"Không chỉ dừng lại ở đó, sau hôm ấy cứ mỗi lần tới bữa chồng em lại đặt tờ 500 nghìn xuống mâm cơm bảo để nhắc cho em nhớ...", người vợ kể.

00:53 26/07/2020

Phụ nữ không sợ lấy chồng nghèo, chỉ sợ lấy phải chồng gia trưởng vô tâm không hiểu suy nghĩ, nỗi lòng của vợ. Bởi như vậy họ sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi, đơn độc suốt cả cuộc đời.

Mới đây một người vợ vì quá mệt mỏi khi phải sống bên người chồng như vậy vào mạng xã hội than thở: "Chồng em sống ích kỷ lắm, lúc nào anh ấy cũng mang tư tưởng mình là trụ cột gia đình có quyền định đoạt mọi việc, vợ phải nghe theo như cái máy. Đặc biệt anh sống tính toán, chi li kinh khủng.

Khổ nhất là thời gian này em lại nghỉ việc không lương để chăm con khiến cuộc sống càng thêm ngột ngạt các chị ạ. Con em >sức khỏe kém, được 16 tháng em cho đi gửi trẻ rồi mà ốm quá, khóc nhiều hết viêm họng quay sang viêm tai giữa, rồi viêm phổi. Một tháng đi viện không biết bao nhiêu lần. Sau thương con quá em đành nghỉ việc, tính ở nhà chăm con tròn 3 tuổi cho cứng cáp rồi đi lớp.

Bài chia sẻ của cô vợ trên diễn đàn

Với lại kinh tế vợ chồng em tuy không quá dư giả nhưng cũng không tới nỗi nào. Chồng em thu nhập được, nếu biết chi tiêu vun vén thì vẫn ổn. Chính bản thân chồng em cũng đồng thuận cho vợ nghỉ. Vậy mà em ở nhà mới có 2 tháng anh đã đổi thái độ ngay.

Trước đây vợ chồng em quy định, hai đứa đi làm chỉ tiêu lương 1 người, còn lại gửi tiết kiệm. Lương em thấp hơn chút, vừa đủ chi tiêu gia đình nên sẽ tiêu lương của em. Giờ em nghỉ làm, anh phải rút lương đưa vợ nghe vẻ khó chịu ra mặt. Một tháng anh đưa cho vợ 6 triệu bảo không được tiêu quá, trong khi đó ngày trước em đi làm, ít 1 tháng cũng tiêu hết 8 tới 9 triệu. Đấy là chưa kể con ốm đau. Em nói thì anh bảo, trước khác giờ khác. Em tự lo liệu.

Nghe giọng ích kỷ của chồng em nản không buồn giải thích. Thôi nghĩ chồng đã keo kẹt, tính toán chi li quá thì mình phải 'liệu cơm gắp mắm', cố chắt bóp chi tiêu gọn nhẹ lại để nhà cửa yên ấm. Khi nào đi làm trở lại, mọi thứ sẽ như xưa.

Được 2 tháng đầu tạm ổn. Sang sáng thứ 3, con ốm hơn tuần rồi sang hè điều hòa bật suốt thành ra tiền chi tiêu đội lên 500 nghìn so với hàng tháng. Em nói chồng đưa thêm, anh hằn học lắm. Rút ví đưa tiền cho vợ mà mặt mày cau có bảo:

'Không có lần thứ 2 tôi đưa tiền kiểu này đâu. Đã nói chi tiêu phải biết tính toán, cô cứ tiêu thỏa thích rồi bắt tôi bù vào. Tiền tôi không phải vỏ hến mà cô thích xúc bao nhiêu cũng được'.

Em giải thích cỡ nào anh cũng bỏ ngoài tai. Không chỉ dừng lại ở đó, sau hôm ấy cứ mỗi bữa vợ dọn cơm, chồng em lại đặt tờ 500 nghìn xuống mâm bảo để nhắc cho em nhớ, lần sau không chi tiêu đội lên. Thật sự cách hành xử của chồng làm em nghẹn ứ cổ, ngồi ăn mà nuốt không trôi miếng cơm.

2 ngày liên tiếp như thế chồng vẫn không dừng lại. Tới bữa là đặt tiền xuống mâm 'dằn mặt' vợ. Nghĩ ức không chịu được. Sang tới ngày thứ 3, em bưng mâm lên, anh lại tiếp tục, vậy là em cầm tiền đặt vào tay chồng cùng 6 triệu hôm trước anh mới đưa rồi nhẹ nhàng lên tiếng: 'Thôi, anh khỏi phải rút ra, cất vào như thế vất vả lắm. Từ mai anh tự chi tiêu lấy, em chỉ chăm con lo việc nhà. Tiền nong em không liên quan, sáng anh chủ động đi chợ mua đồ về cho em ở nhà nấu nướng. Các khoản sữa bỉm, thuốc thang 1 tháng của con em cũng gạch đầu dòng rõ ràng cụ thể cả. Anh nhìn vào đó thấy cắt bớt được khoản nào đi thì cứ cắt. Em chịu không cắt nổi nữa rồi'.

 

Ảnh minh họa: Internet

Nói xong em ngồi ăn 1 cách ngon lành cảm giác như trút được 1 gánh nặng. Chồng em cầm cuốn sổ trên tay nhìn không chớp mắt bởi các khoản chi tiêu của em ghi quá rành mạch. Nhìn vào đó anh đủ hiểu, em đã chắt bóp hạn chế tiêu tiền tới mức nào. Vậy nên một lúc thẫn thờ, anh bắt đầu mon men tới bên vợ, xuống giọng nhỏ nhẹ hẳn: 'Thôi, em cất cuốn sổ đi, nhìn em chi tiêu thế này là anh hiểu rồi. Cũng tại anh sốt ruột lo kinh tế mới như vậy. Anh rút kinh nghiệm từ nay không thế nữa'.

Đấy, em phải làm thế chồng mới thôi không còn nghi ngờ cách chi tiêu của em các chị ạ".

Quả thật, phụ nữ luôn sợ nhất lấy phải chồng vô tâm, khiến họ có cảm giác sống bên chồng mà như ở bên 1 người xa lạ, không tìm thấy sự tôn trọng, sẻ chia, gắn kết. Điều này rất dễ dẫn tới tâm lý mệt mỏi, chán trường. Lâu dần sẽ kéo theo hôn nhân rạn nứt hoặc không thì "lửa lòng" của họ dành cho chồng cũng dần nguội tắt theo thời gian. Vậy nên các anh chồng hãy sống sao để vợ luôn có cảm giác ấm lòng, được chồng thương yêu, tôn trọng. Có như vậy họ mới có thể yên tâm ở bên sẵn sàng hi sinh, vun vén mọi thứ cho chồng cánh mày râu ạ.

Theo Hải Hương/Tổ Quốc