“Giữa nhậu và mẹ con tôi, anh chỉ được chọn một”, chị vợ ra tối hậu thư để ngăn chặn ngay những bữa nhậu nhẹt ngày Tết của ông chồng.
Chồng tôi không chỉ thích mà mê nhậu, nên Tết đến là dịp tốt để anh ta thỏa mãn đam mê của mình. Anh thích nhất là được kéo bạn bè về nhà, vừa tự do thoải mái, đồ ăn vợ nấu lại ngon và hợp khẩu vị, đi đâu ăn anh thấy cũng không bằng.
Mùng 1, mùng 2 hay mùng 3 Tết, chẳng lúc nào hơi rượu xa anh. Từ quần áo, tóc tai, hơi thở, anh đúng chuẩn một bình rượu di động.
Nhưng niềm vui của anh lại chính là nỗi đau khổ của chị. Đời người phụ nữ buồn nhất là lấy phải ông chồng ham vui, thích nhậu nhẹt đến quên vợ quên con. Phận trời đã định, chị biết làm sao bây giờ.
Nhìn cánh đàn ông nhậu nhẹt ngày Tết ồn ào, ầm ĩ, chèo kéo nhau chén anh chén tôi, người này gạ người kia uống, nhiều người còn chạy không kịp ra nhà vệ sinh để nôn ẹo mà chị thấy nản lòng. Nhà chị chẳng khác gì một cái chợ vỡ. Đám nhậu ấy sau khi rã đám để lại cho mẹ con chị ngổn ngang bát đũa, nhà cửa bừa bãi, lộn xộn. Mọi việc rồi đều đến tay chị dọn dẹp, có khi đến 10 giờ đêm còn chưa xong.
Chán nản, chị cũng đã khuyên chồng bỏ nhậu nhiều lần nhưng với anh lời khuyên ấy chẳng khác nào “nước đổ đầu vịt”, nghe đó rồi lại quên ngay.
Sau vài năm ăn Tết trong tình trạng như vậy, chị thấy buồn vô cùng. Năm nay, ngay trước Tết, chị tuyên bố rõ ràng: "Tết năm nay nhà mình tuyệt đối không tổ chức nhậu nhẹt. Thứ nhất là để đảm bảo an toàn dịch bệnh đang tái phát. Thứ hai, gia đình mình sẽ thực hiện Tết văn minh, không rượu bia".
Anh nghe xong mặt sửng cồ với chị: “Cô nói thế mà được à, ngày Tết không rượu bia còn gì mà vui”.
Chị nói luôn: “Tôi sẽ không chuẩn bị cỗ bàn gì hết. Đồ ăn năm nay mua vừa đủ cho các con ăn, không sắm nhiều để tiếp khách. Nếu anh vẫn mời bạn bè, tự anh phải chuẩn bị đồ nhậu, rồi tự dọn dẹp và rửa bát”.
“Giữa nhậu và mẹ con tôi, anh chỉ được chọn một”, chị lạnh lùng tuyên bố.
Mùng một Tết, thấy hai người bạn nhậu của chồng đèo nhau qua chúc Tết, chị biết ngay. Có thể lúc đầu chỉ là hai người này, nhưng nhoáng một cái thôi, sau khoảng chục cú điện thoại thì nhà chị đầy ắp người.
Mọi năm chị còn nể không nói, cũng nghĩ ngày Tết phải lịch sự nên mời mọc chu đáo. Giờ chị xác định rồi, cứ cứng rắn một lần cho xong, rồi đến đâu thì đến.
Chị ra tiếp khách rồi đưa đẩy câu chuyện: “Hôm qua bác tổ trưởng dân phố qua nhà em chơi thông báo, tình hình dịch bệnh căng quá, nên giờ tuyệt đối không được tập trung đông người. Năm nay dịch bệnh, các anh đi chơi giữ gìn >sức khỏe. Hôm qua vừa có tai nạn giao thông do uống rượu ngoài ngõ nhà em. Gì chứ rượu chè là giờ em phản đối kịch liệt”.
Anh chồng ngồi lườm chị, chị mặc kệ, tiếp tục câu chuyện. Khuôn mặt chị toát lên thái độ nghiêm túc và cứng rắn.
Câu chuyện đang vui chị nói luôn: “Giờ em phải qua nhà ông bà nội. Năm nay mấy đứa em chẳng đứa nào về quê ăn Tết, ông bà buồn lắm, các anh ở đây chơi nhé. Em xin phép”.
Nói xong chị dắt xe đi luôn để lại mấy anh đàn ông chưng hửng. Chồng chị là người lâu nay ít để ý xem vợ hay cất giò, thịt ở đâu, chỉ biết mở tủ lạnh, mà tủ lạnh trống chẳng tìm thấy gì, do chị biết trước đã cất gọn gàng ở nơi khác.
Anh bực tức trong người mà không biết làm sao, bèn lờ đi không nhắc đến chuyện ăn nhậu với hai người bạn nữa.
Còn chị, sẵn đà, chị đi đến chiều muộn mới về. Phớt lờ thái độ của chồng, chị lo cơm nước cho cả nhà rồi lên giường nghỉ ngơi, xem ti vi, lướt facebook, tận hưởng thời gian rảnh rỗi.
Những ngày Tết sau đó, chị vẫn tỏ rõ thái độ lạnh lùng, ngấm ngầm tiếp tục cuộc đấu tranh của mình. Chồng chị vì vậy mà cũng thay đổi ít nhiều, dẫu vô cùng khó khăn với anh.
Ấy vậy mới nói, là phụ nữ, chị em đừng bao giờ quên đấu tranh nhé.