Chị Chi khóc sưng cả mắt vì chồng đi suốt đêm không liên lạc được. Sáng sớm anh ta lót tót về, áo quần xộc xệch, bóp ví mất sạch tiền bạc giấy tờ.
Sáng nay hội bà tám của tôi lại có đề tài rất xôm tụ là chuyện chồng chị Chi đi qua đêm không về.
Quan trọng là cả người anh ta đầy mùi nước hoa và dấu môi son trên áo. Chị sụt sịt: “Giữ chồng đến khi nào hả tụi bây? Ổng năm mươi bốn rồi chứ nhỏ nhít gì đâu? Làm ông nội luôn rồi mà lăng nhăng vầy dâu con nào kính nể?”.
Rồi chị khóc ồ ồ. Rằng biết anh đẹp trai hào hoa, nên ngay sau cưới chị đã triển khai chiến dịch >giữ chồng. Dù công việc ngoài đường túi bụi, nhưng không bao giờ chị dám càm ràm vì sợ chồng bực mình. Dù con cái nheo nhóc nhưng chị vẫn cố gắng gọn gàng thơm tho để chồng đừng chán… Suốt mười năm đầu hôn nhân, có lẽ nhờ chồng “có lương tâm”, nên chỉ bồ bịch đúng một lần.
Khi phát hiện, chị mời cô kia đến nói chuyện đàng hoàng, rằng nếu em yêu anh ấy hơn chị, chị sẵn sàng nhường cho em bước vô nhà này, còn tặng em thêm “quà khuyến mãi” là cha mẹ già đau yếu nằm một chỗ, hai đứa con chị cũng để lại cho ảnh và em luôn. Cô kia không kịp xách giày đã bỏ chạy.
Mười năm kế tiếp của hôn nhân, chị cũng hai lần nói chuyện với kẻ thứ ba như thế. Rồi yên ấm. Nhưng đó chỉ là những tĩnh lặng nhất thời. Bởi thật ra, ngoài tính hay dòm ngó bóng hồng bóng đỏ, thì anh vẫn chu toàn nghĩa vụ kinh tế, vẫn yêu thương và có trách nhiệm với các con. Giờ cha mẹ mất rồi, con cái cũng lớn khôn, chị không còn “điều kiện” nào để hù dọa đối thủ. Anh thì không bỏ được nết trăng hoa nên mới có sự việc hôm nay.
Chị Hòa té nước theo mưa, rằng chuyện nhà xấu chàng hổ thiếp, chứ ai biết được tuần trước chị đã phải đi rước ông chồng U60 của mình từ trong nhà nghỉ ra, đưa thẳng tới bệnh viện, vì có chứng cao huyết áp mà lại uống quá liều thuốc cường dương.
Chả là từ ngày chị Hòa bị vướng chứng bệnh phụ nữ phải cắt tử cung, thì anh đối xử với chị như người xa lạ. Hai con đều đã lập gia đình nên không biết chuyện cha mẹ hục hặc. Ngay cả việc chị đưa chồng vào bệnh viện vì “phạm thuốc”, chị cũng không dám nói rõ với con.
Chị bảo: “Giữ yên ấm cho nhau được ngày nào hay ngày nấy. Chồng mình mà, phải giữ suốt đời thôi. Hồi trẻ thì giữ cho không mèo mỡ, vợ bé vợ mọn. Già thì giữ thể diện cho nhau, giữ cho gia đình yên ấm”. Tôi bảo: “Bản thân anh ấy đã không cần thể diện, thì chị giữ giùm ảnh làm gì?”. Nụ hoa buồn nở trên môi chị: “Nhiều tuổi chút nữa em sẽ biết”.
Tôi nhỏ nhất nhóm, nhưng cũng đã 40, ly hôn được nhiều năm rồi. Mà cái thời còn chung sống với chồng, thì chuyện nửa đêm điện thoại chồng nhấp nháy tin nhắn yêu thương nhung nhớ người khác… vẫn thường xuyên diễn ra. Một lần chồng đưa tôi đi du lịch chung với nhóm bạn cùng cơ quan.
Có chị nọ “me” chồng tôi từ lâu, nay hình như được dịp “thử lửa” tôi, nên chị cứ ngồi sát chồng tôi, vừa uống bia vừa choàng tay qua vai anh, hôn chùn chụt lên má anh và nói: “Bạn bè mà, choàng tay vầy, hôn chút vầy có sao đâu hén em?”.
Tôi cười: “Dạ, đâu có gì ạ. Nhưng quan trọng là người khác nhìn tư cách mình thế nào thôi. Giờ chị say rồi chắc không ai nghĩ gì đâu”.
Tối về phòng, chồng đanh mặt mắng tôi dám hỗn hào với sếp: “Tương lai sự nghiệp của anh phụ thuộc vào chị ấy và thái độ của em hôm nay đó. Tháng sau anh mà vuột chức trưởng phòng thì em đừng có tiếc”.
Tôi bảo: “Nếu chị ấy quý anh vì tài năng công việc thì tự nhiên anh sẽ có chức trưởng phòng; nếu chị ấy quý anh vì tài nghệ nào đó thì tới phiên người khác làm sếp, chức trưởng phòng ấy cũng vuột khỏi tay anh thôi”.
Rồi chồng tôi vẫn được đề bạt. Nhưng đó cũng là con đường cho một hồ ly nhảy xổ vào nhà yêu cầu tôi nhường chồng, vì anh ấy tài hoa thế, thì một “bà chợ búa” như chị làm sao xứng đôi?
Tôi cười: “Chị sẽ nhường anh ấy cho em bằng hiện trạng ban đầu, là duy nhất con người anh ấy. Còn căn nhà hai tầng này, chiếc bốn chỗ xịn xịn kia, mấy thửa đất mà em biết nữa… tất cả đều từ nghề chợ búa của chị mà ra đấy! Em liệu mà sắm sửa cho ảnh như chị đã từng nhé!”. Hồ ly phóng vút ra cửa và cuộc hôn nhân của tôi dù muốn giữ cũng không được.
Giữ chồng, là công cuộc trường kỳ của một người vợ tốt. Nhưng đàn bà ơi, ta chỉ giữ người ở lại chứ đừng giữ kẻ muốn ra đi.