi qua những năm tháng khó khăn.
Chị Ngọc Ngân đúc kết: "Nếu muốn xây dựng, vun đắp một tình cảm tốt đẹp thì sự quan tâm, chăm sóc nhau là điều vô cùng cần thiết. Biết lắng nghe, trao đổi và thấu cảm thì vợ chồng mới có thể duy trì được sự hòa thuận, êm ấm, gắn kết bền lâu".