Tôi dắt xe ra khỏi nhà, bao giờ cũng ám ảnh bởi câu hỏi của anh: "Em gặp ai? Người đó làm nghề gì? Bao lâu về? Ở đâu vậy?".
Anh sinh ra và lớn lên ở mảnh đất miền Trung khô cằn, quanh năm đầy nắng và gió. Có lẽ cuộc sống khắc nghiệt mưu sinh, cộng thêm những lề thói nơi mảnh đất chôn rau cắt rốn, đã hun đúc nên trong anh một con người khác biệt.
Người ta vẫn thường nói, khi yêu nhau mọi khuyết điểm của đối phương đều bỏ qua hết. Tôi cũng vậy, sự chững chạc, mạnh mẽ toát lên trong anh đã cuốn hút tôi. Để rồi sau khi lấy nhau, cùng trải qua cuộc sống hôn nhân, tôi mới cảm nhận rõ hơn bao giờ hết, đàn ông gia trưởng quả là đáng sợ.
Mọi công to việc lớn trong gia đình anh đều tự mình quyết định. Khi anh có kể lại với tôi, ấy là khi anh đã quyết hoặc mọi việc đã được dàn xếp xong xuôi. Tôi chỉ là người biết cuối, thực chất là nhận được một mẩu tin thông báo mà thôi. Tôi có ý kiến thì anh chỉ trả lời đơn giản: “Anh thấy vậy đúng rồi, không cần bàn nhiều nữa”.
Anh muốn được đi mua quần áo cùng vợ. Không phải anh có gu >thời trang gì mà anh sợ tôi mua về những bộ cánh “mát mẻ”. Anh kinh ngạc khi cái áo của tôi hở chút xíu bầu ngực. Anh nhíu mày khi chân váy của tôi cao trên đầu gối vài phân. Anh muốn tôi trở nên kín đáo và sang trọng. Nhưng tôi lại khác, tôi thích sự tự do và phá cách.
Anh không thích tôi quen quá nhiều bạn. Chỉ ba người thôi là đủ và tất nhiên anh muốn họ đều là phụ nữ.
Buổi tối tin nhắn điện thoại của tôi vang lên, anh cũng bồn chồn muốn biết đó là ai. Chuông điện thoại reo anh cũng vội vàng cầm đưa cho tôi, mục đích chỉ là để xem ai gọi đến.
Tôi dắt xe ra khỏi nhà, bao giờ cũng ám ảnh bởi câu hỏi của anh: "Em gặp ai? Người đó làm nghề gì? Bao lâu về? Ở đâu vậy?".
Riết rồi tôi cũng phải quen. Đôi khi tôi cảm giác cuộc đời của tôi đang bị bóng của anh phủ trùm lên che khuất hết cả. Tôi mò trong khối bóng đen âm u ấy, không biết đâu là bờ là bến.
Mẹ thường nói với tôi, hạnh phúc của con là do con quyết định, sướng hay khổ con sẽ là người định đoạt. Chấp nhận lấy anh, tôi chấp nhận tất cả. Khổ đó buồn đó cũng cắn răng chịu đựng, không than mẹ tôi một lời.
Rồi một ngày, tôi chợt nhận ra rằng chính người đàn ông ấy đã làm thay đổi cuộc đời tôi.
Đó là một ngày mùa đông giá rét. Hai vợ chồng tôi đã cãi nhau rất nhiều về chuyện về quê ăn Tết hay không? Tôi đã quá mệt mỏi với việc Tết năm nào cả gia đình cũng lục đục khăn gói về quê. Ngày Tết, bữa ăn nào cũng hai, ba mâm chật cứng con cháu, họ hàng. Riêng việc nấu nướng, dọn dẹp, tôi loay hoay cả ngày. Ngẩng lên thì hết Tết rồi. Vợ chồng con cái lại vội vã về thành phố. Tôi thấy sợ những cái Tết ở quê chồng.
Cuộc tranh luận của chúng tôi không có hồi kết. Buồn quá, tôi dắt xe ra khỏi nhà mong con giận dồn ứ trong lòng nguôi ngoai. Tôi đi lang thang rồi vào quán cà phê ngồi một mình tới khuya muộn mới trở về nhà. Vừa về đến đầu ngõ, đã thấy anh đứng chờ tôi. Tôi giận dỗi không nói gì đi thẳng vào nhà. Những gì cần nói với anh tôi đã nói hết rồi.
Một tuần sau, mẹ chồng tôi gọi lên nói: "Tết năm nay mẹ sẽ gửi cho vợ chồng con ít bánh và mấy con gà để ăn Tết qua xe chú Tư hàng xóm. Con nhớ hẹn chú rồi lấy nhé". Tôi ú ớ chưa hiểu sao, thấy mẹ tôi đã nói: "Sau Tết trời ấm, mẹ sẽ lên thăm gia đình con".
Thì ra chồng tôi đã dàn xếp và đưa ra quyết định không về quê năm nay. Anh báo cho mẹ biết nhưng vẫn chưa nói với tôi chắc muốn tôi bất ngờ. Tôi biết, đó là quyết định không hề đơn giản của anh, con người nặng lòng với họ hàng, nội mạc, quê hương chòm xóm. Anh đã khiến tôi vô cùng xúc động và thấy mình thật ích kỷ.
Bố tôi thường nói: "Trông chồng con khó tính vậy thôi, nhưng bố biết cái tâm của nó rất tốt". Và từ lúc nào không rõ, bố và mẹ tôi đã xem anh như con đẻ dứt ruột sinh ra.
Có thời gian bố tôi ốm nặng. Công việc của một nhân viên ngân hàng cuốn tôi đi, ngày nào cũng từ sáng sớm đến tối mịt. Chính anh là người lái xe đưa bố đi khám. Rồi thuốc loại nào, uống thời điểm nào chính anh là người ghi rõ từng loại, nhắc nhở ông uống đúng giờ.
Bố mẹ tôi đi đâu xa, bao giờ anh cũng hỏi thăm cặn kẽ và sẽ là người lái xe đưa họ đi. “Con đưa bố mẹ đi cho yên tâm, để các cụ tự đi rồi xe cộ đông đúc nhỡ ra lại khổ”, anh vẫn thường nói vậy. Bố mẹ tôi lúc đầu cũng ngại xong thấy anh khăng khăng vậy cũng đành đồng ý.
Anh em họ hàng không chỉ phía nhà anh mà cả phía nhà tôi anh cũng thăm nom chu đáo. Ngày lễ Tết, giỗ chạp, anh đều có mặt. Anh em họ hàng hai bên ngày càng quý mến anh.
Ở bên anh, tôi nấu ăn ngon hơn, tôi dành nhiều thời gian cho bố mẹ và gia đình tôi hơn; tôi biết quan tâm đến người khác nhiều hơn; sự vô tâm có phần hơi đểnh đoảng của tôi cũng ít đi phần nào.
Từ ngày lấy anh tôi không biết, giữa được và mất, cái gì sẽ hơn nhưng tôi chắc chắn, bình an cũng là một loại hạnh phúc mà phụ nữ nên nắm giữ.
Nhà văn Trang Hạ đã nói một câu: “Để chồng đừng gia trưởng, cách tốt nhất là đừng tự leo lên giường của một anh đàn ông gia trưởng”. Nhưng theo tôi, đã "lên giường" rồi bạn sẽ không bao giờ hối tiếc.