Đàn bà và định kiến xã hội luôn là vấn đề khiến nhiều người phải suy ngẫm và nhọc lòng. Nhiều người sống vì chồng con quá nhiều mà vô tình bỏ rơi chính bản thân mình.
Nói là xã hội hiện đại nhưng vẫn còn rất nhiều phụ nữ đang phải chịu cảnh “chồng chúa, vợ tôi”. Chồng nói vợ nghe, cãi lại gọi là hư hỏng. Đàn bà là phải ngoan, không được mắng chồng, chửi con. Lúc nào trong đầu cũng phải nghĩ đến công dung ngôn hạnh, ý chồng là ý trời. Nếu không hội tụ những điều đó được xem là đàn bà chẳng ra gì. Cũng vì lối suy nghĩ xưa cũ đó mà khiến đàn bà sau khi lấy chồng còn khổ gấp ngàn lần hồi độc thân. Thậm chí ngày nay còn có hội chứng sợ yêu, sợ phải chung chăn gối với ai đó. Họ sợ khi nhìn thấy mẹ, thấy bà của mình đang phải gánh chịu lối sống cũ kỹ, định kiến ngày xưa.
Chị em ngày nay sợ phải sống với một người đàn ông tệ bạc, sợ phải cung phụng cho ai đó. Bởi họ quá quen với cuộc sống độc thân, thoải mái làm những điều mình thích. Đi làm về muộn một chút cũng không sao, chẳng có ai ngóng trông, chờ đợi. Còn đàn bà có chồng lại khác, đi làm về là xắn quần xắn áo lao vào bếp, chiên chiên nấu nấu để có kịp bữa cơm đàng hoàng cho chồng con. Những món ăn cũng phải theo khẩu vị của chồng, bản thân ăn gì cũng được nhưng có chồng phải đủ đầy món canh, món mặn, món xào và tráng miệng.
Ngày còn độc thân, chuyện quần quần áo áo là điều cần thiết, lãnh lương đều phải dành để mua mỹ phẩm, đồ đẹp để có cái diện với bạn bè. Nhưng khi có chồng rồi, đi đâu, mua gì, chồng cũng được đặt lên hàng đầu. Có nhiều phụ nữ suốt năm cũng chẳng mua chiếc áo ra hồn nhưng tủ quần áo của chồng phải đầy ắp, nào là sơ mi, áo thun rồi hàng tá thứ linh tinh khác.
Các chị chiều chồng quá riết sinh ra bệnh lao tâm khổ tứ, ăn diện cho chồng đẹp trai, bảnh bao rồi sợ chồng ra ngoài nhiều cô nhìn ngó, thèm thuồng. Rồi hàng tỉ tỉ thứ xảy ra khi lấy chồng mà nhiều người thường mắc phải. Lời của chồng tựa như lời của vua, chồng nói gì phải làm ngay, không được chậm trễ.
Là trụ cột gia đình, đàn ông cho mình quyền hành ra lệnh và sai khiến vợ mỗi khi thích. Điều này thể hiện nhiều nhất trong những đám tiệc, buổi tụ họp gia đình. Chồng ngồi rung đùi, chén anh chén chú, vợ chạy sấp mặt lo nấu nướng, rửa chén, dọn dẹp. Có nhiều gia đình còn phân biệt rõ ràng đến nỗi, đàn ông ngồi một mâm ở nhà trên, nơi bàn tộc, còn phụ nữ chỉ được ăn sau khi tiệc đã tàn. Nhiều người hỏi “đàn bà có khổ không, xin thưa là không khổ vì quá khổ”.
Thời con gái, ăn chơi vui vẻ, được đàn ông kẻ đón người đưa, cung phụng như bà hoàng. Tuổi đôi mươi sống kiêu ngạo, không có anh này thì có anh khác, ai đối xử tệ thì bỏ ngay lập tức, không việc gì phải xoắn. Đến khi có chồng, sinh đứa con đầu lòng, nhan sắc tàn phai, thái độ của đàn ông cũng thay đổi hẳn. Chồng đối xử tệ đến mấy cũng cắn răng chịu đựng, bảo sống là vì con, sống vì gia đình. Khó có người chịu vứt bỏ cuộc hôn nhân cay đắng của mình để làm lại từ đầu vì họ sợ. Sợ định kiến, sợ miệng lưỡi thế gian, sợ con cái bơ vơ thiếu thốn tình cảm, sợ mang tiếng một đời chồng. Để rồi sống cam chịu từ ngày này qua ngày khác, biết là mệt mỏi nhưng vẫn không thể buông được.
Phụ nữ à! Đừng vì những định kiến còn sót lại của ngày xưa mà khiến bản thân khổ sở nữa. Đừng nghĩ không tuân theo những điều đó là đàn bà hư. Đừng nghĩ không có mình, chồng con sao mà sống được, sao có thể tự nấu cơm. Hãy thả lỏng mọi thứ, tập cho chồng làm việc nhà, tập cho con tự ăn, tự học bài. Đừng việc gì cũng ôm đồm vào người rồi than khổ, than mệt. Phụ nữ thông minh đừng tỏ ra chuyện gì cũng biết để bản thân sống cuộc đời thoải mái và hạnh phúc hơn. Nếu không được sinh ra trong gia đình hoàng tộc, hãy tự sống như bà hoàng, đừng luồn cúi, quỵ lụy bất cứ ai.