Cuộc đời con người nhanh như cơn gió thoảng, hà cớ gì chúng ta cứ phải gồng mình lên làm cái thứ, sống cái cách, chỉ để làm đẹp ý ai đó?
Mẹ lỏn lẻn: “Thôi con, người ta nói chết!”. Từng thanh âm nhẹ tênh như hòa lẫn vào tiếng xe máy ù ù lướt qua liên tục trước cửa nhà. Nhìn bóng mẹ và ba ngồi chênh vênh trên hai chiếc xe ôm, tự dưng tôi nghe như có ai khuân một tảng đá vô hình đè lên ngực mình. Nặng trĩu.
Ba đi khám bác sĩ, tuy bệnh không đến nỗi nặng, nhưng ông cũng không được khỏe lắm. Ông bà quen ở dưới quê nhà cửa rộng rãi yên tĩnh. Tôi cũng không giữ ba mẹ lại, vì hiểu được cảm giác không đâu thoải mái bình yên cho bằng nhà mình. Chị em bàn gọi cho ba mẹ chiếc xe dịch vụ bốn chỗ về quê cho thoải mái. Mẹ nhất định về xe khách vì sợ “người ta nói” xài sang!
Quay lưng vào nhà, tôi nghĩ mãi về cái câu “người ta nói” của mẹ, mà dường như đây không phải lần đầu tôi nghe. Tôi nhớ bà nội, quanh năm gánh trên vai năm mười cái đám giỗ. Ngày giỗ nào cũng phải gói bánh ít, bánh tét, bánh bò, cơm rượu, mắm tép, gà vịt đủ các mâm. Người đi đám không chỉ có ăn mà còn phải có mang về.
Hai ba ngày trước, có khi cả tuần bà và mẹ lăng xăng rọc lá, phơi lá, rồi lau lá, hai ba giờ khuya còn ở miết trong bếp nấu nấu nướng nướng. Nhà cửa bàn ghế cọ đi cọ lại cho bóng lưỡng mới thôi. Trong cơn lờ mờ ngái ngủ, hay vội vã ham chạy đi chơi, tôi còn nghe loáng thoáng nội nói với mẹ: “Làm vậy, người ta nói chết!”.
Không biết có ai nói gì không, mà sau những đám giỗ như vậy, có khi tôi thấy nội rũ xuống như một tàu lá chuối đột ngột bị gió đánh gãy! Mẹ tôi hai mắt trũng sâu, lâu lâu thở dài vì những món tiền gà, tiền thịt, tiền chợ không biết lấy đâu gồng gánh những ngày sắp tới…
Tôi còn nhớ năm ấy mình cũng đã lớn, ít chạy theo chúng bạn chơi nhà chòi hay nhảy dây, đánh đáo… mà thường loanh quanh ở nhà dọn dẹp làm bếp, trông em, đọc sách, học bài. Dì tôi, em gái thứ sáu của mẹ, hớt hải chạy đến, mặt mũi sưng húp, ôm mẹ khóc nấc lên từng chập. Tôi chưa từng thấy người lớn nào khóc nhiều như vậy. Dì khóc tức tưởi như trẻ con. Khóc mãi không dứt.
Sau này lớn lên thi thoảng nhớ lại, tôi biết rằng đó là tất cả những dồn nén chịu đựng của biết bao nhiêu năm tháng làm vợ một người đàn ông vũ phu. Nó là nỗi tủi hờn đã vượt quá ngưỡng trào ra, đau như ai lấy dao cứa vào da thịt. Vậy mà, khi lau hết nước mắt, dì nói với mẹ: “Em phải về thôi. Đi đâu bây giờ, bỏ chồng người ta nói chết. Con cái lớn lên biết ăn nói làm sao với nhà vợ nhà chồng nó chị!”.
Sau này làm dâu, tôi lại nghe mẹ chồng mình nói những tiếng “người ta nói chết” cũng nhiều như mẹ ruột.
Gần hai mươi cái tết đã trôi qua, năm nào tôi cũng chuẩn bị y như năm nào, từng ấy món, từng ấy lễ, từng ấy thứ…. Mệt bở hơi tai, đến nỗi ngày tết đáng lẽ trở thành ngày vui, nhưng lại hóa ra nỗi sợ hãi ám ảnh. Có năm cô em chồng nhìn mẹ cười cười: “Ai ăn đâu mà cứ nhiêu đó làm hoài. Tết nay cả nhà mình đi du lịch đi!”. Mặt mẹ biến sắc: “Trời, ai mà vậy được. Người ta nói chết con!”.
Thoạt nhiên tôi ngẫm nghĩ, một ngày thật nhanh. Loay hoay dọn dẹp cơm nước, đọc chút báo, xem chút ti vi, vậy mà hết giờ. Mới đầu tuần quay qua quay lại đã hết tuần. Mới giao thừa pháo hoa, giờ nghe ba báo gió chướng đã về, tháng chạp sắp đến. Lại sắp hết năm. Mới háo hức trẻ trung nơi giảng đường đại học, giờ tóc đã lốm đốm bạc, tiền đình rối loạn, đứng trong bếp hơi lâu đã thấy váng vất, quanh mình toàn ngôi sao, đom đóm xoay xoay như chong chóng.
Cuộc đời con người nhanh như cơn gió thoảng, hà cớ gì chúng ta cứ phải gồng mình lên làm cái thứ, sống cái cách, chỉ để >làm đẹp ý ai đó? Một “người ta” ất ơ vô hình nào đó sao cứ để nó như bóng ma của quản ngục nhà tù Azkaban bay luẩn quẩn trên đầu khống chế cảm xúc, khống chế đời mình đến như vậy?
Có khi nào chúng ta tự hỏi mình - nhất là những người đàn bà - đã tự mua dây trói chân tay, tự bịt mắt mình không? Chân tay chằng chịt dây nhợ thì làm sao vùng đi? Mắt tối om thì làm sao thấy ngoài kia có một vùng không gian khác, một thứ ánh sáng đẹp đẽ vui tươi đang chờ đón mình? Tại sao ta cứ mãi sợ “người ta nói” nhỉ?