Một người đàn bà mạnh mẽ, tự lập, tự chủ năng động, đầy bản lĩnh và sống có trách nhiệm xứng đáng được ngợi khen và ngưỡng mộ. Tuy nhiên, không nên để những thế mạnh ấy làm “hư hỏng” chồng, thậm chí làm cho cuộc hôn nhân thất bại không đáng có.
Hân lấy chồng bằng tình yêu tự nguyện. Cùng là đồng nghiệp, cùng có nhiều điểm tương đồng về hoàn cảnh gia đình. Nói chung có thể gọi họ là “đôi lứa xứng đôi”.
Chung sống hơn hai mươi năm có ba mặt con đủ trai đủ gái, đùng một cái, chị “bỏ chồng”. Chị ra đi theo đúng kiểu “bỏ của chạy lấy người” với hai bàn tay trắng và thằng út còn phải nuôi ăn học một chặng dài. Bạn bè chị và những ai đã từng biết chị cũng như bản thân chị không hề băn khoăn lo lắng việc chị làm gì để nuôi con.
Người ta chỉ tò mò thắc mắc không hiểu vì sao chị “bỏ chồng” bởi vì chị không phải là kiểu người “tham sang phụ khó”, hay “thấy trăng quên đèn”, càng không phải là hạng “con mắt liếc ngang” “đứng núi này trông núi nọ”. Còn chồng chị vốn không cờ bạc, rượu chè, trai gái, hút sách.
Trước sự đoán già đoán non của bạn bè, người thân, chị nửa đùa nửa thật bảo: “Đơn giản vì hai người đàn ông không thể ở cùng nhau”.
Chị kể, thời của chị, điều kiện giao thông đi lại rất khó khăn mà khoảng cách địa lý của hai nhà lại xa xôi cách trở, nên đám cưới chỉ tổ chức bên nhà gái, còn đàng trai đưa rể nhập phòng cho gọn. Ba ngày sau, chị theo anh về nhà. Buổi tối đầu tiên, chị bị tống vào một căn phòng tối om với một đống lùng nhùng gối mền đen đúa bẩn thỉu. Chị thấy mình hoang mang, sợ hãi, lo lắng, tủi thân, uất ức… Suốt đêm chị ngồi thu lu ở một góc giường. Anh hỏi, chị trả lời: “Lạ chỗ không ngủ được”.
Anh nói: “Ngủ tạm thôi mà”. Chị cũng không hiểu tạm là thế nào nhưng không hỏi nữa.
Thì ra, chỗ ở của chị không phải là ngôi nhà nằm trong thị trấn ấy. Vợ chồng chị “buộc” ra riêng với nhiệm vụ “giữ vườn” ở cách đó hơn 10 cây số. Cái chòi nhỏ nằm lọt thỏm trong một vườn mía bạt ngàn mới là nơi chị bắt đầu cho những tháng ngày trở thành đàn ông mà không cần tốn một chút công sức, tiền của, đau đớn nào cho việc chuyển giới.
Đầu tiên là chuyện cái nhà tắm. Anh nói, tắm thì ùm xuống sông, ở đây ai cũng vậy. Thế là chị tự xách dao ra vườn chặt cọng mì gài làm khung, cắt tàu chuối khô làm dây cột, chằm bao phân làm vách… Lụi hụi mấy ngày cũng thành cái nhà tắm. Chị cũng nhanh nhẹn vần cái lu vào đổ đầy nước. Thế là chồng chị tiện thể khỏi ra sông.
Kế đến là cái sàn nước, để ngồi giặt giũ, làm cá, rửa chân tay. Kế nữa là căng sợi dây phơi, kê hàng lu đựng nước, đóng cái vách ngăn để có chỗ kín đáo cho sinh hoạt vợ chồng…
Bao nhiêu cái “kế nữa” cùng có một câu trả lời: “Ở đây đồng không mông quạnh, có ai lui tới đâu mà “phô trương”. Người ta sao mình vậy đi, bày đặt”. Thế là, chị có nhu cầu thì chị tự làm lấy. Cái nào không dùng sức nổi thì dùng kế. Vậy rồi, cũng xong.
Chừng có con, con cái là chuyện của đàn bà, đóng cho con cái xe đồ chơi, tập con chạy xe đạp trên bờ, dạy con bơi lội dưới nước, anh bảo “Tui ghét làm mấy chuyện “lặt vặt” này lắm”, hoặc “bà làm cô giáo mà”, “bà giỏi ăn nói thì đi họp phụ huynh đi”... Thế là mọi việc vào tay chị hết.
Có lần chị bày binh bố trận ra ngồi đóng cho con cái bàn học, cưa cưa đẻo đẻo, anh thợ mộc là phụ huynh học trò đi ngang qua ghẹo: “Cô giáo để tui mần ăn với chớ”.
Sau này, con cái học trường nào, chọn ngành gì, ra trường xin việc làm ở đâu cũng là chị hướng dẫn tư vấn cho con.
Con cái lớn lên, dựng vợ gã chồng, khỏi phải nói, chị đứng ra lo liệu hết thảy từ A đến Z. Thậm chí, đứng trên sân khấu phát biểu đôi lời cám ơn họ hàng bà con quan khách cũng là chị.
Thời điện khí hóa nông thôn mang lại nhiều tiện ích nhưng cũng sinh ra lắm thứ phiền hà. Cái cầu chì đứt, cái bóng đèn hư, cái vòi nước tắt, cái quạt hết quay, cái nồi cơm hỏng nút, cái màn hình ti vi chập chờn… đủ thứ công việc cần giải quyết. Công bằng mà nói, không phải chồng chị thoái thác trách nhiệm, nhưng thường là: “Để từ từ tui làm”.
Chị vốn là người mau mắn, tự chủ, hơn nữa, toàn những thứ cấp bách sao chờ được? Thế là chị lại ra tay.
Gần ba mươi năm sau, chị bỗng nhận ra, chị không khác gì một “thằng đàn ông”. Hai người đàn ông mà làm vợ chồng thì “dị” quá. Thế là chị ra đi.
Thật ra, không ai có thể phủ nhận Hân là một người đàn bà mạnh mẽ, tự lập, tự chủ năng động, đầy bản lĩnh và sống có trách nhiệm. Nhưng xét chính những thế mạnh ấy của chị đã làm “hư” chồng và làm cho cuộc hôn nhân thất bại không đáng có.
Giá như chị biết giấu bớt nó đi, giá như chị biết cách làm cho chồng chị thấy được vai trò quan trọng của anh ấy, giá như chị đừng cái gì cũng chứng tỏ mình làm được…