Tất cả mọi thứ từ nhỏ đến lớn trong gia đình đều phải nghe sự sắp xếp của anh. Tôi cảm giác như mình chỉ là “người ăn kẻ ở” trong nhà. Chán vì chồng gia trưởng, đôi khi chỉ muốn ly hôn cho nhẹ gánh.
Lúc trước yêu đương anh nói như rót mật vào tai. Còn bây giờ khi đã về làm vợ anh mọi thứ đổi khác, những lời đường mật biến mất, thay vào đó là sự ra lệnh, cấm không được cãi, chỉ nghe và tuân theo. Anh luôn cho mình là đúng chẳng bao giờ biết nhận sai và luôn coi mình là trung tâm của vũ trụ.
Anh rất nóng tính, luôn cố gắng cãi để không nhận thua thiệt về mình. Khiến tôi rất mệt mỏi. Đã quản hết việc nhà, không cho tôi có ý kiến, đến giờ anh còn quản lý cả điện thoại của tôi. Tôi là nhân viên kinh doanh, nên công việc cần giao tiếp nhiều, nhất là qua điện thoại. Cứ mỗi lần có khách hàng nhắn tin đến là anh tỏ thái độ khó chịu rồi dè bỉu: “Lại khách hàng, rồi đi hẹn hò với nhau nữa hả”. Sợ anh hiểu lầm, nên tôi thanh minh. Đôi khi tôi cũng khen anh khách hàng này trước mặt chồng nào là đẹp trai, lại giỏi giang nữa, nhưng anh liền đáp trả: “Giỏi giang gì chứ, toàn nhờ của cải của gia đình cả đấy!”. Dường như trong mắt anh không có ai giỏi giang và tài năng hơn anh cả.
Không chỉ có như vậy, anh còn hay sinh sự, có khi tôi đi làm về muộn anh gọi điện và chửi mắng té tát. Từ đây tôi mới nhận thấy ở anh sự chua ngoa, phũ phàng. Cuộc sống vợ chồng ngày càng ngột ngạt bởi cái tính gia trưởng của chồng. Lúc đầu, tôi còn cự cãi, góp ý to nhỏ, nhưng lâu dần tôi thấy không đạt được hiệu quả gì bởi chồng sẽ chẳng lắng nghe.
Tôi muốn chồng thay đổi, rất chán vì chồng gia trưởng lắm rồi. Cứ tình hình như thế này, sẽ có một ngày nào tôi ly hôn mất, con cái chia ly. Để cải thiện tình hình này, tôi tìm cách “trị chồng”. Đầu tiên, tôi cố gắng tìm cách để mình thật bình tĩnh, không cãi nhau với chồng vì cái tính gia trưởng của anh. Và bắt đầu áp dụng quy tắc: “không nghe, không thấy, không biết”.
Chồng gia trưởng, thích chỉ đạo, thích tôi và các con phục tùng anh, thích thể hiện quyền lực, ghét sự tranh cãi. Khi tôi gân cổ lên cãi, mọi chuyện trở nên tệ hại hơn, nên tốt nhất tôi lờ đi cho xong chuyện. Lúc nào, anh phàn nàn chê trách thì tôi im lặng hoặc ậm ừ cho qua, chứ nói đi nói lại sẽ thành cãi nhau.
Anh chuyên gia sai vặt, thích chỉ đạo, tôi luôn lấy cớ đang bận để không làm, bảo anh tự làm đi. Nếu bị mắng thì tôi nhẹ nhàng bảo chồng đợi em tý. Khi đợi lâu quá thì anh sẽ tự động làm thôi, một thời gian áp dụng cách này tôi thấy rất hiệu quả, chồng bắt đầu ít sai vặt lại. Trong nhà cũng không còn to tiếng cãi vã, cuộc sống êm đềm hơn hẳn.
Tình cảm vợ chồng gắn kết nhất là lúc diễn ra chuyện “chăn gối”. Lúc này tôi cũng ngọt nhạt lựa lời khuyên bảo, sau đó mới cho nhập cuộc. Hơn nữa ai mà chẳng muốn thỏa mãn trong chuyện ấy. Điều này tôi làm rất tốt, luôn làm anh “sướng”, vì thế, vợ chồng cũng dễ nói chuyện.
Tôi cố thay đổi tính cách của anh, nhưng cũng học cách thay đổi bản thân để cả hai được hạnh phúc. Chồng thích chỉ đạo, thích cho mình là người đúng, tôi vẫn để anh thể hiện trước mặt mọi người để được đẹp mặt. Nhưng khi có 2 vợ chồng và con cái trong gia đình anh cần phải nhẹ nhàng hơn. Điều quan trọng là tôi luôn cố gắng giúp chồng nhận ra rằng lối sống của anh ấy là có vấn đề, rất vô lý và không thể mang lại hạnh phúc cho vợ con.
Đàn bà lấy chồng thì phải theo chồng. Nhưng cần phải khôn khéo để thay đổi anh, ra ngoài khó tính ra sao không quan trọng, nhưng chỉ cần anh dịu dàng, chịu thương, chịu khó, không hạch sách vợ con là được. Thế là từ ngày tôi áp dụng tuyệt chiêu đó, cuộc sống dễ thở hơn, anh vẫn thấy là mình có quyền, có tiếng nói, nhưng thực chất anh đang dần thay đổi theo ý của tôi muốn mà không hề hay biết.