Tôi thật sự biết ơn câu nói của mẹ chồng vào thời điểm ấy. Còn chị dâu, dù qua 1 chuyện nhỏ thôi nhưng tôi cũng phần nào hiểu thêm về con người chị.
Lì xì để lấy may thế nhưng nhiều bậc phụ huynh lại coi đây là dịp để con cái kiếm chác. Một số khác thì lại nhìn vào số tiền lì xì mà đánh giá, phán xét người khác keo kiệt hay thoáng tính... Như chị dâu tôi là một ví dụ.
Nhà Khương có 2 anh em. Anh trai đã lấy vợ, có 1 cậu con trai đang học lớp 1. Còn Khương với tôi cũng mới cưới nhau được nửa năm. Nhưng chúng tôi không sống ở quê mà lên Hà Nội lập nghiệp.
Với sự giúp đỡ của bố mẹ 2 bên, vợ chồng tôi đã mua nhà ngoài Hà Nội. Ai nhìn vào cũng khen giỏi, khen sướng nhưng thực sự chúng tôi còn nợ khá nhiều. Chỉ riêng tiền lãi hàng tháng đã đi tong khoảng 50 - 60% tổng thu nhập hai vợ chồng. Thế nên, chúng tôi vẫn phải chi tiêu rất dè xẻn, tiết kiệm. Khó khăn chẳng ai hay, họ chỉ nhìn căn nhà nghĩ chúng tôi giàu. Thật sự khổ tâm.
Tết này, đáng ra Khương muốn ở lại Hà Nội. Tới mùng 2 mới về nội và mùng 4 về ngoại. Lý do thì chúng tôi vừa có nhà mới, muốn đón 1 cái Tết của riêng 2 vợ chồng đúng nghĩa. Phần thì Khương không hợp tính nết anh trai và chị dâu. Mà về quê ăn Tết tức là phải ở nhà của anh chị ấy. (Đúng hơn là nhà bố mẹ xây nhưng anh chị sống cùng).
Tuy nhiên, mẹ chồng ở nhà nhớ con, cứ gọi ra thúc giục tối ngày. Cuối cùng, Khương dành nhượng bộ. 29 Tết, chúng tôi trở về. Sau khi tham khảo ý của mẹ chồng, tôi đưa chị dâu 2 triệu để thêm vào sắm Tết. Vì dẫu sao mẹ chồng cũng sắm là chính rồi, chị dâu chỉ mua bánh kẹo thôi. Lúc cầm tiền, chị dâu đã không mấy vui.
Suốt ngày ngày Tết, quanh ra quẩn vào đụng mặt nhau, tôi cũng cảm giác chị ấy không ưa tôi. Khương thì bảo kệ, tính tình anh chị ấy không xởi lởi, luôn sân si, so đo, tính toán vói cả anh em trong nhà. "Giờ mà để chị dâu quý chắc chỉ có nước đưa cho họ chục triệu. Mình giàu có gì cho cam, em kệ họ đi" - Khương khuyên nhủ.
Thế nhưng ngay sáng Mùng 1, tôi đã thấy khó chịu vì chị dâu. Sáng ấy, khi cả gia đình đang ăn cơm thì có mấy người họ hàng tới chơi. Ai nấy đều mời khách ngồi xuống ăn miếng bánh, uống chén rượu, riêng chị dâu thì không.
Đến lúc đi lấy bát đũa, chị nói lầm rầm trong miệng: "Mới sáng Mùng 1 đã đi chúc Tết, ai mượn. Lì xì thì được vài đồng bạc, lại còn đòi ngồi ăn."
Nghe xong tôi đã thấy hơi khó chịu. Nhưng tôi vẫn nhịn, dẫu sao nay cũng là Tết, cãi vã nhau mất hay. Nhưng cơm nước xong xuôi, tôi rút bao lì xì đưa cho thằng cháu thì chị dâu lại ở đó. Thằng bé cảm ơn rối rít nhưng chị lại nhìn con và bảo: "Thử mở ra mẹ xem bao nhiêu nào".
Không biết mọi người sao, hay do tôi quá nhạy cảm, mà hành động mở phong bao lì xì trước mặt mọi người như thế không ý nhị cho lắm. Khi thấy tờ 100k xanh lè xanh lét chị hơi bĩu môi, chẳng nói gì nữa.
Nhưng chuyện chưa dừng lại tại đó. Hôm mùng 5 Tết, vợ chồng tôi đang ngồi phòng khách thì thằng bé nhà anh chị đổ hết tiền trong túi ra đếm. Đúng lúc ấy mẹ nó đi qua, hỏi bao nhiêu, nó xụ mặt bảo: "Chỉ được 2 triệu thôi mẹ ơi".
Chị dâu lại liếc tôi, rồi lại buông 1 câu mỉa mai:
- Giờ ở quê người ta còn lì xì toàn tiền trăm rồi. Người thành phố về cũng chỉ 100k. Thế thì thu nhập ít là đúng rồi con ạ.
Thằng bé nghệt mặt ra, chẳng nói gì. Còn tôi hơi bực. Định lên tiếng thì đúng lúc mẹ chồng đi qua. Bà nhìn vẻ mặt khinh khỉnh của nàng dâu cả, liền đốp lại:
- Ở quê cũng phải thuộc hàng đại gia hoặc cực thân thiết người ta mới lì xì tiền trăm. Chứ như vợ chồng con, kinh tế bình thường, mấy đứa nhỏ con chú con bác mới được 50k, không thì cũng mừng có 20k chứ mấy? Tới mừng tuổi bố mẹ chồng con cũng đưa có 100k, vậy mà cứ đi phán xét người khác.
Nghe xong câu nói ấy, chị dâu cứng họng. Chị ấy ngúng nguẩy bỏ vào trong nhà. Mẹ chồng thì nhìn tôi cười, bảo kệ chị dâu. Tôi cũng chẳng sống cùng nên kệ là chuyện đơn giản thôi. Nhưng nhìn mẹ chồng thấy tội, chắc hẳn bà đã trải qua những ngày tháng không mấy vui vẻ với người con dâu tính toán, ghê gớm như chị ấy.