Những lúc khó khăn nhất tôi đều có mẹ. Những ngày đầu tiên đi học, ngày lấy chồng, ngày sinh con… Mẹ mất khi Hà còn nhỏ xíu, Hà sẽ đánh đổi tất cả để một lần gặp lại mẹ, nhưng không bao giờ được.
Bà cụ 97 tuổi cạnh nhà tôi vừa mất. Con gái bà nay cũng đã ngoài 70, bị tăng xông khi mất mẹ, phải đi cấp cứu. Mẹ chôn xong, con gái vẫn nằm mê man trong bệnh viện. Thi thoảng, giữa những cơn mê sảng, gương mặt bà đờ đẫn với hai hàng nước mắt chảy dài. Đám thanh niên trong xóm có đứa nông cạn, giễu nhại: “Chắc bà sốc vì ngoài 70 mới biết thế nào là mồ côi”…
Mấy hôm sau, cô con gái 70 tuổi về nhà. Gia đình cố hết mức để tránh nhắc tới tang gia, sợ bà lại sốc. Thi thoảng nhìn thấy bà đi vào ra, chậm chạp vật vờ như một cái bóng, tôi thấy lòng mình chùng lại. Mấy năm vừa qua tôi đã quen vối sự ồn ào bên gia đình ấy. Hai mẹ con cụ nói chuyện như thể cãi nhau vì cả hai đều nặng tai. Thực ra cả hai đều rất thương nhau. Có những yêu thương bạn không thể nào hiểu nếu chỉ nhìn sơ qua bên ngoài.
Cách đây mấy năm, khi đi chăm mẹ nằm viện 103, trong một buổi chiều mây xám tôi gặp một bác tầm 60 ngồi khóc rấm rứt bên hành lang phòng cấp cứu. Cách đó không xa, những đôi mắt đỏ kè, những tiếng khóc nấc… Chiếc xe cấp cứu vẫn mở cửa. Tôi đưa bác khăn giấy. Không cần tôi hỏi, bác khóc nấc: “Cháu ơi, mẹ bác bỏ bác đi rồi”. Mẹ bác bị đột quỵ và đã mất khi xe trên đường tới bệnh viện".
Lúc ấy, tôi đã khóc chung với người lạ. Mới vừa buổi sáng, bác sĩ nói, mẹ tôi chỉ còn có thể sống được trên dưới 6 tháng nữa mà thôi. Tôi nói với bác rằng, bác gần gấp đôi tuổi tôi, bác được sống cùng mẹ 60 năm trong đời, đó là niềm hạnh phúc không phải ai cũng có… Cháu chỉ mong mẹ cháu sống thêm vài năm, thậm chí 1,2 năm nữa thôi cũng được nhưng cũng không thể. Tôi còn thầm nghĩ, cháu còn đau hơn bác đây, cháu chỉ mới quá 30 thôi mà mẹ cháu đã sắp bỏ đi rồi.
Nhưng thực tình, lúc ấy, cả bác gái và tôi, dường như không thể đo đếm nỗi đau của ai lớn hơn ai. Bác ấy ngậm ngùi trước khi tạm biệt: “Số phận cả cháu ạ. Thực tình, nỗi đau mất mẹ lớn lắm, lớn tới mức không ai tưởng được và không ai đong đếm được, 60 tuổi hay 30 tuổi, mất mẹ cũng đau như nhau cả thôi”.
Tôi vẫn nghĩ đến cái Hà, con cô chồng tôi để dỗ dành nỗi đau của mình trong những ngày tháng cuối cùng có mẹ, và cả khi mất mẹ. Cô bị ung thư bạch cầu mất năm 27 tuổi, lúc đó em Hà 3 tuổi, vẫn còn bập bẹ.
Mẹ chồng tôi vẫn tự may đồ tết cho con, bộ đầu tiên mẹ may bao giờ cũng là của em Hà vì: “Tội nghiệp con bé không còn mẹ”. Có miếng ăn ngon mẹ cũng nhớ ngay tới nó, dành riêng phần vì thương con bé. Không chỉ được bố mẹ tôi thương, nó còn được cô, dì, chú, bác yêu chiều. Ai cũng muốn bù đắp phần nào đó khoảng trống mẹ nó để lại quá sớm.
Con bé vô tư đón nhận những tình cảm ấy. Vào những năm 1980, ở làng quê nhỏ miền Bắc đa phần nghèo khó, lũ trẻ con phần nhiều "bụng ỏng đít beo", áo quần cũ kĩ. Riêng cái Hà vẫn trắng hồng trắng nõn, áo quần xe xua vì được nhiều người chia sẻ. Chỉ khi nó lớn lên, càng hiểu đời đôi mắt nó càng đượm buồn. Ngày lấy chồng, đứng trước mộ mẹ, nó khóc như mưa. Ngày sinh con nó khóc đến mức mắt chín mọng như quả nhót.
Đó là những lúc nó đớn đau nhất khi thiếu mẹ. Và giờ, khi đã là mẹ của ba đứa con gái, khi nói với tôi, em chỉ mong trời cho mình >sức khỏe sống tới 50 tuổi thôi, để được ở bên con những lúc nó ốm đau, cưới chồng, sinh nở… con bé lại khóc. Nỗi đau mất mẹ tưởng rất mờ trong kí ức một đứa nhỏ 3 tuổi thực ra là một vết thương hằn in không bao giờ lành.
Có lần, Hà nắm tay tôi nói: "Chị may mắn hơn Hà nhiều lần, khi những lúc khó khăn nhất đều có mẹ. Những ngày đầu tiên đi học, ngày lấy chồng, ngày sinh con… Những chuyện tưởng thường tình với mọi cô gái thực ra là một hạnh phúc vô cùng lớn lao. Trong khi đó, mẹ mất khi Hà còn nhỏ xíu, Hà sẽ vui vẻ đánh đổi tất cả để một lần có mẹ trong những khoảnh khắc ấy, hoặc chỉ đơn giản là để được gặp lại mẹ thôi nhưng không bao giờ có được…"
Mùa Vu Lan, những đứa con mất mẹ càng có nhiều thêm cớ để ngồi bần thần nhớ mẹ. Những lần nhớ mẹ quá, tôi ngồi đọc lại Bông hồng cài áo của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Lòng lại thấy quạnh quẽ hơn khi trước đây không một lần “nhìn thật lâu và nói với mẹ rằng, mẹ ơi, mẹ có biết hay không? - Biết gì? - Biết là con yêu mẹ không?”. Có thể ở thế hệ 8X trở về trước, đó không phải là cách thể hiện tình yêu thương mẹ phổ biến nhưng quả thực nếu một lần nói với mẹ điều ấy, có thể tôi đã có sự an ủi hơn phần nào…