Biết bao nhiêu người đàn bà đang sống vô cùng “khổ hạnh” trong chính ngôi nhà của mình. Họ coi người chồng như vị thánh sống. Chồng gia trưởng, vũ phu, quát nạt vẫn cắn răng chịu đựng. Chính họ biết rằng mình không hề hạnh phúc, không hề bình yên nhưng vẫn cam chịu.
Mỗi buổi sáng, tôi thường ghé quán quen ăn sáng trước khi đi làm. Sáng nay, ngồi sát bàn bên cạnh là một cặp vợ chồng cùng một đứa con nhỏ. Đứa con tầm 4 tuổi, người vợ đang mang thai tầm 5 hay 6 tháng. Vì ngồi sát bàn, dù không cố ý nhưng tôi vẫn nghe trọn vẹn câu chuyện của họ.
Họ gọi ba bát phở, hai tô lớn cho mình, tô nhỏ cho đứa con. Người chồng vừa mải mê ăn vừa lướt điện thoại. Chốc chốt anh ta gật gù vì đọc được một tin gì giật gân trên báo. Còn chị vợ thì đút cho đứa con ăn. Thằng bé nghịch ngợm hết sức, đồ ăn vung vãi trên bàn. Hết leo lên, lại tụt xuống ghế, chị vợ khổ sở lắm mới đút con ăn được vì chiếc bụng to nặng nhọc. Thằng bé vung tay lỡ trúng cha, anh ta quay sang quát chị: “Có mỗi việc cho con ăn cũng không xong à?”.
Khi người chồng ăn xong thì tô phở của thằng bé mới kịp hết. Chị vợ vừa ăn được miếng thứ 2 trong tô của mình thì người chồng nhìn đồng hồ: “Trễ rồi, nhanh lên còn ngồi đó đến bao giờ”. Tôi thấy mặt chị chùng xuống, buông vội tô phở còn đầy dắt con đứng dậy. Vì bụng to, cộng thêm đứa con bướng bỉnh không chịu rời đi nên chị ra xe chậm. Ngồi trong quán, tôi vẫn nghe tiếng chồng quát ầm ầm ngoài cửa: “Có nhanh lên không hả, suốt ngày chậm chạp lề mề như con rùa vậy hả?”.
Khi bóng họ khuất xa tôi cứ suy nghĩ về cặp vợ chồng ấy. Anh chồng khi cắm cúi ăn có nhìn thấy vợ mình đang mang thai khó nhọc đút cho con? Khi hối vợ đi có thấy tô phở vợ còn y nguyên? Còn chị vợ, thấy cái dáng lầm lũi chịu đựng tôi biết chị là người sống cam chịu thế nào. Ngoài nơi công cộng, nhiều người anh ta còn nạt nộ chị như thế thì trong nhà đủ hiểu anh ta đối xử với vợ mình như thế nào.
Đàn bà lấy chồng chẳng ai biết được người chồng ngày mai tốt xấu ra sao. Yêu thương trân trọng hay coi như của nợ, giẫm đạp tình cảm dưới chân. Người chồng của chị đáng trách nhưng sao chị không dám phản kháng? Sao chị không nói với chồng bát phở chị chỉ ăn được hai miếng? Sao không đề nghị chồng đút con ăn, giúp đỡ mình? Im lặng, chịu đựng có phải là cách hay để đổi lấy sự bình yên giả tạo?
Không chỉ người đàn bà trong quán phở ấy, tôi biết bao nhiêu người đàn bà đang sống vô cùng “khổ hạnh” trong chính ngôi nhà của mình. Họ coi người chồng như vị thánh sống. Chồng gia trưởng, vũ phu, quát nạt vẫn cắn răng chịu đựng. Chính họ biết rằng mình không hề hạnh phúc, không hề bình yên nhưng vẫn cam chịu. Có lẽ họ mong chờ sự yên ấm giả tạo trong sự chịu đựng của mình?
Đàn bà à, hy sinh càng nhiều thì bất hạnh càng lớn. Lấy chồng như đánh bạc, nhưng không có nghĩa lỡ lấy người tệ bạc cứ cắn răng chấp nhận buông xuôi cho số phận. Đàn bà cam chịu là đàn bà dại, bởi ngoài mình ra không ai mang lại cho mình sự an yên và hạnh phúc. Chồng thương thì ở, chồng dở thì đi. Nếu cứ mãi cam chịu đàn bà chỉ nhận lấy sự tổn thương và đau đớn!