"Sắp cưới nhau em mới biết tiền lương làm bao nhiêu anh để mẹ giữ cả, đi đâu chơi bời mẹ đưa tiền. Đến quà cáp cho những ngày còn yêu em cũng mẹ anh ấy chọn rồi quyết mua", cô gái tâm sự.
Đôi khi, những người chồng trong nhà nghĩ rằng, sự dung túng, tạo điều kiện và để cho mẹ đẻ quyết hết mọi thứ là minh chứng cho việc yêu mẹ. Họ không ngần ngại làm theo tất cả, dù điều mẹ mong muốn là vô lý vô cùng.
Không chỉ vậy, một số người khác còn bắt buộc vợ cũng phải chấp nhận những điều đó. Nó đã tạo nên những mâu thuẫn chẳng thể nào lấp đầy. Một cô gái kể về câu chuyện hủy hôn diễn ra do mẹ chồng. Chuyện như sau:
“Em với chồng sắp cưới vừa ‘toang’ rồi các chị ạ. Gần nửa tháng nữa là đến ngày kết hôn nhưng em không chấp nhận thêm được nữa. Nghĩ đến tương lai nếu em ‘nhắm mắt’ cưới, em không chịu nổi.
Bọn em làm xong các thủ tục rồi, chạm ngõ ăn hỏi đủ cả, chỉ chờ cưới nữa thôi thì lại vướng phải chuyện như thế này. Em không chỉ cãi nhau với anh ấy mà xung đột trực tiếp với mẹ chồng.
Nhà chồng em chỉ có mỗi mẹ thôi vì bố mất sớm. Mẹ anh ấy ở vậy mấy chục năm nuôi con. Gia đình 1 mẹ 1 con nên yêu thương và thân thiết nhau lắm. Có chuyện gì cũng kể với mẹ hết. Sắp cưới nhau em mới biết tiền lương làm bao nhiêu anh để mẹ giữ cả, đi đâu chơi bời mẹ đưa tiền. Đến quà cáp cho những ngày còn yêu em cũng mẹ anh ấy chọn rồi quyết mua.
Trưa hôm nọ em sang ăn cơm với mẹ chồng tương lai, sẵn tiện bàn thêm vấn đề của hai đứa. Vì bọn em làm việc cách quê 200km nên ý mẹ chồng muốn cưới xin xong xuôi bọn em mua nhà trên thành phố, bà sẽ lên ở cùng. Em thấy điều này cũng hợp lý, nhà anh một mẹ một con, bây giờ lên sống cùng nhau thế mới phải. Bọn em dễ bề chăm sóc cho bà hơn. Để bà ở quê như thế thì em phận làm dâu cũng chẳng yên tâm.
Tuy nhiên, đến khi bà nói đến dự định tiếp theo thì em không thể tưởng tượng nổi nữa. Điều em thất vọng nhất chính là phản ứng của chồng. Đó cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc em quyết định hủy hôn”.
Chưa lấy về nhưng đã có mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu rồi chăng? Cuộc sống gia đình về sau còn nhiều điều va chạm, phức tạp hơn. Chẳng rõ vì điều gì mà cô con dâu này quyết định chấm dứt tất cả vậy nhỉ?
“Nói một lúc thì mẹ chồng tương lai bắt đầu nói đến việc chi tiêu trong nhà. Bà bảo những người trẻ chẳng bao giờ có cách tiêu tiền hợp lý đâu. Cuối cùng, mẹ chồng em bảo rằng sau khi cưới làm được bao nhiêu hai vợ chồng đưa hết tiền cho bà giữ hộ. Để bà giữ thẻ lương cũng chẳng sao. Có việc gì cần tiền thì nói với bà, bà đưa cho.
Xưa kia mấy năm chồng em đi làm đều vậy, đến lúc em lấy về làm thế cũng chẳng sao hết. Tiền ăn uống bếp núc trong nhà, bọn em bận đi làm thì ở nhà bà sẽ chủ động mua rồi chi tiêu. Hai vợ chồng chỉ cần đi làm thôi chứ cũng không phải lo toan gì việc trong nhà nữa.
Nghe đến đây em thấy không hợp lý nên xin phép cho ý kiến. Em nhỏ nhẹ trình bày rằng tất cả mọi chuyện đều tốt cả, duy chỉ có điều để mẹ chồng giữ hết kinh tế thế này em không đồng ý. Tiền bạc hai vợ chồng làm ra thì bọn em sẽ quản lý và sử dụng chứ không thể làm như ý bà được.
Lúc này, mẹ chồng vẫn nằng nặc bảo rằng như thế mới chắc chắn, không làm vậy thì không cưới xin gì nữa. Lúc này, chồng em cũng lên tiếng bảo rằng mẹ có nói gì cũng là lo cho tương lai hai đứa. Mẹ cầm tiền hai vợ chồng càng nhàn, đỡ nghĩ ngợi nhiều hơn. Anh ta còn bảo em bướng bỉnh, về làm dâu nhà này mà như vậy thì khó vẹn toàn lắm. Hai mẹ con anh áp đảo em luôn các chị ạ.
Thấy em mãi không đồng ý. mẹ chồng còn bảo chồng em rằng dạm ngõ ăn hỏi xong xuôi hết, đã ngủ với nhau rồi thì coi như gái một đời chồng, em không làm căng được đâu.
Lúc này em cũng hơi bực bội và thấy mẹ con anh quá vô lý. Em xin phép ra về. Lúc này, bà căng lên bảo em chưa cưới về mà đã đòi quản lý tài chính, làm vương làm tướng. Bà còn nói rằng em định thao túng con trai bà hay sao. Lúc đó em rất muốn bảo rằng chuyện kinh tế hai vợ chồng sẽ do bọn con quyết nhưng thấy mẹ chồng không bình tĩnh nữa nên thôi.
Ra ngoài, chồng em mặt rất tức giận bảo em không biết điều. Anh ta nói rằng ở nhà anh thì dù mẹ có sai cũng thành đúng, em nên học cách chiều thì hơn.
Em bực mình, nói luôn: ‘Tất cả những cái gì thuộc về việc con cái chăm sóc, lo toan cho mẹ em chẳng ngại cái gì. Tuy nhiên, tiền em làm ra, em có quyền chi tiêu thế nào theo ý mình. Mẹ anh yêu cầu em nộp cả lương ra rồi tiêu gì bà sẽ cho thế là quá vô lý. Anh cứ suy nghĩ kĩ đi trong câu chuyện này là ai sai?”.
Em về nhà thì nhận được tin nhắn luôn. Anh ấy dọa em không xin lỗi thì không cưới dù em không sai, em cũng chẳng nặng lời gì cả. Em quyết định hủy cưới luôn. Nghĩ đến tương lai sống chung như vậy, mẹ chồng ích kỷ như thế làm sao em sống nổi lâu dài, rồi cũng xích mích thì lấy đâu ra hôn nhân hạnh phúc.
Em kể cho bố mẹ nghe, bố mẹ đều đồng ý chuyện này cả. Bố em còn bảo rằng nếu ‘nhắm mắt’ lấy thì khổ cả đời. Thà chậm một chút mà chọn đúng người thì vẫn tốt hơn.
Sau khi nhà em sang trả lễ, anh ta có nhắn tin xin lỗi năn nỉ. Mẹ anh chửi bới nhà em om sòm luôn nhưng dân quanh đó đều biết tính bà nên chẳng ai bênh. Xong xuôi em lại lên thành phố tiếp tục làm việc. Nhiều lúc nghĩ cũng may mắn quá, nếu lấy về em sẽ sống thế nào được đây”.
Đọc xong tâm sự, nhiều người cảm thấy may mà cô gái trẻ không quyết tâm vứt bỏ hết mọi thứ để lấy chồng. Mẹ chồng cô ích kỷ không nói, đến người chồng cũng quá nghe lời mẹ, không hề thấu hiểu hay bênh cho vợ.
Trong cuộc sống thường ngày có rất nhiều câu chuyện xích mích giữa mẹ chồng nàng dâu. Trong trường hợp đó người chồng phải đóng vai trò ở giữa, khiến cả hai thấu hiểu nhau hơn. Nếu anh ta bênh vực hẳn về phía mẹ, dù là mù quáng thì tốt nhất cô vợ đừng nhảy vào "vũng nước đục" đó nữa, cuộc sống về sau sẽ chẳng dễ dàng đâu.