'Năm anh 20, em mới sinh ra đời' là câu mà chị Vân Lê dùng để chỉ tình yêu giữa mình vào chồng, bỏ qua sự chênh lệch tuổi tác ấy là cả câu chuyện về sự hi sinh, gắn bó của người chồng đã mang đến điều kỳ diệu cho cuộc đời chị.
Đây là câu chuyện tình yêu đời thật minh chứng cho câu nói "sau cơn mưa trời lại sáng". Từ những câu kể đầu tiên, tài khoản Facebook Vân Lê đã khiến cộng đồng mạng xót xa về căn bệnh kỳ lạ của mình.
"Cái tuổi đôi mươi là cái tuổi đời đẹp nhất của người con gái, nhưng mình kém may mắn. Từ năm 16 tuổi đã mang trong người 1 căn bệnh kỳ lạ ... bởi gọi là bệnh mà các bác sĩ của khắp mọi bệnh viện lớn từ lớn tới nhỏ của Sài Gòn đều không tìm ra nguyên nhân và cách chữa dứt điểm. Vì lẽ đó mà suốt nhiều năm ròng rã mình chạy khắp mọi bác sĩ, y sĩ, dược sĩ, thuốc Nam, thuốc Bắc, thuốc Tàu, thầy, bà khắp nơi ai chỉ đâu cũng đi, chỉ gì cũng làm, không dưới 50 người trị bệnh cho mình. Vậy mà bệnh tình vẫn không hết. Cả gia đình đành bất lực chỉ biết khóc bởi đã làm theo biết bao sự chỉ dẫn của mọi người mà tình trạng vẫn vậy, chỉ e rằng con đường duy nhất của mình là chờ chết, chờ ông bà đón về. Con gái mới mười mấy đôi mươi tuổi đầu mà má phải múc cơm lại tới giường, vừa nằm vừa ăn vừa khóc gọi là nước mắt chang cơm. Khoảng thời gian đó thật sự vô cùng kinh khủng khiếp, thịt cá ăn vào ói hết, chỉ có cơm với chao với chuối (do uống thuốc nhiều quá banh cái bao tử luôn). Thường cơn đau vào ban đêm là nhiều nhất, (chắc vì ban ngày có 3 cữ thuốc giảm đau trám họng rồi), cứ khoảng 3 - 4 giờ sáng mới ngủ nên trong 1 năm mình xuống hẳn 12 ký. Kéo dài mấy năm trời đau đớn thà chết sướng hơn".
Ông trời không phụ lòng người, trong thời khắc tuyệt vọng ấy bỗng dưng có một người từ đâu xuất hiện đã thay đổi cuộc đời chị, giúp chị nhận ra màu hồng của cuộc sống đầy hi vọng.
"Năm anh 20 em mới sinh ra đời, ngày anh 40 em vừa tròn đôi mươi. Anh qua Đức từ năm 12 tuổi, được nhà Dòng nhận nuôi và lo cho ăn học ra trường. Hiện giờ anh là thạc sĩ ngành công nghệ thông tin, là 1 thuyền trưởng lái thuyền buồm ngoài đại dương và có nhiều tài lẻ (cưỡi ngựa, trượt tuyết, đánh bóng bàn, đánh đàn, đánh trống, nấu ăn...).
Trong 1 chuyến công tác với phái đoàn Đức về Việt Nam vào tháng 5 năm 2005, phái đoàn Việt Nam mời anh ăn trưa tại nhà hàng của chị họ mình. Lúc đó mình đang ở nhờ nhà chị họ để sáng hôm sau đi trị bệnh. Sau khi khách ăn uống xong hết mình mang hóa đơn tính tiền ra vì lúc đó tiệm đang đông khách nên ai cũng bận việc, nào ngờ mình mới đưa hóa đơn xong chưa kịp lấy tiền thì té xỉu (bạn bè hay ghẹo mình là bị tiếng sét ái tình, xỉu 1 cái thay đổi cuộc đời bước sang trang mới liền).
Sau đó anh tìm hiểu thì nghe chị họ kể về tình trạng bệnh của mình mấy năm nay, anh nghe tội nghiệp quá mới nhờ mấy anh kia giới thiệu bác sĩ giỏi ở Sài Gòn trị bệnh. Anh có đưa số điện thoại cho chị họ và dặn mai mình xuống Sài Gòn thì liên hệ anh. Nhưng mình ngại nhờ vả vì không có quen biết. Ấy vậy mà sau khi chờ cả ngày không thấy mình gọi, anh đã trực tiếp truy lùng lại hóa đơn tính tiền có số điện thoại bàn và gọi cho chị mình. Nhờ sự nhiệt tình của anh, cuối cùng mình cũng đồng ý thử xem sao. Khi mình tới bệnh viện Chấn Thương Chỉnh Hình, anh đi với 1 người nữa, dẫn mình thẳng vào phòng của Giám Đốc bệnh viện để chính ông khám và xem bệnh án của mình. Rồi thông qua bịch thuốc mà mình đang uống (điều trị phòng thuốc Đông y bên đường Hải Thượng Lãng Ông), Bác sĩ phán cho 1 câu gọi là (xanh rờn) thuốc này toàn chất gây nghiện, giảm đau, uống 1 thời gian nữa mục xương chết luôn. Giờ phải bỏ thuốc ngay lập tức và tập các động tác về lưng mà ông hướng dẫn.
Lúc này mình thật sự bàng hoàng sửng sốt rồi nhớ lại mỗi lần đau lưng ho 1 cái là cơn đau lên tới não, mỗi lần ngồi xe sốc ổ gà đau khóc luôn, lúc nào cũng đeo cái nịt lưng, đau đến nỗi không tự đứng vững để mặc áo quần được, vậy mà uống thuốc vào khoảng 1 tiếng là hết đau ngay, đi đứng bình thường hết thuốc là nằm liệt giường luôn".
"Mấy ngày sau anh về lại Đức. Thỉnh thoảng anh gọi điện thoại hỏi thăm tình hình sức khỏe như thế nào rồi động viên, an ủi. Càng ngày những cuộc gọi thường xuyên hơn và dài hơn rồi nảy sinh tình cảm lúc nào không hay. Cuộc chiến đấu với bệnh tật đã khổ thì giai đoạn cai nghiện thuốc (tức là những loại thuốc giảm đau, mục xương đã quen trước đây) càng khó khăn gấp bội.
Mình xin vô chùa nơi má nuôi tu để làm công quả, phụ cơm nước dưới bếp. Tới giờ thì theo sư phụ tụng kinh 1 ngày 4 thời, cầu nguyện khóc lóc van xin ơn trên cứu độ. Ngoài ra, sư phụ còn châm cứu, bấm huyệt và giúp cắt hút máu độc trong lưng mình ra (vì mình đi rất nhiều thầy, bà chích thuốc vào lưng sau 1 thời gian mình bị vẹo cột sống, teo cơ và chai gân lưng không còn cảm giác). Cứ vậy khoảng 3 năm ở chùa thì mình giảm bệnh và hoàn toàn bỏ được thuốc, ăn, ngủ và mọi hoạt động từ từ trở lại. Sau khi bớt bệnh, mình về Sài Gòn học tiếng Đức, 1 thời gian nữa tự nhiên hết bệnh lúc nào không hay. Thực sự mình nghĩ đây là 1 phép nhiệm màu".
"Tới giờ phút này khi sang được nước Đức, hai vợ chồng tiếp tục đốt ngọn lửa đam mê bắt đầu nấu nướng của cả hai: anh chuyên nấu món Tây và nấu rất ngon còn mình thì nấu món Việt Nam (chính vì vậy mà có những cuộc chiến nảy lửa trong nhà bếp vì 1 bếp mà có tới 2 đầu bếp). Mỗi lần mình vô bếp nấu ăn là anh lẽo đẽo đứng sau phụ lặt rau, bóc tỏi... vừa cắt xong cái dao, cái thớt là anh lấy rửa lau khô để về vị trí cũ liền. Nấu ăn xong mình quay sang dọn bàn ăn thì anh lau chùi bếp, cọ rửa xoong nồi sạch bóng. Ăn xong mình quay qua gọt trái cây ăn tráng miệng còn anh dọn bàn rửa chén sạch sẽ (hầu như 80% việc dọn rửa là anh làm hết). Thậm chí anh còn luôn luôn là người đổ rác buổi sáng trước khi đi làm, còn mình có thói quen không thể mở mắt ra trước 9h sáng .
Mỗi sáng thức dậy anh nhẹ nhàng ra nhà bếp làm đồ ăn sáng xong rồi tự đi làm, không trở vào phòng ngủ nữa vì lo vợ thức giấc. Lúc chưa có dịch, anh còn tranh thủ thu xếp công việc ở hãng để kịp giờ đón vợ đi làm về mặc dù chỗ làm cách nhà có 1km. Còn về lĩnh vực quần, áo thì anh tự giặt cũng tự ủi luôn mình chỉ phụ phơi (không phải làm biếng đâu nha tại ủi đồ chuyên môn bị cháy với giặc đồ không biết phân loại ).
Vào cuối tuần anh hút bụi rồi cọ rửa cả toilet và nhà tắm còn mình thì lau nhà. Chắc vì giáo dục khắt khe từ nhỏ thêm sự tự lập mà giờ đây anh đảm đang việc nhà lắm. Tất cả những gì trong nhà hư là tự tay anh sửa hết, mua bàn, ghế, tủ, kệ gì anh cũng tự ráp thành ra không có ông thợ nào ăn tiền được của nhà mình hết. Kể cả việc vợ đi shopping mà anh cũng tự biết quẹt thẻ và tay xách nách mang nhưng miệng luôn tươi cười .
Từ khi biết anh đến giờ là 16 năm vậy mà anh chưa một lần từ chối, cả những yêu cầu bâng quơ dù mình thường vô lý và nổi hứng bất chợt. Có một lần đã gần 11 giờ đêm, chị bạn cách nhà gần 260km gọi FaceTime thấy đang tụ họp giáng sinh vui quá rủ xuống nhà chơi, mình quay sang hỏi mà không ngờ anh không ngần ngại đồng ý. Thế là hai vợ chồng đứa xếp áo quần, đứa lo đặt phòng khách sạn. Mỗi năm vào dịp hè, anh đều dẫn vợ đi lái thuyền buồm khoảng 1 tuần đến 10 ngày ở các hòn đảo đẹp của Ý, Tây Ban Nha hoặc Hy Lạp...
Vợ chồng mà làm sao tránh khỏi chuyện cải vã, nhiều lúc gây lộn gân cổ nổi lên đến sắp sáp lá cà, muốn đều quánh lộn. Cuối cùng anh là người lặng lẽ bỏ đi chỗ khác chờ cho hạ hỏa rồi kiếm chuyện này chuyện kia để làm quen lại với bà chằng lửa. Anh vẫn hay nói với mình rằng: “Lần đầu tiên huynh gặp muội , muội giống như 1 khúc gỗ mục quăng bên đường, không ai thèm nhìn, nhưng huynh dám lụm về chùi rửa hằng ngày không ngờ bây giờ là gỗ quý ngàn năm"".
Đọc đến đây, ắt hẳn chị em phụ nữ nào cũng sẽ rưng rưng nước mắt và cảm thấy rất ấm lòng. Thương cho chị đã chữa khỏi được căn bệnh, thương người chồng vì đã đến và giúp chị vượt qua thời khắc khó khăn, tưởng chừng không còn hy vọng. Đôi khi hạnh phúc bắt nguồn từ những điều bình dị xung quanh và ao ước có được hạnh phúc cũng đơn thuần đến lạ.
Nguồn: Vân Lê