Nửa đêm về sáng, em gọi. Trong tiếng thút thít cố nén, tôi vẫn nghe được từng tiếng nặng nề: “Em không muốn nhìn mặt con người ấy nữa. Em muốn ly hôn”.
Điện thoại bên kia đã cúp, không gian yên ắng chỉ còn nghe tiếng thở mạnh, xen lẫn tiếng ngáy khò khè của chồng bên cạnh. Tôi không ngủ lại được nữa...
“Con người ấy” là chàng trai suốt mười năm bên cạnh em, từ ngày hai đứa còn đi xe buýt đến trường đại học, cho đến những ngày vui vẻ hớn hở cầm đồng lương đầu tiên. Cùng đi qua không biết bao chuyện lớn nhỏ, ngỡ như tận tường nhau đến chân tơ kẽ tóc.
Đám cưới em, tất cả ai dự cũng đều rất an tâm, khi nghĩ sẽ hiếm sóng gió nào có thể làm lung lay căn nhà hôn nhân được xây trên cái nền khá chắc chắn. Vậy mà lấy nhau không bao lâu, khi con gái mới sinh chưa đầy năm đã nghĩ đến việc ly hôn. Phải chăng có một cái gì tựa hồ chân lý đau lòng: không có gì mong manh hơn tình yêu. Hay còn lẽ nào khác?
Câu hỏi lớn và khó quá thì phải? Có những thứ con người cần trải qua, không thể nhờ sự trợ giúp của người khác. Bao âu lo dự toán của người thương yêu hòng mưu cầu sự bình ổn cho mình cũng không còn mấy nghĩa lý nữa.
Tôi bỗng dưng nhớ lại ngày con trai đầu tập đi. Vợ chồng sợ con té va vào tường nên dùng cơ man nào là gối khoanh vùng an toàn cho con. Ngày đầu yên ổn, những bước chân của con tập tễnh đi xung quanh khoảng không gian đã được chuẩn bị, có ba ngồi góc này, mẹ ngồi góc kia. Đến ngày thứ ba, tôi vừa quay lưng ra sau bếp, trở lên đã thấy con chổng mông đập đầu vào cạnh tủ với một cục u to tướng trên trán. Thằng bé không khóc, chỉ nhìn tôi bằng cặp mắt ngơ ngác.
Sau này tôi vẫn cứ hay nói với chồng về ánh mắt đó của con. Nó cơ hồ như mắc nợ. Thế giới mênh mông và nhiều bất trắc - lợi hay hại ta không bàn. Bởi lẽ, điều đó tự nhiên như khí trời, như ánh sáng. Bàn tay chúng ta không cách gì có thể ngăn chúng đến. Hiểu và chuẩn bị để bắt đầu hành trình sống, có lẽ là việc nên làm.
Đời một người >đàn bà có biết bao thứ chỉ có thể tự bản thân trải qua. Ai đó yêu thương mình, không có nghĩa mọi sự trên đời họ phải gánh hết. “Em nghén ói lên ói xuống mà anh ấy vẫn có thể đi nhậu?”, “Con khó ngủ, bú nôn, em thức cả đêm mà anh ấy vẫn ngáy?”, “Sao hai mẹ con toàn mùi nước tiểu vậy?”... Những câu hỏi tràn theo nỗi giận hờn và tủi thân của em cứ vang trong đầu tôi, hệt như cuốn phim đời mình mà tôi đã cất trong ngăn tủ ngót hai mươi năm.
Đâu phải mình em, tôi và biết bao đứa con gái lớn lên với một mặc định là phải lấy chồng, sinh con, và rồi cúi mặt lầm lũi tự khâu vá những vết thương trong cuộc sống hôn nhân không hề đơn giản đó.
Để rồi, thời gian vụt qua như một cơn gió, kịp ngẩng mặt nhìn mình trong gương thì mái tóc đã lấm tấm bạc, từng vết nám hai bên má cứ sạm đen đến thắt lòng.
Không ai kể cả cha mẹ, dạy cho mình biết rằng hành trình đó ra sao. Mang một đứa con và nuôi lớn chúng sẽ như thế nào? Hôn nhân cũng là lựa chọn cách sống chứ không phải là tất cả đời một con người. Sinh con cũng thế. Tất cả cuộc sống của con người chính là cảm giác bản thân thấy hạnh phúc, và bản thân mình có ý nghĩa với cuộc đời này. “Tôi sinh con cho anh!”, “Tôi đã vì gia đình này mà sao anh lại đối xử như thế với tôi...”.
Liệu có hạnh phúc nào có thể nảy mầm trên một nỗi oan ức và cảm giác thiệt thòi như thế? Biết ơn vì có anh, có em - có một gia đình, biết ơn vì con đã đến, phải chăng như thế mới thật sự là hạnh phúc?
Thiết nghĩ con đường hôn nhân không phải là chiếc phao cứu sinh, hay một giải pháp “an cư lạc nghiệp”, hoặc cây đến thì phải nở hoa, mà là một sự chọn lựa sống cùng nhau khi người ta cảm thấy điều đó khiến mình vui hơn. Sinh con phải là điều đàn bà muốn, và nuôi con phải có đủ kiến thức, tiền bạc, >sức khỏe, kể cả là khả năng chịu đựng... để cùng con trưởng thành, cùng con hạnh phúc.
Có mấy người đàn bà nghĩ được như thế? Hay rất nhiều đàn bà đang như con lừa, người ta chất lên biết bao thứ, thậm chí là những thứ mình tự mang lên vai, để rồi mỗi ngày cảm giác rất rõ sự hụt hơi, cảm giác mình đáng thương... lâu dần tích thành những giọt nước mắt, những vết thương bóp nát hết niềm vui sống?
Mỗi dịp cuối năm, nhân ngày lễ tri ân trưởng thành của các em học sinh lớp 12, tôi hay khuyến khích các em viết thư cho cha mẹ. Năm nào tôi cũng nâng niu từng lá thư, đọc cẩn thận cả tháng trời. Có năm trong năm trăm lá thư tôi nhận được từ các em thì hơn bốn trăm lá viết cho mẹ. Tất cả là tình yêu và sự tri ân, lời chân thành xin lỗi của các con dành cho người đã mang nặng đẻ đau ra mình.
Và năm nào cũng thế, mất cả tháng trời, tôi mới lấy lại cân bằng, ngoài nỗi xúc động vì tình mẫu tử thiêng liêng, tôi không cách gì dứt ra được cảm giác nặng trĩu khi hình dung những khuôn mặt người mẹ trong thư. Người nào cũng đầy hy sinh, đầy thiệt thòi, đầy vất vả...
Bỗng dưng tôi cứ tự hỏi bản thân, ngần ấy năm tuổi trẻ, ngần ấy năm của một kiếp người hiếm hoi, có mấy người đàn bà đã thật sự mỉm cười, đã thật sự vì bản thân mà thấy vui, thấy ý nghĩa?