Tương lai là thứ không ai dự đoán trước được điều gì, hiện tại mới là điều quan trọng, là thứ chúng ta đang có và có thể thay đổi được.
“Chúng mình yêu nhau hết hôm nay thôi nhé!”, đó là câu nói chúng tôi nói với nhau hàng ngày, hoặc không thì luôn tự dặn lòng mình như vậy. Có thể mọi người sẽ thấy lạ, tại sao người ta luôn nói những điều hoa mỹ kiểu như: "Em yêu/Anh yêu hi vọng rằng 20 – 30 năm nữa chúng mình vẫn sống hạnh phúc bên nhau nhé” hoặc“hãy luôn yêu em và con như những ngày đầu tiên anh nhé”; “Chúc cho chúng mình sống hạnh phúc đến đầu bạc răng long”. Còn chúng tôi thì làm ngược lại, phải chăng vì chúng tôi không còn yêu nhau nữa, phải chăng chúng tôi quá mệt mỏi với cuộc hôn nhân của mình nên phải có lý do để buông tay?
Câu trả lời thật ra, là bởi chúng tôi không muốn nói trước bất cứ điều gì mà, tương lai là thứ không ai dự đoán trước được điều gì, hiện tại mới là điều quan trọng, là thứ chúng ta đang có và có thể thay đổi được. Yêu vốn dĩ tự nhiên như hơi thở, chẳng phải cứ ràng buộc nhau, quy ước với nhau đủ thứ, chẳng phải cứ sống với nhau vài ba chục năm rồi nhìn con số mà thấy hãnh diện trong khi người trong cuộc thì chỉ mong tìm cách để giãy ra.
Mỗi sáng sớm, trước khi ra khỏi nhà, chồng tôi luôn nói một câu chào với gương mặt hạnh phúc nhất, với nụ cười rạng rỡ nhất. Sau đó lần lượt anh hôn vợ, hôn các con rồi đi làm. Anh vẫn nói với tôi rằng:“Có những người đàn ông/đàn bà sáng bước chân đi làm rồi không bao giờ quay về nhà được nữa. Người đau đớn nhất vẫn luôn là người ở lại, cuộc sống không ai nói trước được điều gì, nên cứ sống như hôm nay chỉ còn 1 ngày để sống, để có thể làm những điều tốt nhất cho người mình yêu thương, sống một ngày đáng sống nhất để nếu có phải ra đi cũng không hề hối tiếc”.
Tôi biết có những người đàn ông, những người đàn bà họ yêu nhau nhiều lắm, họ thề non hẹn biển, họ sẵn sàng chứng minh tình yêu bất diệt của mình bằng cái chết. Họ tìm mọi cách để đến được với nhau, để trở thành chồng, thành vợ. Rồi sau đó không lâu, cái tình yêu nồng thắm lớn lao đó bị những thói quen, bị những áp lực, bị những trách nhiệm, gánh nặng bóp méo.
Họ không còn cười đùa, không còn ôm nhau mỗi tối, không còn những nụ hôn nhẹ nhàng lên trán, những cái ôm chặt mỗi khi giận hờn. Khi ấy một câu nói đơn giản “Anh yêu em” nhưng sao nó nặng nề và có thốt lên thành lời đến vậy. Thay vào đó là những trận cãi vã, những lời nhiếc móc, thậm chí là nói những lời cay nghiệt, những hành động khiến người mình từng yêu bị tổn thương, đau đớn nhất. Khi ấy vẫn luôn là câu hỏi chúng ta tra khảo: "Ai từng nói có thể chết nếu thiếu tôi? Ai từng nói sẽ yêu tôi mãi mãi?"
Rất nhiều người bước vào hôn nhân mà chẳng nghĩ đến việc chúng ta sẽ sống như nào, đối xử với nhau ra sao. Hẳn như họ nghĩ hôn nhân giống như một bản hợp đồng bảo hiểm mọi rủi ro, nên họ có quyền yêu cầu người khác phải chấp nhận những góc tối của bản thân, sự ích kỷ, đòi hỏi phải thấu hiểu, kiểm soát. Để đến khi có biến cố họ sẵn sàng la hét, chửi bới, nhiếc móc, đòi hỏi phải có trách nhiệm với tuổi xuân của họ.
Có câu nói rất hay rằng: “Nếu tình yêu là ánh sáng, thì hôn nhân là phiếu thu tiền điện” ý nói nếu cứ nghĩ yêu nhau hết mình, cháy hết mình mà không biết sẽ phải sống và đối xử với nhau như thế nào trong hôn nhân thì nó luôn khiến chúng ta bị sốc khi về sống chung một nhà.
Hôn nhân đôi khi dễ dàng với người này, nhưng với người khác lại trở thành những rào cản khó khăn, thậm chí với không ít người hôn nhân là dấu chấm hết cho một tình yêu đẹp. Bởi vì họ vỡ mộng, họ tưởng tượng khi yêu nhau ngọt ngào như vậy, thì chắc chắn khi thuộc về nhau, rồi được gia đình hai bên, được pháp luật công nhận thì tình yêu ấy phải thăng hoa hơn, họ sẽ hạnh phúc hơn. Ai nghĩ đến tình yêu sau hôn nhân, chúng ta phải sống như thế nào cho phù hợp, thay đổi sao cho mới mẻ, yêu sao cho luôn nồng ấm mà không nguội lạnh.
Nếu bạn đang trông đợi một cuộc hôn nhân như vậy, tôi khuyên bạn hãy chuẩn bị cho mình những kỹ năng, giống như kỹ năng sinh tồn ngoài tự nhiên vậy đó. Bởi chúng ta có yêu nhau đến nhường nào thì cũng phải chấp nhận một thực tế rằng: chúng ta phải sống, chấp nhận một con người khác chúng ta hoàn toàn về suy nghĩ, nhận thức, về lối sống, hành động, thói quen, sở thích. Phải học cách lúc nào cần cứng, lúc nào nên mềm, lúc nào cần giữ, khi nào cần buông.
Và quan trọng hơn, đừng yêu cầu người khác nhất nhất phải theo ý mình, phải thế này, phải thế kia, phải yêu thương, phải chăm sóc, phải có trách nhiệm. Bởi vì tình yêu là sự tự nguyện, không có chỗ cho sự ép buộc. Hôn nhân muốn bền vững phải dựa trên nền tảng tình yêu tự nguyện, sống có cho có nhận, nhưng cho đủ, và nhận đủ. Đừng trầm trọng hóa bất cứ điều gì bạn nghĩ là đúng, và yêu cầu người khác phải theo. Nếu bạn đúng mà dùng sai cách, thì cái đúng đó nó vô tác dụng.
Những ai may mắn còn đang sống trong tình yêu, hay đang có một cuộc hôn ước với người đàn ông hay đàn bà nào đó, hãy nhớ rằng lý do chúng ta yêu nhau, muốn chung sống với nhau. Để từ đó, chúng ta sẽ biết sống vì nhau, yêu thương, trân trọng nhau hơn. Đừng vì những áp lực cuộc sống mà sẵn sàng bóp méo tình yêu chúng ta đã từng hết mực cố gắng. Và luôn xin nhớ cho, nói yêu thôi – đừng nói yêu mãi, vì chẳng có gì là mãi mãi trên đời này cả.