Sở hữu một người sếp chay lười, không cầu tiến, chỉ biết chỉ trích sẽ chẳng thể giúp chị em công sở tiến bộ hơn trong công việc cũng như sự nghiệp.
Sau Tết được biết đến là mùa nhảy việc của dân văn phòng, bởi những thứ mới được bắt đầu vào thời điểm đầu năm mới sẽ mang lại nhiều may mắn, hanh thông. Phần khác vì sau khi nhận được những khoản thưởng, phúc lợi trước Tết, ít ai còn cảm giác mặn mà nếu trước đó đã trót bất mãn với tập thể.
Nguyên nhân gây nên những bất mãn cho dân văn phòng thì có vô vàn, có thể kể đến như: đồng nghiệp thị phi, không nhiệt thành hỗ trợ mà toàn chơi xấu; môi trường, văn hóa công ty độc hại, không nuôi dưỡng nhân tài, tạo đà cho sự phát triển; cấp trên xấu tính, không có tầm nhìn…
Và nhân dịp ngày hội toàn dân nhảy việc, vừa mới đây, trong một hội nhóm được đông đảo dân văn phòng theo dõi trên mạng xã hội, một cô nàng đã có dịp chia sẻ câu chuyện của bản thân mình. Cụ thể, cô viết:
“Có nên nhảy việc vì Sếp quá hãm?
Em đi làm cũng được hơn 1 năm rồi, sang chỗ mới này được 3 tháng. Vị trí em đang làm, trong vòng 1 năm đã thay 3 lần, tính luôn em lần này là thứ 4. Em chọn chỗ này vì gần nhà, nhưng thực sự những ngày gần đây, em nản quá!
Trên em có 1 trường phòng, chú ấy lớn tuổi (sinh năm 61), tất cả mọi việc nhân sự đều 1 mình em làm, sếp ngoài việc đến công ty ký giấy chi tiền ra thì thời gian còn lại là ngủ, chơi game trên máy tính, đọc báo, nghe nhạc và thậm chí là xem phim bậy (cái này thì em được chị đồng nghiệp cũ kể lại). Sếp em thêm cái bệnh đổ thừa nữa, cái gì cũng đổ lên đầu em cả, và rất thích giao việc.
Những cái em không biết, em hỏi sếp thì không những không được sếp chỉ giúp mà còn bị nạt nộ như kiểu sỉ vả vậy đó. Em nói thật, công ty em đang thiếu nhân sự trầm trọng, những vị trí như NVKD, CSKH cũng nhờ đến headhunter nhưng họ bảo, nghe tới tên công ty em, ai cũng đều lắc đầu, không muốn ứng tuyển.
Em còn bị lôi ra nói là không tập trung làm việc các thứ. Hôm nay là đỉnh điểm, bảo em vừa làm nhân sự vừa hỗ trợ CSKH. Em cảm thấy nản vô cùng, mà bên này làm cũng không được đóng bảo hiểm xã hội gì đâu các anh chị ạ!”.
Ngay sau khi được đăng tải cách đây chưa lâu, những dòng tâm sự của cô gái đã nhanh chóng thu hút được đông đảo sự chú ý của các thành viên trong nhóm. Rất nhiều bình luận đã bày tỏ quan điểm đã được để lại bên dưới:
“Thế này thì còn phải suy nghĩ làm gì nữa, nghỉ luôn đỡ mất thời gian bạn ạ. Riêng cái khoản không được đóng bảo hiểm là đã thừa lý do để nghỉ rồi. Công ty gì mà làm ăn lôm côm thế không biết”.
“Ôi giời, y chang công ty mình, sếp chỉ lên công ty bấm điện thoại với ngủ, rồi nạt nộ nhân viên, email thì không biết đọc, vi tính cơ bản cũng không biết. Nhiều lúc muốn khùng với ổng luôn”.
“Bạn ơi, thành công hay không do bạn có tìm được đúng người để làm sếp hay không đó bạn. Sếp mà coi phim bậy bạ tại công ty thì thôi vứt đi chứ còn luyến tiếc gì nữa”.
Thật vậy, sếp là người đóng vai trò chính trong việc định hình và phát triển phong cách làm việc của một nhân viên. Sở hữu một người sếp chay lười, không cầu tiến, chỉ biết chỉ trích sẽ chẳng thể giúp chị em công sở tiến bộ hơn trong công việc cũng như sự nghiệp. Vì lẽ đó, đừng ngần ngại từ bỏ những vị sếp độc hại để tìm cho bản thân mình những bến đỗ mới.