Từng lời nói của mẹ chồng đều thể hiện sự tính toán thâm sâu. Tuy tôi chẳng tiếc mấy đồng bạc nhưng cái gì cũng cần có giới hạn.
Hiện tại tôi và cả gia đình đang sống ở Hà Nội. Bố chồng mất sớm, mẹ chồng cùng các con khác thì ở dưới quê. Họ chọn cuộc sống an phận thủ thường, không ham hố lập nghiệp trên thành phố. Vả lại, các anh em của nhà này cũng giỏi giang, dù ở vùng nông thôn vẫn có cuộc sống dư dả.
Chồng tôi là con trai cả, kinh tế của anh cũng khá nhất. Ăn nên làm ra, nhà tôi ngày một thịnh vượng hơn. Tôi biết mình làm dâu của nhà này, làm vợ của con trai trưởng nên cần gánh vác nhiều hơn, đảm đương trách nhiệm giúp đỡ các em. Những năm nào làm ăn được, tôi đều gửi biếu mẹ chồng cùng các em chút đỉnh.
Về làm dâu được 5 năm trời, tôi đã có 2 con trai nhỏ. Theo truyền thống gia đình, mỗi năm vợ chồng tôi sẽ ăn Tết ở trên thủ đô mùng 1, mùng 2. Ngày mùng 3 về quê làm hoá vàng cho các cụ và cũng là để chúc Tết họ hàng.
Trước Tết, tôi thường chuyển cho mẹ chồng 5 triệu đồng và các em 1 triệu đồng/nhà (có 2 em trai, 1 em gái của chồng). Số tiền đó mới chỉ là biếu để sắm sửa mua đồ thôi. Còn khi nào về quê tôi sẽ còn lì xì mừng tuổi sau.
Mặc dù năm nay tình hình dịch bệnh phức tạp nhưng cũng may quê nhà chồng tôi không nằm ở vùng có dịch nên vợ chồng vẫn đi ô tô về được. Như thường lệ, trước khi về quê, tôi đã tính toán sẵn cần lì xì bao nhiêu người, cụ thể số tiền mỗi người ra sao rồi đem bỏ vào phong bao đỏ. Mẹ chồng sẽ được lì xì mệnh giá lớn nhất rồi đến các cháu nhỏ, cuối cùng là em trai, em gái chồng và các em dâu em rể.
Về đến nhà thì bắt tay vào nấu nướng, cúng bái xong cũng đã quá trưa. Cả nhà ngồi ăn uống với nhau vẫn rất bình thường. Ăn xong, hội chị em trong nhà cùng nhau rửa bát, dọn dẹp. Ở trên phòng khách, các anh ngồi nói chuyện với mẹ chồng về chuyện đón Tết năm nay có gì mới hay không.
Lúc mọi người dọn dẹp xong, ai cũng đã thấm mệt vì phải dậy từ sớm nên quyết định đi ngủ trưa lấy lại sức. Đến chiều mới lại sang nhà mẹ chồng ngồi uống nước nói chuyện cũng như tới từng nhà chúc Tết cho đúng "quy trình". Nhà của các em bên chồng cũng cách không xa đây lắm, tầm 1, 2 km nên tiện di chuyển.
Sau khi mọi người về hết, ngoài phòng khách còn mỗi mẹ chồng. Chồng tôi cùng các con đã lên gác nằm ngủ say. Tôi cầm phong bao lì xì đưa trước cho bà ấy, cũng không quên chúc "Dạ đây là lì xì của con, chúc mẹ tuổi mới luôn mạnh khoẻ và vui vầy cùng con cháu!". Trong bao lì xì có 1 triệu đồng, năm nào cũng vậy từ ngày lấy chồng rồi.
Tuy nhiên chưa kịp đưa đến tay thì mẹ chồng đã vội vã nói "Khoan đã". Tôi giật mình tưởng có chuyện gì. Nhưng bà ấy lại nói tiếp "Đừng để trong bao lì xì, lát nữa có mấy em ở đây thì đưa hẳn tiền mặt cho mẹ. Phải làm thế thì hai đứa con dâu nó mới sáng mắt ra. Ở đây mấy hôm mà chưa đưa được cho mẹ đồng nào.
Lát con mà lì xì cho các cháu thì dành phần nhiều hơn cho nhà cái út ấy. Đừng cho mấy đứa cháu bằng nhau. Mẹ là mẹ không thích cái tính ích kỷ của hai đứa con dâu kia chút nào. Người đâu sống bủn xỉn, keo kiệt."
Quả thực lúc đó tôi tái mặt, không biết hành xử ra sao nữa. Tôi đành phải hạ giọng khuyên nhủ mẹ chồng rằng đừng chấp mấy chuyện vặt vãnh. Có thể năm nay làm ăn khó khăn thì các cô chú ấy mới không có tiền để biếu thôi. Còn về chuyện mừng tuổi cho các cháu thì nên công bằng để tránh xảy ra trường hợp tị nạnh không đáng có.
Nhưng nói cách nào mẹ chồng vẫn cứ nhăn mặt rồi khó chịu. Cuối cùng, tôi quyết định sẽ làm đúng như lời bà ấy nói, nhưng chỉ là đưa tiền mặt cho mẹ. Còn các cháu cũng như các em sẽ mừng riêng sau, vẫn nhét trong bao lì xì và đảm bảo công bằng như ban đầu. Tôit hấy thái độ của mẹ chồng có nhiều phần không vui.
Thật khó hiểu, chỉ vì ghét hai em dâu mà mẹ chồng lại hành xử trẻ con như thế ư? Tôi đến là mệt với bà ấy quá!