Sáng sớm một ngày cuối tuần, khi nghe vợ báo que thử thai chỉ hai vạch, đó là ngày tôi biết mình được làm cha.
Đến trưa, cả hai vợ chồng đèo nhau đi khám và được bác sỹ thông báo vợ đã mang thai hơn 4 tuần. Cả ngày hôm đó, người tôi cứ lâng lâng, bay bổng như đang ngồi trong khoang tàu không trọng lực.
Cái cảm giác vừa mừng vừa lo cứ đan xen lẫn lộn, giằng co giữa hai luồng cảm xúc khó tả; tôi lo lắng vì mặc dù đã hơn 30 tuổi nhưng tôi chưa trang bị gì về kiến thức làm cha, kiến thức về bà bầu, kiến thức về chăm con trẻ...và tôi không biết phải bắt đầu như thế nào.
Chiều tối, tôi chạy đến các nhà sách để tìm mua các cẩm nang dành cho bà bầu, sau khi đọc lướt qua, tôi chọn mua 2 cuốn để hai vợ chồng cùng đọc.
Sau khi đọc hết 2 cuốn cẩm nang ấy, tôi bị nhiễu loạn thông tin và trong đầu cứ bùng nhùng chẳng chắt lọc gì để áp dụng kiến thức vào thực tế.
Thế là, tôi bắt đầu đọc trên net các chuyên trang kiến thức dành cho bà bầu từ y khoa, tâm lý, >dinh dưỡng, >đời sống xã hội… nói chung là tất cả những gì có liên quan đến bà bầu.
Khi đọc bài nào thấy hay có thể học hỏi, phù hợp thực tế cuộc sống thì lưu lại và sau đó sắp xếp theo thời gian, rồi biên tập thành một cuốn cẩm nang dành cho bà bầu từ 0 cho đến 9 tháng, phân thành 3 phần; phần 1 – giai đoạn đầu thai kỳ; phần 2 – giai đoạn giữa thai kỳ; phần 3 – giai đoạn cuối thai kỳ.
Ơn trời, khi mang thai, vợ tôi không ho hen, ốm nghén gì cả, mà cứ đều đặn làm, ăn, chơi, ngủ… nên cứ thế tăng hơn 20kg và kéo theo tôi cũng tăng gần 10kg. (hành trình giảm cân sau đẻ, tôi sẽ kể cho bạn sau).
Tôi biết trong thời kỳ mang thai, đặc biệt là lần đầu thì người phụ nữ sẽ có những thay đổi từ ngoại hình, tính cách, lối sống, sở thích và có khi bị stress… vì vậy, tôi như một người đóng được nhiều vai, nào là diễn viên hài, là nhà tâm lý, là chuyên gia dinh dưỡng, là stylist dành cho bà bầu…
Khác với >sức khỏe của vợ, tôi có lúc mệt mỏi, chán ăn, mất ngủ thậm chí là nôn ọe giống y chang tình trạng ốm nghén của bà bầu.
Qua thăm khám, bác sỹ nói đây là “bệnh ốm nghén thay vợ”, không ảnh hưởng gì cả mà sau này hai cha con sẽ có mối liên hệ tâm ý tương đồng rất tốt, thế là sau đợt thăm khám tư vấn ấy, tôi hết “ốm nghén” và tràn đầy sinh lực.
Đến giai đoạn cuối của thai kỳ, bao háo hức chờ đợi con gái chào đời, ngày nào hai vợ chồng cũng suy nghĩ nên đặt tên cho con là gì? Con sinh ra giống cả ba và mẹ không? Con sẽ có sở thích gì?
Rồi mỗi đêm vợ khó ngủ vì cứ phải nằm nghiêng bên trái, bởi khi thai to nếu nằm ngửa có thể gây ra tình trạng mạch máu chèn ép vào động mạch chủ bụng, lưu thông máu không tốt…nhìn thấy thế, tôi ước chi mình được mang bầu thay vợ.
Tôi nghĩ, bất kể người đàn ông nào cũng giống như tôi, hạnh phúc, lo lắng, stress, thậm chí là “ốm nghén" khi vợ mang thai, nhưng họ không chia sẻ, không muốn thể hiện hết ra.
Cho nên các bà vợ, đôi lúc cứ ngỡ chồng mình không quan tâm, yêu thương, chăm sóc. Mỗi người có một cách yêu thương, cách quan tâm và chăm sóc khác nhau.
Thế nên hãy thử đặt mình vào vị trí của nhau, hãy ví vợ là chồng, chồng là vợ, để cùng chào đón những đứa con của chúng ta.