Lâu rồi tôi mới lại khóc. Khóc cho sự yếu đuối của anh và khóc cho sự bất lực của mình - tôi đã không đủ sức khiến anh thay đổi. Và cả đứa trẻ đáng yêu của tôi cũng không đủ sức kéo cha nó về cùng.
Tôi có thai sau một cuộc vui quá đà. Khi đó, tôi hai mươi hai tuổi, vừa tốt nghiệp đại học và chuẩn bị đi làm. Giấu giếm, sợ hãi, trốn tránh, hoảng loạn… tôi trải qua mọi cung bậc cảm xúc suốt bốn tháng trời cho tới khi Hùng báo tin gia đình anh đã chịu làm đám cưới, với điều kiện rước dâu cửa sau.
Má tôi cắn răng: “Rước dâu cửa sau thì không chỉ làm nhục con mà cầm bằng làm nhục cả nhà mình”. Ba tôi nổi đóa: “Cưới kiểu đó thì nhà mình không cần. Coi như con dại có cháu ngoại mà bồng”.
Chị tôi vốn tính hiền lành cam chịu thì nói: “Ý ba má là vậy nhưng tùy em quyết định. Xét cho cùng thì rước dâu chỉ có hai họ chứng kiến, còn khách khứa có hay biết gì đâu. Đứa nhỏ cần có cha, em à!”.
Tôi chới với giữa những luồng ý kiến mà cái thai thì lớn lên từng ngày, còn gia đình Hùng nghe ngóng phản ứng tức giận của ba má tôi thì không nói năng gì tới chuyện cưới xin nữa. Mỗi khi Hùng đến, hai đứa cứ nhìn nhau. Tôi khóc kể tình duyên dở dang kéo theo công việc dang dở vì tôi đâu dám vác cái bụng bầu đi làm, coi như đời tàn. Hùng chảy nước mắt nói, anh vẫn đang cố thuyết phục cha mẹ.
Đến một ngày, chừng như đã mất hết kiên nhẫn, ba tôi mát mẻ với Hùng: “Cửa trước cửa sau nhà bác đều rộng mở, cháu hãy chọn lấy một lối mà đi. Còn nếu lần chần dây dưa hoài không tự quyết định được thì thôi đừng lui tới nữa”.
Có lẽ Hùng chỉ đợi gia đình tôi nổi giận với chính anh, một cái cớ, tôi nghĩ vậy. Rồi tôi sinh con.
*
Không gì sánh được với cơn đau sinh nở. Có lẽ vì vậy mà mọi đau đớn đều có thể chịu đựng được theo một cách khác. Tôi đến Khoa Sản với nỗi niềm nặng nề và cùng con trở về với một tâm thế hoàn toàn mới mẻ. Tôi đã là mẹ. Tôi từng chới với và cần biết mấy một điểm tựa nên tôi thấu hiểu tiếng khóc của con theo cách của tôi. Tôi biết mình phải là điểm tựa của con mà nước mắt, nỗi buồn và sự oán giận không bao giờ là nơi chốn vững vàng.
Mục đích sống bỗng trở nên rõ ràng hơn. Ba má ngạc nhiên thấy tôi không còn hay khóc nữa. Tôi cũng chấm dứt việc đổ thừa tại ba má cứng nhắc cho nên đời tôi mới ra nông nỗi này. Ngược lại, sâu thẳm đâu đó, tôi muốn nói lời cảm ơn ba má đã giúp tôi và cả con tôi.
Đúng vậy, tôi lỡ có thai trước nhưng tôi biết mình không phải là cô gái hư hỏng. Tôi không để người ta chọn cửa sau cho đời mình. Tôi không muốn con tôi lớn lên nghe kể lại là bé phải cùng mẹ đi cửa sau.
Và tôi không để phần đời còn lại của mình trôi qua trong mặc cảm và oán hận như tôi từng nung nấu. Hùng đáng trách, nhưng có lẽ anh vẫn còn là một cậu thiếu niên chưa trưởng thành, cũng như trước đây cô thiếu nữ là tôi chỉ biết khóc và hoang mang giữa những ý kiến. Nếu đàn ông cũng trải qua cơn đau sinh nở để được lột xác, thì có lẽ Hùng đã mau chóng trưởng thành, như tôi.
Anh đến thăm con, như một người biết thừa nhận trách nhiệm của mình nhưng vẫn tiếp tục mắc kẹt trong bao nỗi niềm. Tôi không muốn phải chia sẻ nỗi than van bên tình bên hiếu nữa bởi vì tôi không hề đòi hỏi anh phải chọn lựa. Chính anh chứ không ai khác phải tìm ra cách để được trọn vẹn hoặc phải chọn lựa. Còn nếu anh không thể thì chỉ nên tự trách mình và hãy để cho tôi thanh thản ra khỏi đời anh. Đừng để tôi phải mang tiếng vì sao anh nhiệt thành lui tới thăm con mà tôi ngoảnh mặt. Đã không thể làm gì hơn thì xin đừng trói buộc tôi bằng sự hiện diện của anh bên cạnh đứa trẻ lúc này. Anh đến thăm con, ừ, chỉ là thăm con thôi nhé!
Chẳng biết sao cho Hùng hiểu tôi bây giờ đã khác, tôi bèn nói, em sẽ tìm một ông chồng hiểu biết và độ lượng để anh tới thăm con được thoải mái. Hùng đỏ mặt: “Em định lấy chồng thật à?”.
Sao lại không?
Tôi còn cả cuộc đời dài và cuộc sống hiện tại của tôi như vậy không có nghĩa là tôi chờ đợi Hùng. Không phải là ngoài Hùng thì tôi sẽ chẳng còn một ai khác thương yêu mình thật lòng chỉ vì tôi đã… trót làm mẹ. Tôi muốn Hùng hiểu điều đó. Không phải vì đã muộn. Càng không phải vì tình yêu của tôi đối với Hùng đã nhạt phai. Vì một điều gì đó thật khó giải thích. Như là tôi đã qua một khúc quanh mới của cuộc đời mà sự dự phần của Hùng vẫn xa tít phía sau.
Anh cần mẫn đi theo trong khi tôi đã tiến về phía trước một đoạn dài. Chúng tôi vẫn cùng một con đường mà anh không làm sao thu hẹp được khoảng cách dù ngã rẽ đã thấp thoáng hiện ra và tôi không muốn đứng lại đợi. Nghe giống như trò chơi đuổi bắt nhưng hoàn toàn không phải vậy. Có lẽ vì tôi đã rất khác còn anh vẫn tiếp tục là cái bóng của mẹ cha. Tôi không muốn điểm tựa của mình là một cái bóng, tôi muốn cha của con mình thật mạnh mẽ.
Nhưng nhiều khi tôi nghĩ lại, có vô lý không khi tôi không muốn chấp nhận Hùng như chính con người anh? Tôi có quá đáng không khi nhân danh con đòi hỏi anh phải khác?
Cuộc đời tôi có còn là của riêng tôi với quyền chọn lựa riêng tôi không? Hay vì tôi đã là mẹ, chọn lựa nào của tôi cũng là buồn vui của con nên tôi sẽ chỉ là bà mẹ ích kỷ, nếu…?
Có nên vì con mà tha thứ cho một người không đủ sức ở bên cạnh tôi trong thời điểm chao đảo nhất? Ừ, thì tha thứ cho quá khứ. Cuốn sách nào đó dạy là không nên mang vác gánh nặng quá khứ. Nhưng lúc này đây, bây giờ đây, con tôi sốt cao mà người chở mẹ con tôi đến bệnh viện là ông tài xế taxi, không phải là anh. Anh sẽ có mặt sau, khi nghe ai đó báo tin. Từ khi con chào đời đến nay, anh luôn vậy, có mặt sau khi nghe ai đó báo tin, có khi là chính tôi điện thoại cho anh biết… Những cuộc điện thoại khiến tôi bứt rứt sau khi nhấn phím, là tôi muốn gọi cho anh hay mẹ của con tôi thấy cần gọi cho anh?
*
Ngày lại ngày trôi qua… vẫn vậy, chẳng có gì đổi thay. Anh vẫn chỉn chu, đều đặn lui tới và tôi vẫn trăn trở tự vấn chính mình.
Con thôi nôi, sinh nhật hai tuổi, rồi sinh nhật ba tuổi… Câu nói bi bô đã bắt đầu có những thắc mắc khiến nhiều lần tôi phải nói vòng vo. Cảm giác mình đang nói dối với con thật nặng lòng và khó chịu vô cùng. Càng khó chịu hơn nữa khi con hướng câu hỏi về phía Hùng còn anh tảng lờ bằng cách trêu chọc cho bé vui cười mà quên đi thắc mắc…
Má tôi thở dài, đàn ông mà không quyết định được thì tự mình phải quyết thôi con à. Đàn bà có thì, cứ đợi chờ đến khi >con cái càng lớn càng khó xử.
Tôi khóc. Lâu rồi tôi mới lại khóc. Khóc cho sự yếu đuối của anh và khóc cho sự bất lực của mình - tôi đã không đủ sức khiến anh thay đổi. Và cả đứa trẻ đáng yêu của tôi cũng không đủ sức kéo cha nó về cùng.
Con à, mẹ nợ con một lời xin lỗi.