“Thưa quý toà, tôi xin rút đơn”, tôi chết sững người khi nghe lời chị. Anh rể nhào sang ôm vợ, òa khóc. Nhưng tôi chẳng biết giọt nước mắt của người đàn ông kia có đáng tin không?

05:14 26/06/2019

“Anh xin em một lần cuối, được không?”. Tôi quay lại khi nghe những lời ấy từ phía sau mình. Anh rể trông tiểu tụy, hốc hác, khuôn mặt đầy vẻ hối lỗi.

Tôi nhìn sang chị gái, mắt chị đã đỏ. Tôi biết ngay mà, anh ta chỉ cần thêm đôi câu nữa là chị mủi lòng, và rất có thể lại tha thứ... Tôi vội vàng trở lại kéo tay chị đi. Tôi nói với người đàn ông đang năn nỉ chị mình: "Có gì thì vào tòa anh nói". Chị tôi khóc thành tiếng.

Ảnh minh họa: Internet

Tôi biết quá khó khăn để chị đi đến quyết định này. Tôi đã phải vừa chia sẻ, động viên, vừa dọa dẫm, mắng mỏ chị suốt thời gian qua chỉ để chị mạnh mẽ quyết định chấm dứt cuộc hôn nhân không hạnh phúc ấy. 

Tôi không hiểu tại sao chị tôi lại yếu đuối đến nhường ấy. Một người >phụ nữ có công việc ổn định, luôn được người khác quý mến lại để người bạn đời của mình vùi dập cuộc đời như thế. 

Thực ra, cuộc hôn nhân ấy đã mang tới hạnh phúc cho chị khoảng ba năm đầu tiên. Khi bố chồng chị mất, mẹ chồng đến nhà chị sống chung, mọi chuyện thay đổi hoàn toàn. 

Bà rất khó tính, hay cả cẩm chuyện này chuyện khác. Mỗi khi con trai đi làm về là bà than phiền về con dâu. Ban đầu còn ít, sau tần suất tăng dần. Có lẽ áp lực từ công việc, áp lực từ hai người phụ nữ chung nhà nên dần dần anh rể ít về  Anh kêu bận, kêu tiếp đối tác, kêu đi công tác này kia... để ít phải nghe mẹ mắng mỏ vợ con. Rồi mật ngọt bên ngoài đã cuốn anh ra khỏi guồng của cuộc sống gia đình lúc nào không hay. 

Ảnh minh họa: Internet

Những ngọt ngào chiều chuộng, những nhẹ nhàng lãng mạn anh dành hết cho nhân tình. Về nhà anh chỉ còn cáu bẳn, đay nghiến mắng mỏ và đánh vợ. Chị tôi vốn hiền lành nên chỉ biết khóc và chịu đựng. Chị không kể nhưng nhìn vẻ ngoài tiều tuỵ, thêm cả những vết bầm là tôi hiểu.

Tôi khuyên anh rể không có tác dụng. Tôi khuyên chị giải thoát cho mình không xong. Hai đứa cháu chứng kiến những trận đòn ba đánh mẹ, chúng hoảng loạn chỉ còn biết gọi cho dì và khóc. 

Không biết vì sao chị tôi cứ chấp nhận cuộc sống như thế. Hay có lẽ vì chị là con người yếu đuối và từ nhỏ đã được giáo dục phải luôn nhường nhịn người khác? Lớn lên đi lấy chồng, mẹ lại dặn dò luôn phải giữ gia đình bằng chữ “nhẫn”. Vậy nên lúc nào chị cũng tự nhận những thua thiệt về mình.

Mẹ chồng chị càng ngày càng lẫn. Còn con trai bà càng ngày càng quá quắt với vợ con. Ngày anh đánh chị gãy tay, tôi quyết định đưa chị về nhà. Trông tình cảnh ấy, ba tôi khóc: "Thôi con về nhà với ba mẹ". 

Chị ở nhà với chúng tôi hơn ba tháng, cánh tay đã khỏi nhưng vết thương lòng sâu hoắm. Tôi giục chị viết đơn, tự tôi đi nộp và chăm sóc hai đứa cháu tội nghiệp. Ngày nhận được giấy của tòa, anh rể thực sự hốt hoảng. Có lẽ anh ta nghĩ một người như chị tôi sẽ không bao giờ dám bỏ chồng... 

Ảnh minh họa: Internet

 “Thưa quý toà, tôi xin rút đơn”. Tôi chết sững khi nghe lời chị. Còn anh lao tới ôm vợ, khóc như trẻ con... Chẳng biết những giọt nước mắt và lời xin lỗi của người đàn ông kia có tin được không? 

Tôi bước ra ngoài, tôi cũng khóc vì quá thương chị. Tôi đã sắp xếp mọi thứ để chị bước ra khỏi cuộc hôn nhân ấy, nhưng chị lại chọn ở lại, vì sao? Vì sao chị lại không thể buông con người đã từng chà đạp bầm giập mình như thế?

Có biết bao người vợ, người mẹ như chị tôi? Khi hôn nhân làm cùn mòn tình yêu, khi người đàn ông vô trách nhiệm khiến họ tổn thương ghê gớm, những người phụ nữ ấy vẫn chọn ở lại. Có thể là vì con, vì không muốn gia đình không tan đàn xẻ nghé, hay không muốn mang tiếng là người đàn bà bỏ chồng, ngại sự thay đổi, hay là gì gì nữa...

Tôi nhìn chị lên xe anh ở cổng tòa án, tự nhiên dâng lên một cảm giác chán chường.

Theo Đinh Hương/Phunuonline
Tags