Anh thuyết phục, chị không nghe. Anh hờn giận, chị không màng. Anh đề nghị chị đưa con tới trung tâm bảo trợ trẻ tàn tật để người ta nuôi dưỡng, chị thét lên phản đối. Anh suy sụp đưa ra cho chị tối hậu thư cuối cùng, hoặc là thế hoặc là ly hôn. Chị yêu anh nhưng chị không thể nào xa đứa con dứt ruột đẻ ra được. Chị chọn phương án thứ hai.
LTS: Hành trình làm >mẹ đơn thân chưa bao giờ là dễ dàng với một người phụ nữ. Có muôn vàn lý do để một người phụ nữ chọn cách làm mẹ đơn thân. Ở đó là những câu chuyện của những khao khát nhưng không ít lầm lạc, của những nỗi cay đắng nhưng lòng đầy bao dung, của những thăng trầm nhưng đầy nghị lực, của những mất mát nhưng cũng là lúc mở ra những chân trời tươi sáng…
Ngày bác sĩ siêu âm nói với chị rằng cái thai của chị có vấn đề về não, chị cảm thấy bầu trời như sụp xuống. Bác sĩ nói chắc chắn 100%, đứa bé sinh ra không có cơ hội nào làm người bình thường mà cũng khó lòng mà sống sót, nhưng chị không chấp nhận tin. Chị vẫn đi đến khắp các phòng khám để mong thắp lên một chút hi vọng. Người chị cứ mòn mỏi kiệt quệ như người sắp chết đuối. Không khí trong nhà u ám như tang gia. Hai vợ chồng cứ ôm nhau khóc suốt. Khi không còn khóc nổi thì mặt cả hai cũng xám xịt, cả hai chẳng buồn nói với nhau một câu. Chồng chị cứ ngước mắt lên trần nhà thở dài sườn sượt, ngăn cho nước mắt đừng rơi xuống? Chị không khóc nhưng cứ cúi gằm mặt rưng rưng. Hai người đều đã nhiều tuổi, chị đã ngoài ba mươi mới mang thai lần đầu, nên cả hai gia đình đều mong ngóng đứa bé này chào đời. Ai cũng khuyên chị nên bỏ thai để đỡ khổ. Chồng chị cũng động viên chị. Chị cảm giác như cả thế giới đang chống lại mẹ con chị. Con dù có bị làm sao thì cũng vẫn là con của chị, là máu mủ ruột rà của chị, sao có thể nào giết chết nó khi nó vẫn còn cựa quậy trong bụng chị cơ chứ?
Bốn tháng, chị không bỏ thai. Bảy tháng, chị vẫn không bỏ. Chín tháng, đứa bé ra đời. Gọi là đứa bé chứ trông nó không khác gì một nhúm thịt vẹo vọ, cái đầu phình to, hai mắt lồi hẳn ra, tay chân khòng khoèo. Đến cái tiếng khóc nghe cũng kì quái. Chồng chị đau đớn, chẳng nhìn đến mặt con. Anh tránh mặt đứa bé. Kể cả khi nghe thấy tiếng nó khóc như xé thì anh vẫn không lại gần bế nó lên. Anh cũng chạy ra khỏi nhà hoặc úp mặt, không khóc nhưng người cứ rung lên nức nở. Chị biết, lòng anh đau chẳng khác gì chị.
Đứa bé cứ lay lắt sống, chỉ một mình chị chăm sóc nó. Chị phải nghỉ hẳn việc để lo cho con. Chị nhận đồ về nhà may để kiếm thêm thu nhập. Anh vẫn đưa tiền cho chị đều đặn nhưng ít về nhà hơn. Chị quá bận rộn với đứa con tàn tật nên không có thời gian quan tâm đến anh, kể cả dằn vặt anh, chị cũng không có thời gian.
Con chị ba tháng không lẫy, bẩy tháng không bò, chín tháng không lò dò tập đi. Đến hai tuổi, nó cũng vẫn không lẫy. Ba tuổi cũng vẫn không bò. Cứ đặt đâu nằm đấy, nước dãi rớt dài, ú ớ ngơ dại, tay chân quều quào vô thức. Mãi mãi như một đứa trẻ sơ sinh dị dạng.
Bác sĩ nói đứa trẻ bệnh tật hoàn toàn không do lỗi tại >sức khỏe anh chị, anh chị có thể sinh đứa khác bình thường. Khi hôn nhân đã nhạt nhẽo đến nỗi trên bờ vực thẳm, anh đề nghị chị sinh thêm đứa nữa. Chị từ chối vì muốn dành hết tất cả thời gian cho đứa con thiệt thòi. Anh thuyết phục, chị không nghe. Anh hờn giận, chị không màng. Anh đề nghị chị đưa con tới trung tâm bảo trợ trẻ tàn tật để người ta nuôi dưỡng, chị thét lên phản đối. Anh suy sụp đưa ra cho chị tối hậu thư cuối cùng, hoặc là thế, hoặc là ly hôn. Chị yêu anh nhưng chị không thể nào xa đứa con dứt ruột đẻ ra được. Chị chọn phương án thứ hai.
Anh để lại cho chị cả căn nhà, chiếc xe và tất cả mọi thứ mà hai người tích cóp được, chỉ ra đi với chiếc túi đựng quần áo sơ sài. Chị rưng rưng chưa kịp khóc thì tiếng đứa bé đòi sữa đã lại vang lên, cắt ngang nỗi buồn của chị.
Chín năm trôi qua, chị vẫn một mình chăm chút cho đứa con không may mắn sống kiếp người bình thường của chị. Cũng có người đến hỏi chị, nhưng chị vẫn chỉ một lòng với con.
Làm mẹ đơn thân đã khổ, làm mẹ đơn thân có con khuyết tật như chị lại càng khổ hơn vạn lần. Suốt chín năm từ ngày sinh con, chị chưa một lần được nở nụ cười hạnh phúc. Nhưng mỗi khi nhìn con, ánh mắt chị vẫn chan chứa tình yêu thương. Chị vẫn thầm thì với con, dù rằng đứa bé nghe không hiểu nổi một từ, rằng mẹ yêu con, dù cho cuộc sống có vất vả như thế nào mẹ vẫn yêu con và không bao giờ hối tiếc vì đã sinh con ra trên đời này.