Đàn ông mà đánh phụ nữ là đồ hèn, không thể chấp nhận được, huống hồ đây lại đánh vợ mình - người mà đầu gối tay ấp và yêu thương trong những năm tháng vợ chồng.
Cãi vã, giận hờn là những trạng thái cảm xúc không thể thiếu của các cặp vợ chồng. Nó khiến hai người dễ xa nhau nhưng cũng có thể giúp cả hai hiểu nhau hơn. Tuy nhiên, lúc giận vợ làm gì thì làm, tuyệt đối đàn ông không bao giờ được đánh vợ, phải học cách kiềm chế cảm xúc. Bởi một khi đã “động tay động chân” với vợ thì tình cảm rất khó hàn gắn và đàn ông không tránh khỏi hối hận về sau.
Có thể nhiều người cho rằng chồng đánh vợ vẫn có thể tạm chấp nhận được, bởi chẳng qua lúc đấy chồng nóng tính mới hành xử như vậy. Vì đã là vợ chồng hôm sớm có nhau, làm sao tránh khỏi những lúc bực dọc cãi vã. Vì không kiềm chế được nên chồng mới vung ta đánh vợ.
Tuy nhiên, đàn ông đánh vợ được một lần thì sẽ có lần hai. Hơn nữa, khi cãi nhau, chồng bức xúc, vợ cũng bức xúc, chẳng lẽ cứ là kẻ mạnh thì được vung tay đánh vợ. Đánh xong rồi xin lỗi, làm lành là được sao? Dù người vợ có tha thứ nhưng trong lòng vẫn sẽ cảm thấy rất đau đớn. Cho dù sau này có ra sao thì cái khoảnh khắc chồng giơ tay đánh vợ, sẽ trở thành giây phút ám ảnh nhất cuộc đời của vợ. Vết thương lòng ấy sẽ cứ cứa sâu vào tận tâm can, không thể nào quên được và càng không thể nào xóa mờ.
Do đó, đàn ông đánh vợ là không thể chấp nhận được. Khi đàn ông đánh vợ có nghĩa là cảm thấy mình bất lực và đuối lý, không còn cách nào khác để thuyết phục vợ. Khi dùng đến bạo lực sẽ không giải quyết được bất kì vấn đề nào mà chỉ làm cho nó thêm căng thẳng hơn. Vì thế hai từ “đánh vợ” không nên có trong “từ điển” của người đàn ông.
Vì thế, khi vợ chồng có mâu thuẫn thì người chồng cần phải cân bắng và kiềm chế cảm xúc, loại bỏ sự tức giận nhất thời và đối thoại với tinh thần cầu thị, tích cực. Lúc này, người chồng cần nhìn nhận những điểm tốt ở người vợ để có thể nghĩ tích cực và có thiện cảm. Đồng thời, hãy suy nghĩ thật kỹ xem vấn đề mấu chốt của mâu thuẫn này xảy ra ở chỗ nào để cùng ngồi lại giải quyết vấn đề.
Cũng phải công nhận rằng, vợ ăn nói khó nghe với chồng có thể châm chước. Nhưng nếu ăn nói quá hỗn láo, xấc xược với cha mẹ chồng thì không được. Điều đó chứng tỏ vợ không có chút gì tôn trọng chồng và gia đình chồng. Khi rơi vào tình huống như vậy thì cũng khó mà ngăn nổi cơn nóng giận, dẫn đến hành động bạo lực. Vì thế, không chỉ có người chồng mà cả người vợ cũng cần phải học cách kiềm chế tức giận để mọi chuyện dễ giải quyết.
Con người trong chúng ta không ai hoàn hảo cả và khi đã vợ chồng thì phải biết chấp nhận khuyết điểm của nhau, cùng hi sinh vì cái chung để có một gia đình nhỏ bé thật hạnh phúc. Do đó, dù có tức giận thế nào, người chồng cũng không nên đánh vợ, nhất là đánh vợ trước mặt con. Như vậy, ngôi nhà mới có tiếng cười, ấm áp, con cái sung sướng, bố mẹ hai bên gia đình sẽ vui lòng an dưỡng tuổi già. Đây cũng là cách mang lại cuộc sống tốt đẹp cho con cái và báo hiếu tốt nhất đối với các đấng sinh thành.
Tuy nhiên, dù đã cố gắng hết sức mà vợ chồng vẫn không thể hòa hợp, thì nên chia tay, chứ đừng bao giờ cho vợ ăn tát. Lúc yêu nhau mặn nồng, tươi đẹp thì khi chia tay cũng nên văn minh và tôn trọng nhau.