'Con gái mà suốt ngày cứ cầm búa, đóng đinh, tháo lắp... chẳng ra làm sao', đấy là câu nói mà cô gái Hảo Nguyễn nghe nhiều nhất, nhưng cô không buồn. Với Hảo, đây không chỉ là cái nghề thợ mộc thông thường, mà còn là tình yêu cô dành cho người bố của mình.
Mở đầu câu chuyện không mấy vui vẻ, thâm chị có chút đau lòng về tình cảm của Hảo và bố, cô kể, ngày xưa bố không thích con gái, không thích trong nhà chỉ toàn "vịt". Nên lúc Hảo được sinh ra đời, bố chẳng thèm nhìn cô lấy một cái. Lớn lên, bao nhiêu điều tốt đẹp Hảo làm cũng đều bị bố ngó lơ, không những thế, mặc dù chẳng làm sai gì nhưng cô vẫn phải đón nhận ánh mặt giận dữ của bố mỗi ngày.
"Từ khi nghe tin đứa thứ 3 vẫn là con gái, bố không thèm nhìn mặt, cũng chẳng cần biết tôi sinh ra tròn béo hay ốm gầy".
Lớn lên trong sự ghẻ lạnh và ghét bỏ của bố, Hảo đâm ra hận ông. Rất nhiều lần cô không muốn gọi ông là bố, cũng không muốn trò chuyện như những cặp bố con khác. Hảo đã từng nghĩ có lẽ cả đời này mình sẽ không tha thứ cho ông ấy.
Năm cô học cấp 3, lần đầu tiên bố nhập viện vì tai biến, thay vì vào viện trông nom thì cô lại ở lì trong nhà, mặc cho người khác cứ luôn miệng bảo: “Bố mày nằm viện sắp chết rồi, vào đi”. Bao nhiêu đấy cũng đủ hiểu tình cảm của Hảo và bố tệ đến mức nào.
Từ bé đến lớn Hảo chưa bao giờ thích bố, nói chi đến việc yêu thương ông. Nhưng mọi thứ đều tan biến vào cái ngày định mệnh ấy, ngày ông nhập viện lần 2. Khi cả nhà đang quây quần đón giao thừa cùng nhau thì bố lại phát bệnh, cả 4 chị em cô đều sợ hãi, luôn miệng gọi ông "Bố ơi, bố tỉnh đi". Vào cái thời khắc sắp mất đi người thân, Hảo mới nhận ra mình yêu bố, cô yêu bố rất nhiều, nhiều hơn những gì cô vẫn nghĩ.
Có lẽ sinh ra trong sự mong muốn có con trai của bố, nên Hảo rất mạnh mẽ. Cô luôn làm những việc để chứng minh cho bố thấy rằng “Những gì con trai làm được – Con gái cũng làm được – Thậm chí còn tốt hơn!”.
Rồi ngày đó cũng đến, ngày mà Hảo phải quyết định chọn con đường tương lai cho mình. Cô thi vào trường Kiến trúc vì nghe nói trường đấy dành cho con trai. Đúng là trường cho con trai thật, suốt ngày chỉ cần búa, đóng đinh, tháo lắp, sửa chữa đủ mọi thứ trên đời. Cũng từ đây, Hảo mạnh mẽ hơn bước qua những khó khăn và nỗ lực để ngẩng cao đầu, và cũng để cho bố thấy những gì bố mong mỏi ở một đứa con trai cô đều làm được.
Cuộc sống sinh viên năm ấy vô cùng khó khăn, Hảo phải làm đủ nghề chân tay để có thể bươn chải, tự lo việc ăn học, cô nỗ lực giành lấy học bổng để phụ bố mẹ trang trải học phí.
Sau bao nhiêu sự ghẻ lạnh ngày bé và những khó khăn thời sinh viên khiến Hảo càng trở nên mạnh mẽ và trưởng thành, cô tìm được công việc ổn định với mức lương nghìn đô nhiều người mơ ước. Nhưng với Hảo, đây không phải thứ cô cần, điều duy nhất Hảo mong muốn là một cuộc sống hạnh phúc, được làm việc mình thích, lao động bằng >sức khỏe - trí óc và cả trái tim của mình. Thế là Hảo quyết định từ bỏ công việc hiện tại về lại quê để làm thợ mộc. Cái nghề của bố ngày trước, nghề mà bố gắn bó suốt quãng đời tuổi trẻ và nghề mà bố đã làm để kiếm ra tiền lo cho 4 chị em ăn học thành tài.
"Cái thời điểm tôi từ bỏ mức lương nghìn đô về làm mộc, ai cũng bảo tôi điên. Nhưng tôi điên trong ý thức. Tôi muốn nối nghiệp Bố, cái nghề mà Bố đã kiếm từng đồng nuôi 4 chị em ăn học, cái nghề mà bố dành cả đời theo đuổi để rồi bỏ dở lưng chừng vì bệnh tật, cái nghề mà tôi đã có những kí ức đẹp của mình với bố - nơi có mùn cưa bã bào. Cái nghề mà giờ đây giúp bố quên đi nỗi đau của bệnh tật, được nghe thấy tiếng đục đẽo mỗi ngày".
Câu chuyện của Hảo là minh chứng cho sự vươn lên trong khó khăn và cũng là câu chuyện cảm động về tình phụ tử sâu sắc. Thật ra con trai hay con gái không quan trọng, điều quan trọng là chúng ta sống một cuộc sống tốt đẹp, có đam mê, có nỗ lực và phấn đấu để đạt được thành công. Phụ nữ đôi khi rất mạnh mẽ, họ có thể làm được cả những việc tưởng chừng chỉ có đấng mày râu mới thực hiện nổi.