Lẽ tất nhiên, bạn không phải là con gái ruột của bà, mẹ chồng cũng không phải là mẹ đẻ của bạn nên thật khó để cùng hòa nhập vô điều kiện và bao dung dễ dàng cho nhau.
Hôn nhân không phải vấn đề của riêng 2 người. Trước khi cưới, các cặp đôi đều tưởng tượng ra một viễn cảnh tuyệt vời của những ngày về chung nhà nhưng sự thật lại phát sinh nhiều thứ kinh khủng hơn thế. Đặc biệt là mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu.
Làm dâu là cả một nghệ thuật, nó đòi hỏi nhiều yếu tố hơn là sự chỉ cần khéo léo hay tinh tế. Không cần phải làm hết sức để lấy lòng mẹ chồng hay đòi hỏi một mối quan hệ vượt xa thực tế. Rồi có ngày bạn sẽ nhận ra, chỉ cần chung sống hòa bình đã là cả một bầu trời hạnh phúc.
1 người phụ nữ được gọi là thành công trong việc làm dâu khi chung sống với mẹ chồng suốt 20 năm đã chia sẻ 6 vấn đề đúc kết từ kinh nghiệm của cô ấy.
Mẹ chồng không bao giờ coi con dâu là con gái nên con dâu cũng không cần miễn cưỡng coi mẹ chồng như mẹ đẻ
Nhiều nàng dâu trước khi cưới luôn sẵn sàng 1 tư tưởng: Chỉ cần mình coi mẹ chồng như mẹ đẻ thì bà sẽ đối xử với mình giống con gái. Nhưng đó là cách suy nghĩ rất thiếu sự trải nghiệm.
Điển hình là việc bạn nêu cao khẩu hiệu sẽ hiếu thuận với mẹ chồng nhưng qua quá trình chung sống càng ngày càng nảy sinh nhiều mâu thuẫn và bạn càng bất mãn hơn với mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu. Về cơ bản là do đôi khi phụ nữ chưa lường trước được mọi sự phức tạp, đặt hi vọng nhiều quá nên không được như ý mình thất vọng càng lớn.
Không phải lúc nào bạn cho cái gì đi là bạn sẽ nhận về được thứ khác ngang giá trị. Tốt hơn hết là hãy nhìn thẳng vào thực tế ngay từ khi 2 người xác định kết hôn. Đừng cố phóng đại mọi thứ lên, đừng bắt ép bản thân phải làm điều mình không muốn. Vì không ai dám chắc bạn có thể duy trì được tấm lòng chân thành ấy với mẹ chồng cả đời.
Vậy nên, hãy sống với nhau đúng mực, đối đãi thích hợp, đúng bổn phận trách nhiệm. Nếu nhận về tình yêu thương thì hãy cho đi tình yêu thương, còn không hãy coi mẹ chồng theo đúng bản chất: là đấng sinh thành và nuôi dưỡng người đàn ông mình gọi là chồng.
Đừng quá cứng nhắc trong mối quan hệ
Mâu thuẫn là điều không tránh khỏi, dù với nàng dâu không sống chung hay cùng ở dưới 1 mái nhà với mẹ chồng. Nhưng trước khi hành xử, luôn ghim trong đầu, chồng mình và mẹ chồng là mẹ con ruột không thể thay đổi nên đừng dại dột mà đi theo cảm xúc bộc phát.
Có bất cứ tình huống nào xảy ra, nàng dâu khôn ngoan sẽ biết kiềm chế và mang chồng ra làm lá chắn. Sai hay trái gì thì cũng là mẹ đẻ của anh ta, bạn càng "bật", càng hỗn láo bản thân bạn càng là người thiệt thòi. Hãy vào vai kẻ yếu thế, những vấn đề vượt quá giới hạn nên để chồng ra mặt xử lý.
Hiếu thảo với mẹ chồng và khẳng định bản thân
Trong 2 năm đầu hôn nhân, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu vô cùng nhạy cảm. Cả 2 đều là những người xa lạ mà về chung 1 nhà. Một bên còn e dè đắn đo mọi thứ, một bên để ý, cân nhắc mọi kiểu. Nhưng đây mới là thời điểm bạn cần thể hiện tính cách và quan điểm sống rõ ràng nếu cần thiết.
Bởi đây là giai đoạn >cuộc sống hôn nhân của bạn dễ bị mẹ chồng can thiệp nhất. Thế nên không có chính kiến rõ ràng sẽ tạo tiền đề cho những ngày tháng làm dâu u tối sau này. Hãy cứ hiếu thảo đối xử đúng mực với mẹ chồng nhưng lúc nào cần lên tiếng thì đừng ngại.
Khi vượt qua được giai đoạn này, mẹ chồng bạn sẽ hiểu được quan hệ vợ chồng và quan hệ mẹ con là hoàn toàn độc lập. Bà có quyền góp ý nhưng không được kiểm soát hay bắt ép.
Nuôi con độc lập
Vấn đề chung trong xã hội hiện nay là "con bà, cháu ông" chứ không phải con của mẹ nữa. Hết 6 tháng nghỉ sinh, các mẹ nghiễm nhiên để con cho ông bà nội trông nom để đi làm. Nhưng ngặt nỗi, 2 thế hệ khác nhau, quan điểm nuôi trẻ khác nhau nên lại phát sinh bao nhiêu tranh cãi.
Chị em trước khi quyết định sinh con hãy xác định: 1 là gửi con cho ông bà chăm thì hãy chấp nhận phương pháp >nuôi dạy con của ông bà, 2 là tự chăm sóc và nuôi con cái, hãy để ông bà chỉ chơi với cháu khi họ thực sự muốn.
Gần gũi, tình cảm với chồng trước mặt mẹ chồng
Các nàng dâu hay có suy nghĩ sai lầm rằng không nên tỏ ra gần gũi với chồng trước mặt mẹ chồng vì sẽ tạo cho bà cảm giác bị chia sẻ tình cảm. Nhưng không, thay vì sợ mẹ chồng "ghen" với mình hãy thể hiện sự khăng khít của vợ chồng bạn một cách nhẹ nhàng, kín đáo.
Điều này khiến mẹ chồng dần quen với sự có mặt của một người phụ nữ khác trong lòng con trai mình. Càng để bà thấy đôi trẻ hòa hợp càng tạo ra những phản ứng tích cực sau này.
Luôn giữ khoảng cách với mẹ chồng
Khi được con dâu quan tâm, tặng quà, biếu tiền, mua cho cái này cái kia, làm hết việc nhà, cơm bưng nước rót đương nhiên bà mẹ chồng nào cũng thích nhưng nàng dâu không nên để mối quan hệ ấy trở nên quá thân thiết.
Việc bạn quá phục tùng, quá chiều chuộng sẽ tạo cho mẹ chồng 1 thói quen và mặc định họ sẽ nghĩ đó là việc bạn phải làm. Sống dưới một mái nhà, những thói quen sinh hoạt là khác nhau, quan điểm khác, các khái niệm tiêu dùng khác và ngay cả giờ giấc ăn uống, khẩu vị lại càng khác nhau. Thế nên cho dù mối quan hệ này tốt đến đâu, sống chung trong một thời gian dài cũng tạo ra mâu thuẫn.
Lẽ tất nhiên, bạn không phải là con gái ruột của bà, mẹ chồng cũng không phải là mẹ đẻ của bạn nên thật khó để cùng hòa nhập vô điều kiện và bao dung dễ dàng cho nhau. Vậy nên, tốt nhất vẫn là giữ một khoảng cách nhất định, thỉnh thoảng gặp nhau, tình cảm đúng mực sẽ đỡ áp lực hơn rất nhiều.
Không có 1 công thức hay bí quyết chung nào vì mỗi gia đình sẽ có những hoàn cảnh khác nhau. Giao tiếp, sẻ chia và cởi mở bao dung trong mọi mối quan hệ với gia đình chồng sẽ là chìa khóa thành công cho một nàng dâu chuẩn mực.