Mỗi ngày, nhìn Thư sống trong căn nhà 4 lầu, có người giúp việc nhà, có xe hơi để đi, gót chân không bao giờ lấm bẩn, tôi càng tủi thân cho mình.
Hàng xóm mới của tôi là Thư – một cô gái sống trong nhung lụa như công chúa, có một anh chồng chiều như trứng, chẳng phải đi làm và khiến tôi ghen tị. Từ ngày Thư chuyển nhà về gần đây, tôi bắt đầu càu nhàu với chồng nhiều hơn. Cũng phải, cùng là đàn ông, nhưng chồng tôi chẳng bằng chồng cô ấy.
Chồng Thư là dân kinh doanh, rất giàu có, lịch lãm. Trước khi gia đình Thư chuyển về đây, miếng đất to rộng ấy từng được rao bán với giá rất cao. Ngay sau đó, chồng cô ấy cho xây một căn nhà chẳng khác gì biệt thự và đón mẹ con cô ấy về ở. Tôi có hàng xóm mới. Thư rất giàu nhưng vẻ ngoài ưa nhìn, hòa đồng và thân thiện. Vì thế, dù nhà tôi sát vách, nghèo hơn nhiều nhưng tôi và cô ấy vẫn chào hỏi nhau rất vui vẻ. Tôi cũng từng nghe bà giúp việc bên ấy nói Thư là người Đak Lak, không giỏi giang gì mấy nhưng vô tình lọt vào mắt xanh của chồng nên không khác gì chuột sa chĩnh gạo.
Thật lòng là từ ngày >vợ chồng Thư chuyển đến, tôi bắt đầu tò mò hơn về cuộc sống của một gia đình lắm tiền, nhiều của. Thư không phải đi làm, mọi thứ đã có chồng cô ấy lo. Hàng ngày, con trai họ được bố đưa đón đến học tại một trường “chuẩn xịn”. Bộ đồ mà thằng bé mặc nhìn đã thấy đẹp, thấy sang, khác hẳn bộ đồ nhàu nhĩ áo trắng quần xanh. Việc nhà đã có người giúp việc lo. Nhìn Thư lúc nào cũng xinh đẹp, ở nhà nhưng luôn mặc váy voan, chân tay trắng trẻo. Tôi ngưỡng mộ cô ấy thì ít mà ghen tị thì nhiều. Chỉ cần nhìn tôi cũng biết, cô ấy sung sướng như thế là nhờ có một anh chồng vững vàng về tài chính, khiến cô ấy chẳng bao giờ phải chạy vạy, lo toan.
Ngược lại với Thư, tôi lúc nào cũng đầu tắt mặt tối. Nhiều người nói tôi giỏi giang, vén khéo nhưng tôi chẳng thích lời khen đó chút nào. Sáng mở mắt ra, lo bữa sáng cho chồng con xong, tôi phải đưa con đến trường. Rồi tối, sau khi làm cả ngày bở hơi tai, tôi lại tranh thủ chạy sấp chạy ngửa về đón con. Chồng tôi đi làm về thì lo cơm nước, giặt giũ. Chúng tôi cứ chia việc cho nhau như thế cho tới khi kết thúc một ngày là hai đứa cũng nằm vật ra giường. Căn nhà chúng tôi cũng xập xệ, mùa mưa bị thấm nước nhưng tôi chưa có tiền sơn sửa. Càng nghĩ, tôi càng buồn.
Nhìn mình, nhìn cô vợ hàng xóm, tôi rất ghen tị và chạnh lòng. Có lần, tôi tình cợ gặp chồng Thư đưa con về. Hôm ấy Sài Gòn có bão, nhìn tôi ướt như chuột lột, anh ấy ái ngại hỏi chồng đâu mà không đón về. Tôi cười ngượng, nói chồng em bận. Bước vào nhà, tôi thấy chồng mình cơm nước đã xong xuôi, đang nằm dài trên sofa chờ vợ về. Mặc dù anh ấy tươi cười nói đã chuẩn bị nước nóng cho tôi tắm, nhưng tôi vẫn thấy giận hờn. Tôi bảo: Giá mà anh chịu khó dành thời gian rảnh, kiếm thêm việc, kiếm thêm tiền thì đỡ hơn là chỉ biết ở nhà chuẩn bị đồ tắm cho vợ.
Chồng tôi ngơ ngác, không hiểu hôm nay ai “chọc giận” khiến vợ không vui. Tối ấy, dù anh ôm vào lòng nịnh nọt, tôi vẫn không vừa lòng. Càng nghĩ, tôi càng so sánh anh với chồng của Thư. Người ta có xe hơi để đi, có nhà cao, cửa rộng để ở, vợ người ta chẳng đụng tay vào việc nhà. Còn tôi, cũng là đàn bà, ở sát vách, vậy mà hẩm hiu. Nhìn đi nhìn lại, tôi thấy mình không quá thua kém Thư về xuất thân, nhan sắc, vậy mà lấy hai người chồng khác nhau là chúng tôi có số phận khác nhau.
Tôi sẽ còn càu nhàu với chồng, ghen tị với Thư mãi nếu như không có cái ngày Thư bị chồng đánh chạy vụt ra khỏi nhà. Tôi bất ngờ và hoảng hốt lắm. Người chồng đạo mạo, giỏi giang của cô ấy hóa ra là một tay vũ phu, cục súc. Nhìn Thư bị đuổi ra, đồ đạc cũng bị quăng theo, tôi ái ngại đưa cô ấy vào nhà cho tĩnh tâm lại. Thư cứ thế nức nở, chồng cô ấy ngoại tình đã lâu và không cho cô đi làm, không cho ra ngoài giao thiệp nhiều. Thư không chịu nổi khi biết chồng có tình mới, cô ấy phản kháng lại thì bị đánh và đuổi đi như hôm nay. Giờ cô ấy cũng chẳng biết đi đâu về đâu, nếu về quê thì bố mẹ xấu mặt, bởi cả làng ai cũng nghĩ Thư có được phúc lớn khi có anh chồng doanh nhân giàu có.
Trước khi chào tôi để đến ở tạm nhà bạn, Thư còn nói một câu khiến tôi nhớ mãi: Em ước gì em được như chị, có một cuộc sống bình thường, một công việc giúp mình tự chủ và một anh chồng luôn phụ giúp, cảm thông, có thể chờ mình về ăn cơm tối mỗi ngày. Em chỉ ước đơn giản thế mà mãi mãi em chẳng có được thứ niềm vui bình dị, nhỏ nhoi ấy.
Tiễn Thư rồi, tôi thấy mình sai vô cùng. Đúng là tôi cứ mải mê so sánh chồng mình với chồng người mà không biết rằng ai cũng có mặt tốt, mặt xấu. Có thể thứ hạnh phúc bình thường tôi đang có lại là niềm mơ ước của rất nhiều người. Tôi cứ so đo cuộc sống hào nhoáng của người ta mà quên mất nên hài lòng với cuộc sống của chính mình.
Tối ấy, tôi ôm chồng vào lòng, thủ thỉ: Mình cứ bình thường, vui vẻ thế này là được anh ạ. Em không cần gì hơn. Chồng tôi ngạc nhiên lắm, bởi ngày nào tôi cũng càu nhàu chuyện tiền bạc, nay lại ngoan ngoãn như mèo. Thế nhưng anh cũng không thắc mắc, ôm chặt tôi đi ngủ. Phải rồi, tôi sẽ chẳng cần gì hơn vòng tay ấm này!