Lúc trước đó, ông lão ăn mày cũng nhờ người khác viết hộ ông vài chữ lên tấm biển nhưng nhiều ngày trôi qua, hầu như chẳng có ai cho tiền ông.
Câu chuyện thứ nhất: Dòng chữ kỳ diệu
Một cô gái đi qua con phố, thấy một ông lão ăn mày ngồi ở bên đường bên cạnh xin tiền của những người qua lại.
Lại gần, cô gái thấy trước mặt ông lão là một cái biển có ghi dòng chữ: Tôi bị mù - Xin hãy giúp đỡ, thế nhưng, dường như không có ai quan tâm đến ông, vì cái hộp đựng tiền bên cạnh vẫn hầu như trống không.
Cô gái suy nghĩ một chút, rồi nghĩ hiện đang là giờ cao điểm, có rất nhiều người qua lại con đường này, thế nhưng lại chẳng có ai dừng lại để cho ông lão tiền, vậy nên có lẽ vấn đề nằm ở cái biển rồi.
Chính vì vậy, cô muốn làm một việc gì đó thay đổi tình hình, nhằm giúp ông lão kiếm được chút tiền cho cuộc sống mưu sinh.
Cô gái bước tới gần hơn, lấy trong túi mình một chiếc bút đánh dấu, lật mặt sau của tấm biển lại và viết vài chữ in hoa thật to, rõ ràng, sau đó quay mặt này ra phía trước. Viết xong, cô gái bận rộn lại tiếp tục lên đường.
Ông lão nhận thấy có người bên cạnh, dường như đang viết câu gì đó lên tấm biển của mình, nhưng ông cũng không hỏi cũng như làm gì khác.
Nào ngờ, chỉ ngay sau khi cô gái đi mất, người ta bắt đầu ném những đồng tiền vào chiếc hộp của ông lão ăn mày. Chẳng mấy chốc, chiếc hộp đã đầy tiền. Quá ngạc nhiên và vui sướng, ông lão không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Ông ngồi đây từ sáng tới trưa nhưng chẳng có ai cho tiền ông. Vậy mà khi có ai đó hí hoáy viết gì đó lên tấm biển của ông thì mọi chuyện đã thay đổi.
Rất tò mò không biết tấm biển viết gì, ông lão ăn mày bèn nhờ một người qua đường đọc xem tấm biển viết gì thì được người này trả lời: "Tấm biển viết Hôm nay là một ngày đẹp trời, bạn có thể nhìn được, còn tôi thì không".
Câu chuyện thứ hai: Bài kiểm tra đặc biệt
Trong giờ triết học, một giáo sư vui tính để chiếc ghế ông vẫn hay ngồi lên trên cái bàn giáo viên, rồi ra một đề bài đặc biệt cho cả lớp, đó là "Hãy chứng minh cái ghế này không tồn tại".
Ban đầu, cả lớp vô cùng ngạc nhiên trước bài kiểm tra có phần kỳ lạ này. Nhưng sau vài phút, họ bắt đầu lấy giấy và bút ra, và tất cả miệt mài viết ra những cách giải thích phức tạp và dài dòng của họ.
Trong khi cả lớp đang im phăng phắc viết bài luận, có một sinh viên giơ tay xin được nộp bài sớm. Tất cả đổ dồn về chàng trai này, vì mới chỉ có vài phút trôi qua, sao cậu ta có thể hoàn thành một bài tập hóc búa thế này cơ chứ?
Đến chính vị giáo sư cũng tỏ ra bất ngờ. Tuy nhiên, ông vẫn vui vẻ thu bài kiểm tra của cậu học sinh.
Vài hôm sau, khi trả bài, giáo sư cho biết cậu học sinh nộp bài sớm nhất đã đạt điểm cao nhất. Thông báo này khiến cho cả lớp xôn xao. Họ muốn biết cậu ấy đã viết gì trong bài luận mà lại xuất sắc đến thế nên đã mượn bài luận của cậu để đọc. Trên tờ giấy chỉ vỏn vẹn có 5 chữ: "Chiếc ghế nào cơ ạ?".
Lời bình: Hai câu chuyện khác nhau nhưng đều có chung một đặc điểm, đó là tư duy sáng tạo sử dụng đúng lúc đúng chỗ sẽ tạo nên thành công vượt trội cho chúng ta.
Ở câu chuyện thứ nhất, cùng một ý nghĩa, nhưng 2 câu trên tấm biển của ông lão ăn mày được viết theo 2 cách khác nhau đã đem lại những kết quả khác nhau rõ rệt. Điều đó một lần nữa cho thấy việc lựa chọn ngôn từ quan trọng như thế nào trong việc tác động cảm xúc lên người đối diện và thay đổi quan điểm của họ.
Ở mặt trước của tấm biển, Tôi bị mù - Xin hãy giúp đỡ là một thông điệp với nội dung không có gì đặc biệt nên sẽ khó gây được thiện cảm cũng như sự chú ý với người đối diện.
Trong khi đó, ở mặt sau của tấm biển, Hôm nay là một ngày đẹp trời, bạn có thể nhìn được, còn tôi thì không, lại là một thông điệp rất hiệu quả trong việc truyền tải cảm xúc và năng lượng tích cực, khéo léo gợi lên cho người đọc sự đồng cảm vừa phải cho sự thiệt thòi của ông lão mà không quá bi quan, không trực tiếp xin tiền người qua đường nhưng lại khiến ai cũng ngầm hiểu ra ý định của ông lão.
Ở câu chuyện thứ hai, trong khi những sinh viên khác phức tạp hóa vấn đề và viết ra cả một bài luận dài dòng văn tự mà chưa chắc đã hiệu quả, thì cậu sinh viên nộp bài sớm, nhờ tư duy khác biệt đã có đáp án ngắn gọn, đơn giản đến không ngờ nhưng lại vô cùng thuyết phục, bởi chính nó đã là một sự khẳng định cho điều mà đề bài yêu cầu.