Có câu ‘tình cũ” luôn làm người ta nát dạ, có lẽ là rất đúng.
Bất chợt đi ngang phòng con trai, tôi nghe cu cậu 15 tuổi nói thì thào qua điện thoại:
- Chết chưa? Vậy tết này ba sẽ ở đâu? Em Na sắm đồ tết chưa? Đừng lo quá... để con coi coi...
Đó là con trai tôi nói chuyện với ba của nó. "Em Na” là em gái cùng cha khác mẹ với con trai tôi. Tôi có cuộc hôn nhân 8 năm với người đàn ông gọi là “chồng cũ". Bao cay đắng nhọc nhằn cũng đã trải qua, nhưng buồn nỗi, anh không phải là người có ý chí cầu tiến. Ngày có ba bữa cơm với anh là đủ rồi, nên anh vẫn chung thủy với công việc của một bảo vệ cửa hàng điện máy suốt mấy năm trời. Làm theo ca nên thời gian nghỉ cũng nhiều nhưng anh chẳng chịu dùng thời gian đó mà chạy thêm việc, mà cứ nằm nhà xem ti vi.
Tôi được chia hương hỏa một thửa đất 200m² cạnh đường lớn nên chạy vạy mãi cũng cất được cái mặt bằng để bán gas và nước suối. Dù là giáo viên nhưng rời bục giảng tôi vẫn ôm từng bình nước đi giao. Khách của tôi quen giờ mở cửa nên chỉ gọi gas, nước vào cuối giờ chiều tới tối. Chồng lại làm ca chiều tới khuya nên buổi sáng hay rảnh. Tôi nhờ anh ở nhà mở cửa hàng, có ai gọi thì giao, tiền bạc sổ sách tôi sẽ lo nhưng anh bảo: “Tuổi trẻ lấy >sức khỏe kiếm tiền, về già lấy tiền mua sức khỏe đó em biết không?”. Vậy là để "dưỡng sức” cho thời gian làm việc nên anh cứ ngủ no giấc, dậy ăn sáng, cà phê rồi chờ vợ về nấu bữa trưa thì mới đi làm.
Một mình tôi vất vả với bài toán kinh tế nên âm thầm kế hoạch chả mong sinh nữa. Khi con trai mười tuổi, anh bảo sinh thêm con cho “vui cửa vui nhà”. Tôi không đồng ý thì hai vợ chồng cãi nhau, rồi anh mạnh dạn đưa về một cô gái bụng bầu sáu tháng về, nói rằng đó là người biết yêu thương anh, chịu nghe lời anh để sinh nhiều con cho gia đình hạnh phúc.
Tôi ly hôn. Tài sản phải chia cho anh không nhiều vì tất cả đều căn cứ vào nguồn gốc và sự đóng góp tài chính của hai bên. Anh và cô gái đó ra nhà trọ sống, tôi và con trai vẫn ở nhà cũ, chuyện kinh doanh của tôi khá dần lên.
Năm năm qua anh không liên lạc với tôi về con cái vì ngày ra tòa tôi không yêu cầu cấp dưỡng. Nhưng tôi biết con tôi đã chủ động tìm số điện thoại của cha nó và liên lạc.
Cậu bé lên 10 ngày nào giờ đã 15, học giỏi và biết phụ mẹ việc nhà. Về thể chất con đã lớn hẳn, về tâm tư cũng đã là người bạn của mẹ rồi.
Nghe đâu chồng cũ tôi và vợ sau không hạnh phúc. Cuộc sống thiếu thốn trước sau, thêm vào đó là lối sống "tà tà" của anh, mọi thứ càng khó khăn. Cho nên mới có chuyện vào một ngày sắp tết rộn ràng thế này, cô ấy đã bỏ cha con anh mà đi nên mới có cuộc điện thoại với con trai tôi như thế.
- Mẹ...
Con trai tôi gõ khẽ cửa phòng
- Gì vậy con?
- Ba... ba của con hiện rất khó khăn... tội nghiệp em Na mới năm tuổi mà bị mẹ bỏ... mẹ có thể giúp gì cho họ không? Con tôi ngập ngừng một cách tội nghiệp.
- Vậy con muốn mẹ giúp thế nào?
- Con muốn xin mẹ... ít tiền để mua đồ tết cho em Na và biếu ba ăn tết.
- Được thôi. Quá dễ. Còn gì nữa không con?
- Mẹ à... năm năm nay nhà mình không có ba. Con... con thèm ba... hay là mẹ cho ba về một năm ăn tết với mẹ con mình nha? Vì... vì... ba bị chủ nhà trọ đuổi rồi.
Giọng con tôi chùn xuống đầy cảm thương
- Con trai được voi đòi cả sở thú phải không?
- Em Na đáng thương mà mẹ! Nghe mẹ... nghe...
- Đàn ông con trai không lằng nhằng nha! Mẹ duyệt tiền biếu ba ăn tết và sắm đồ mới cho em Na. Những việc còn lại... để mai tính, nha!
Thật sự tôi cũng không biết "tính” gì. Có câu "tình cũ” luôn làm người ta nát dạ. Huống chi bé gái kia thật đáng thương, nó còn quá nhỏ mà vắng mẹ trong mấy ngày xuân sum họp thế này; con trai tôi cũng thèm có ba trong những ngày xuân ấm áp. Nhưng... đón cha con họ về nhà tôi ư? Tình cảnh sao éo le như thế?