Để con cái sống trong gia đình ngục tù như thế liệu có gọi là bình yên? Tại sao không hỏi rằng con muốn gì, con cần gì? Rồi con lớn lên sẽ ra sao, có hạnh phúc hay mang những vết thương trong tâm hồn chẳng bao giờ lành?
Nhiều người phụ nữ cưới phải người chồng tồi tệ nhưng vẫn không dám tự giải thoát cho bản thân mình. Chồng bạo hành, ngoại tình, tứ đổ tường, ai nấy đều khuyên ly hôn nhưng người trong cuộc nhất quyết không ly hôn. Nguyên nhân là vì con cái, sợ con không cha.
Nhiều cặp vợ chồng sống lâu năm với nhau đã thừa nhận rằng, việc họ có thể hòa giải sau khi xảy ra mâu thuẫn, thường được gắn lí do là vì con. Nhưng thực ra, là vì họ còn thương nhau, còn tình cảm và sự tôn trọng dành cho nhau. Tuy nhiên, sau những cãi vã, người ta không muốn thừa nhận tình yêu trong bản thân mình nữa, nên lấy con cái ra làm “bình phong” cho việc tiếp tục nhẫn nại và bỏ qua mọi thứ, bảo vệ hạnh phúc gia đình. Như vậy, có thể hiểu rằng, điều cốt lõi gắn kết vợ chồng ở bên nhau, cùng vượt qua sóng gió, chính là tình yêu, là tình nghĩa, con cái chỉ là nguyên nhân xếp sau.
Nhiều người phụ nữ bất hạnh trong hôn nhân chia sẻ rằng, họ vẫn cố gắng chịu đựng và bảo vệ hạnh phúc gia đình, là vì người chồng của mình tuy cư xử tệ với vợ, nhưng lại rất mực lo toan thương yêu các con. Người mẹ nhìn thấy được những gì con cái nhận được từ cha, cũng thấy được tình phụ tử thiêng liêng, nên chấp nhận thiệt thòi phần mình để con cái được đủ cha đủ mẹ, yên tâm mà học hành, làm việc, lo cho tương lai.
Những trường hợp này, kì thật người phụ nữ vẫn còn tình thương cũng như sự nể trọng đối với chồng mình. Nếu không, họ sẽ chỉ nhìn thấy những cái sai, cái tệ của chồng, mà không nhận ra những điểm tốt, điểm đúng mà chồng đem đến cho gia đình, đặc biệt là cho con cái trong nhà.
Có những người chồng tồi tệ đến mức cư xử đốn mạt với cả vợ lẫn con. Đứa con sống trong gia đình thường xuyên chứng kiến cảnh mẹ mình bị bạo hành, cha mẹ đánh chửi nhau. Bản thân người con cũng là nạn nhân của bạo hành, nước mắt và đau khổ. Thế nhưng, người phụ nữ vẫn nhất nhất không chịu giải thoát cho mình, nói giữ chồng để con có cha? Là thương con, hay tàn nhẫn với con?
Một chọn lựa hèn kém, ích kỉ và chủ quan, sao gọi là thương con? Để con cái sống trong gia đình ngục tù như thế có gọi là bình yên? Tại sao không hỏi con muốn gì, con cần gì? Đủ cha đủ mẹ mà ngày đêm đay nghiến đánh chửi nhau để làm gì? Rồi con cái lớn lên sẽ ra sao, có hạnh phúc hay mang những vết thương trong tâm hồn chẳng bao giờ lành?
Thà mỗi người một nơi mà cuộc sống ấm êm an bình còn hơn để con chứng kiến những cảnh như thế.
Chồng hay vợ, làm cha hay làm mẹ, đều có trách nhiệm như nhau trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình, bảo vệ toàn diện cho con cái. Xã hội thay đổi nhiều, con cái suy nghĩ sâu sắc hơn chúng ta tưởng. Sống trong một gia đình địa ngục, điều con cái mong chờ nhất là thấy được tinh thần phản kháng đứng lên của người mẹ.
Dám sống hạnh phúc, dám lựa chọn một cuộc sống hạnh phúc - đó cũng là cách dạy con về sự mạnh mẽ và tự lập.