Những chuyện nhỏ xíu, như hôm qua anh xã nói câu gì dễ gây, tháng trước ổng quên đón con mấy lần, quần áo trắng không bỏ chung với quần áo màu trong máy giặt mình đã nhắc ổng bao nhiêu lần... các bà đều nhớ hết.
Đàn bà ít nhất một lần trong đời từng nói câu: “Giờ có con rồi, nhớ lại mới thấy thương má mình hồi đó...”.
Câu đó được nói ra vào khoảng người đàn bà băm mấy tuổi, trải qua cái khổ cực vì con cái, những ký ức thời má mình nuôi mình bỗng sống lại. Phải nhớ được rồi mới biết thương, cái thương của người đàn bà cần đến ký ức.
Khi đàn bà nhớ, đó là đàn bà thương, cho dù cái nhớ, cái thương có khi mang hình hài những chuyện nhớ để càm ràm. Những chuyện nhỏ xíu, như hôm qua anh xã nói câu gì dễ gây, tháng trước ổng quên đón con mấy lần, quần áo trắng không bỏ chung với quần áo màu trong máy giặt mình đã nhắc ổng bao nhiêu lần... các bà đều nhớ hết.
Chuyện nào xếp lại là xếp lại đó thôi, chớ mở ra là thấy mới tinh, vanh vách từng ngày từng tháng. Chuyện này mấy ông không hiểu được. Tại sao phụ nữ không để dành bộ nhớ cho những chuyện khác, cho công việc, học hành, thăng tiến, mấy người đẹp lại cứ hại não mình vì nhớ những chuyện tủn mủn làm gì cho nhọc?
Là vì cũng từ lâu lắm rồi, phụ nữ không nhớ thì khó mà thương được. Ký ức đàn bà là một trong những “tế bào gốc” để hình thành những cơ quan chức năng tiếp theo trong người họ.
Tạo hóa đã quy định trong khi người đàn ông chỉ cần chút xíu thời gian để có thể tạo ra một mầm sinh linh mới, công việc của anh ta nhanh chóng, gọn gàng; thì người đàn bà phải cần tới chín tháng mười ngày mới có thể xong một chu kỳ thai nghén.
Chuyện dài đến vậy, nên người đàn bà phải nhớ, phải có phản ứng bản năng ghi nhận tất cả chi tiết, tỉ mỉ trong >đời sống. Ký ức đâu chỉ là chuyện tốn bộ nhớ, đầu tiên, chính là thứ giúp người đàn bà sinh tồn.
Nhưng ký ức cũng là chuyện làm khổ đàn bà. Ngày xưa, chàng đợi nàng bao lâu cũng được, đưa đón đường xa mấy cũng vui, thói trái tính trái nết của nàng chỉ là chuyện nhõng nhẽo đáng yêu. Ngày nay, thì hoàn toàn ngược lại. Ngày xưa anh ấy yêu mình thế nào, giờ bị con kia nó bỏ bùa mê thuốc lú ra sao...
Cái so sánh ấy diễn ra thường xuyên trong não bộ phụ nữ, trong khi đàn ông hồn nhiên quên tuốt luốt. Người đàn ông sống ở khoảnh khắc hiện tại, người phụ nữ luôn chấp chới giữa hôm qua và hôm nay, quá khứ và hiện tại, lấy cái ngày xưa để giải thích, biện minh cho điều đang xảy ra.
Đó là chưa kể, ký ức đàn bà như cái rây, những đau đớn nhọc nhằn đôi khi đã lọt xuống rây và tan đi hết. Những gì còn lại là những gì được nhớ tiếc, ve vuốt mỗi ngày, nhiều khi càng lâu càng xa sự thật. Ký ức và trải nghiệm cá nhân đã không ít lần làm cho người đàn bà quyết định dựa trên cảm tính, làm cho người đàn bà chạnh lòng.
Vậy mà một bữa, bỗng dưng má nói tỉnh queo: “Đàn bà mau quên lắm con. Đau đẻ chết đi sống lại, banh da xẻ thịt, tưởng một lần là tởn luôn không bao giờ quên được. Nhưng rồi khi bồng ẵm đứa con trong lòng, là quên. Năm sau, năm sau nữa, đã thấy cái bụng cấn bầu đội áo, như đã quên mất cơn đau đẻ rồi!”.
Là má nói chị, hay má tự nói về cuộc đời má? Người đàn ông của má có với má hai đứa con, rồi có với người khác một đứa, rồi lại có với má đứa nữa, rồi mới đi luôn theo người đàn bà khác. Còn chị, không thể chấp nhận như má, nên chị đã tống cổ kẻ phản bội ra khỏi nhà khi đứa trẻ trong bụng mới được sáu tháng.
Giờ con gái đã lên hai. Đến giờ anh vẫn ở bên nhà nội, mỗi tháng anh đều về nhà thăm con. Tuần rồi con gái sốt, cơn sốt nung cái cơ thể nhỏ bé hầm hập nóng, đôi môi xinh mếu máo kêu ba ơi. Chị đau thắt lòng. Chị nhớ mình chưa bao giờ ở cùng cha con nó, để nghe con gái kêu ba ơi…
Có phải mình quá nhớ, nhớ đến nỗi chết gí trong những tháng ngày cũ bị phản bội, mà không nhớ rằng, cuộc sống vẫn đang trôi đi và con mình đang lớn. Ôm giữ mãi ký ức đắng cay của mình, để rồi tạo thành một ký ức khác trong con cũng nhuốm màu cay đắng, mất mát, có phải đó là điều mình định làm không?
Chị cầm điện thoại lên, bấm số. Lại nhận ra rằng, số điện thoại này, chị chưa bao giờ quên.