Gần 40 tuổi đầu, sau quá nhiều đau khổ, mệt mỏi của kiếp làm vợ, làm mẹ, làm dâu, tôi bắt đầu đặt câu hỏi: Gái ngoan hay gái hư thì mới tốt?

12:11 04/05/2019

Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở Quảng Trị. Ba mẹ tôi nghiêm khắc nên từ nhỏ tôi đã phải sống dưới sự kiểm soát rất khắt khe của gia đình. Là con út trong gia đình 8 anh em, tôi chịu sự quản lý và dạy dỗ của khá nhiều người. Và dĩ nhiên là tôi ngoan.

Ba mẹ tôi đặc biệt kiêng kị chuyện yêu đương lung tung. Ở quê tôi rất nhiều cô gái hư hỏng, có bầu trước, rồi không chồng mà chửa. Họ chịu nhiều phán xét bới móc từ hàng xóm, nên ba mẹ tôi rất lo lắng. Họ không cho tôi ra ngoài, tìm hiểu và tiếp xúc nhiều.

May mắn là tôi cũng lanh lẹ, biết điều, biết cư xử nên không đến mức trở thành cô gái ngơ ngáo giữa cuộc đời. Sau một thời gian yêu đương tôi cũng chọn cho mình một người đàn ông mà dưới con mắt mọi người là khá tốt. Tôi về làm vợ, làm dâu, và anh cũng là người đàn ông đầu tiên của cuộc đời tôi.

Ảnh minh họa: Internet

Cuộc sống của tôi đều đặn trôi qua. Nỗi buồn nhiều hơn niềm vui, dù chẳng có chuyện gì là quá đáng. Chồng tôi là người tốt, yêu thương vợ con, nhưng cuộc sống với quá nhiều toan tính vất vả khiến chúng tôi thường xuyên mệt mỏi, cãi vã, giận hờn. Thêm vào đó, cuộc sống chung với nhà chồng cũng không vui vẻ gì khiến tôi cũng mệt mỏi. 2 con trai của tôi, niềm hi vọng của tôi không thể vào đại học mà nghỉ ngang từ năm lớp 11, dù tôi động viên các cháu rất nhiều. Con nói muốn đi kiếm tiền giúp mẹ, không muốn học hành nhiều. Tôi rất tiếc vì cháu từng học rất giỏi. Có lẽ cuộc sống bó buộc, gò bó trong vật chất của tôi đã khiến cháu có suy nghĩ như vậy.

Ngày nọ, tôi gặp lại cô bạn gái ngày xưa, cùng làng nhưng nhỏ hơn tôi 2 tuổi. Tôi bất ngờ khi nhận ra giữa cô ấy và tôi là một khoảng chênh lệch khá xa cả về trình độ, hiểu biết, tài chính và nhan sắc, cô ấy vượt trội hơn tôi về mọi mặt.

Ngày xưa, tôi được khen là gái ngoan còn cô ấy nổi tiếng là gái ăn chơi. Cô vào Sài Gòn sống, làm việc, là đề tài dị nghị với quan niệm sống thoáng. Khi nhiều người e dè nói chuyện về tình dục, cô mặc nhiên thừa nhận có mối quan hệ với người này, người kia khi chưa kết hôn. 

Ảnh minh họa: Internet

Qua tuổi 28, cô không lấy chồng mà làm lẽ một người đàn ông đã ngoài 50 tuổi. Rồi cô có bầu và về quê để có người thân nuôi dưỡng. Thời gian đó rất khó khăn với cô khi bao người dị nghị. Tôi cũng thương hại cô và tự hào về sự ngoan ngoãn, đoan chính của mình.

Cô sinh con ở quê rồi sau đó lăn lộn khắp các tỉnh thành sinh sống. Cô nhanh nhẹn và chăm chỉ nên công việc thuận lợi, thu nhập cũng tốt, thường xuyên giúp đỡ anh chị em và hàng xóm. Nhưng cũng không thay đổi được cách nhìn nhận của mọi người dành cho cô.

Một thời gian sau, bằng cách nào đó cô được đi Hàn Quốc, vài năm sau thì lấy một người chồng Hàn. Anh chồng tuy cũng lớn tuổi, nhưng đặc biệt yêu thương và chăm lo cho cô. Cô mở một siêu thị mi ni, nhận người Việt vào làm. Cô sinh cho chồng một đứa con trai và bảo lãnh con gái riêng sang Hàn học.

Lúc này mọi người trong làng bắt đầu nhìn cô bằng con mắt khác. Những người họ hàng trước đây dè bỉu cô bắt đầu quay lại khen ngợi. Những lần cô về thăm quê rất đông người tới thăm hỏi, nhận quà.

Ảnh minh họa: Internet

Nói chuyện với cô, tôi thấy thụt lùi và kém xa về mọi thứ. Cô sống thoải mái, đi du lịch, làm từ thiện và giúp đỡ nhiều người. Sự hiểu biết còn giúp cô tư vấn cho nhiều người về các vấn đề trong cuộc sống. Còn tôi, gò bó trong những mối quan hệ gia đình và với những nỗi lo lắng không tên.

Cuộc gặp ngắn ngủi nhưng cô nói một câu khiến tôi phải suy nghĩ: "Em hãy sống thật thoải mái với mong ước của chính, bớt sống vì người khác, bớt nhìn thái độ người ta mà sống. Bởi em sống cho em, vui buồn cho chính em chứ không ai sống thay phần cho em".

Gần 40 tuổi đầu, sau những tháng ngày sống im lìm sau cánh cổng nhà chồng, che giấu mọi xúc cảm, buồn khổ hay mệt mỏi của kiếp làm vợ, làm mẹ, làm dâu chỉ là những sáng những chiều nối tiếp như nhau, tôi bắt đầu đặt câu hỏi: Mang mác gái ngoan rồi được gì?

Theo Thị Hồng/Phunuonline
Tags