Mai này con chung, con riêng... Nghĩ đến đó, chị xót xa cho phận đàn bà cũ muốn đi thêm bước nữa.
Sau ly hôn, chị như con chim non sợ cành cong, từ chối tất cả những tình cảm từ mọi phía. Các ông thì bảo “gái một con trông mòn con mắt”, hết người này lại đến người kia đeo đuổi. Nhưng chị không, ôm con thu về một phía cho an toàn. Quyết định không của chị, lý do lớn nhất: mấy ai thương con mình như mình.
Ấy vậy mà lúc cô đơn, bị tình cảm chân thành tấn công miết, chị đành bước tiếp với người mới. Ngày chị gật đầu đồng ý với người ấy, cũng là lúc... rất nhiều lần chị lén nhìn con trai mình, chỉ hơn năm tuổi.
Mình là đàn bà cũ, anh ấy là đàn ông mới. Cái mới, cái cũ cũng sẽ có thể làm mảnh ghép để viết tiếp gia đình hạnh phúc. Nhưng lòng chị lo lắng, người ta hứa thương yêu, che chở và bảo vệ cho mẹ con mình, nhưng ai biết được người ta sẽ sẵn sàng đối xử với con mình thậm tệ. Hoặc mai này con chung, con riêng... Nghĩ đến đó, chị xót xa cho phận đàn bà cũ muốn đi thêm bước nữa.
Chị nhạy cảm lắm. Những lần anh dạy con trai mình, chẳng biết những lời lẽ đó thật lòng hay cố gò ép. Thương thì phải tin. Rồi chị e dè, canh chừng, đề phòng, nhưng cũng ráng sâu sắc để vun đắp gia đình cùng anh. Chị thầm nghĩ, bước sai một lần, một lần nữa bước sai cũng chẳng mất gì nếu anh ấy đối xử tệ với con mình.
Một lần, trường gọi điện cho anh thông báo bé bị té gãy tay. Anh tức tốc từ công ty chạy đến trường, ôm con vào bệnh viện. Anh chẳng còn nhớ đến việc phải cho chị biết tin.
Đến chiều, hay tin, chị chạy vào viện, đứng nép sau cánh cửa, thấy anh đang cố làm trò, chơi với con, cố an ủi để con quên đau... Ấy là lần, chị rơi nước mắt vì hạnh phúc, quyết định của chị đã đúng.
Bây giờ, họ đã có con chung. Nhưng chẳng ai thấy đứa trẻ nào thiệt, đứa trẻ nào hơn. Chị hạnh phúc khi ai đó hỏi về chồng con của chị.
Lần nọ, vào dịp cuối tuần, tôi đến hồ bơi, thấy cặp vợ chồng trẻ dẫn theo đứa con chừng bốn tuổi.
Lúc người bán vé yêu cầu cả nhà cởi giày dép bỏ vào túi xốp, người chồng bảo đứa nhỏ:
- Cởi dép ra nhanh, đưa đây tao bỏ vô bọc - anh lớn giọng.
- Anh phải từ từ, làm gì lớn giọng với trẻ con vậy chứ - người vợ chen ngang.
Lúc họ đã thay đồ bơi xong, anh chồng quăng cái áo phao xuống đất, hất mặt bảo đứa con: “Đó, áo phao đó, mặc vô đi...”. Đứa nhỏ định khom xuống lấy, người vợ lại chen ngang, khom xuống nhặt áo phao và đưa cho chồng, bảo: “Anh phải cầm áo phao đưa cho con, đó là lịch sự tối thiểu. Anh không được đối xử với trẻ con như vậy. Và nó... là con em!”. Người chồng bèn cầm áo phao và đưa cho đứa nhỏ.
Bỗng... người vợ nói thêm: “Bây giờ, anh có thể đi về. Em không cần anh ở đây với mẹ con em. Chút nữa về tới nhà, em sẽ nghiêm túc nói chuyện với anh về việc anh đối xử với con em...”.
Thì ra vấn đề nằm ở đây, những cuộc hôn nhân chắp nối.
Có những cuộc hôn nhân chắp nối không phải chỉ chắp nối ở đối phương để cùng nhau đi tiếp. Nơi mong manh nhất, yếu mềm nhất, rất dễ làm gẫy đổ thêm lần nữa... là những ruột rà xung quanh người bạn đời, nếu tình cảm không đủ lớn để buộc chặt. Đó mới chính là chỗ cần chắp nối.