Tết đến cận kề, không chỉ chị em phụ nữ các chị khổ đâu, mà đàn ông chúng tôi cũng khổ gấp trăm lần đây!
Phụ nữ các chị thì kêu khổ quanh năm, Tết đến lại càng kêu khổ. Chỉ có cánh đàn ông chúng tôi, ngày dài tháng hạn chẳng biết kêu khổ là gì, có cực có khổ cũng chẳng buồn nói, kể lể quá người ta lại bảo: “Mua cái váy mà mặc vào”.
Nỗi khổ của đàn ông chúng tôi không chạy đi đâu ngoài chữ “Tiền”. “Tiền đâu?” – Câu hỏi ngắn gọn nhưng khiến chúng tôi run sợ nhất trong đời. Mọi người cũng biết, người đàn ông bị chỉ định phải là người kiếm ra tiền, thậm chí là nhiều tiền, là người lo kinh tế chính trong nhà, là người trụ cột gia đình. Rất nhiều khái niệm nhưng chung quy cũng chỉ chốt lại bằng ba chữ “Phải Có Tiền”.
Nhưng tiền ở đâu ra? Phải lao động! Khổ thay, mỗi người mỗi khả năng, mỗi nhà mỗi cảnh. Có người làm vài ba năm đã rủng rỉnh sắm nhà sắm xe, có người cày trọc đầu vẫn không làm nổi một cái sổ tiết kiệm. Mà đời nào có cho mình được phép vẫy vùng trong cái giới hạn bản thân. Ví dụ làm được 15 đồng thì chọn ăn ổ bánh mì 10 đồng, nhưng không, cuộc đời bắt người đàn ông phải mua thêm 2 ổ bánh mì cho vợ con nữa, thế là bạn nợ cuộc đời 15 đồng. Thử than khổ xem, khéo lại bị chửi thằng đàn ông vô dụng, bất tài.
Tết đến, tiền thu không tăng nhưng tiền chi tăng mạnh. Đau đầu chỗ này. Độc thân còn đỡ, Tết về có dư thì cho ba mẹ chút đỉnh, còn lại lì xì con cháu dăm ba đồng lấy hên là được. Còn mà không tiền, mốc mặt ra ăn Tết chả sao, cùng lắm trốn họ hàng đủ các mùng. Nhưng có vợ rồi lại khác, không đủ can đảm để mốc mặt như xưa nữa!
Mở mắt ra mỗi ngày là đối diện với tiền nhà, tiền điện nước, tiền chợ búa, tiền con đi học, tiền con uống sữa, tiền con đau ốm (bọn trẻ đau ốm liên tục, kì thật). Tết đến lại phải đối diện thêm với tiền mua quà biếu Tết 2 bên nội ngoại, rồi lì xì hai bên nội ngoại bao nhiêu.
Vợ suốt ngày càm ràm “Hết tiền rồi đấy anh”; “Anh xem, vợ chồng chú út cho ba mẹ đến 10 triệu ăn Tết, vợ chồng mình cho ít coi sao được”; “Này anh, em lo xong quà cáp bên gia đình anh rồi đấy, còn bên gia đình em thì sao đây? Anh liệu mà lo cho đàng hoàng!”; “Này anh, mấy năm rồi em chẳng có được bộ quần áo mới nào để đi chúc Tết”; “Này anh, nhà còn thiếu mâm ngũ quả chưng Tết, thiếu cặp bông, chưa mua đồ gì để nhấm bia đãi khách, mùa Tết cái gì cũng lên giá…”. Cái điệp khúc ám ảnh cả cuộc đời, cứ hễ vợ mở miệng “này anh” là đàn ông tự run bần bật, tay bất giác sờ ví.
Đói khổ thế nào không biết, tiền bạc ít nhiều cũng không cần biết, cứ Tết đến là bắt buộc phải quà cáp biếu xén, lì xì trên dưới, ăn ngon mặc đẹp. Nhiều anh đàn ông vì giữ cái thể diện với vợ con, với họ hàng, mà phải vay nợ ăn Tết. Qua Tết lại làm bục mặt để trả nợ. Ngày Tết vốn dĩ là ngày đoàn tụ, ngày sum vầy, tràn đầy tình cảm gia đình, nay đã trở thành ngày xài tiền, ngày hoang phí mất rồi!