Chiều nào, Hoài và Linh cũng rủ nhau dạo quanh bờ hồ sau giờ làm việc. Họ chẳng vội vàng giống các bà nội trợ khác, về nhà nấu cơm chờ chồng.
Cả hai đều đã ly hôn. Họ đang hít thở không khí tự do, nhưng một người nhẹ nhàng, một người phải... gắng sức.
Tự do là một giá trị phi vật thể, có người coi nó là số 1, trên cả tình yêu và hạnh phúc. Nhưng cũng có người đánh mất tự do, hoặc tự nguyện dâng nộp tự do cho tượng đài >tình yêu và hôn nhân, sau đó hoàn toàn không còn nhu cầu tự do nữa. Bỗng một ngày tượng đài kia sụp đổ, họ phải loay hoay xoay xở khi tự do ào đến, không biết làm thế nào để sử dụng cái quyền tối thượng đó.
Như Hoài và Linh chẳng hạn, họ dìu nhau đi giữa cơn khủng hoảng tinh thần còn rơi rớt sau tai nạn hôn nhân. Dù gì thì việc ly hôn cũng là một tai nạn, gây nên chấn thương tinh thần khủng khiếp, nạn nhân cần được chữa trị. Cả Hoài và Linh đều không tới bác sĩ tâm lý, ở Việt Nam mình không có thói quen đó, nên họ tự chữa cho mình, dựa vào người bạn tri kỷ để tự liếm láp làm dịu vết thương.
Hoài đã ly hôn được 10 năm rồi, nên chị đã thấm lại giá trị tự do, và biết hưởng thụ nó; còn Linh, vừa mới ly hôn chồng được non ba tháng, nên hoảng sợ trước tự do. Linh không biết làm gì với tự do quá lớn, chị chỉ thấy trống vắng và hụt hẫng. Trước kia, chị lúc nào cũng đầu tắt mặt tối để đáp ứng mọi đòi hỏi của chồng, đến nỗi quên cả bản thân. Đến khi không còn chồng nữa, chị hoảng hốt không biết làm gì và chăm sóc ai. Chị hoàn toàn quên mất chính mình, quên rằng mình mới xứng đáng được chiều chuộng và chăm sóc nhất trên đời.
Đã có kinh nghiệm hơn, Hoài phải từng ngày huấn luyện cho Linh cách sử dụng, tận hưởng tự do. Tự do là một nguồn tài nguyên quý, được cuộc sống trao trọn vẹn cho mỗi người ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời, nhưng trong quá trình sống, chính chúng ta lại phung phí tự do, hy sinh tự do cho những giá trị khác.
Nhưng rốt cuộc, Hoài và Linh đã phải tự nghiêm túc nhìn nhận lại chính họ. Tại sao hôn nhân của họ đều đổ vỡ?
Họ đều có một điểm chung, đó là yêu và sống chung thủy, hy sinh hết thảy cho chồng con. Hoài hiền lành, mẫu mực, là chị cả trong gia đình nên khi lấy chồng, chị vẫn giữ thói quen chăm sóc, nhường nhịn chồng như nhường nhịn và chăm sóc đứa em của mình. Chị chăm chỉ, chỉn chu, mọi việc trong nhà, chồng chị không phải nhúng tay làm việc gì, chỉ cần anh đòi hỏi là chị đáp ứng liền. Anh khẽ ho chị đã đi mua thuốc, anh không nuốt trôi miếng thịt chị đã đi mua bia về cho anh nhậu, chị nai lưng kiếm tiền để cuối tuần tổ chức tiệc cho chồng mời bạn…
Còn Linh, không quá hiền lành như Hoài, nhưng cứ như bị chồng bắt vía. Chị sợ chồng hơn sợ cọp, anh bảo gì chị cũng nghe, dù trái khoáy. Anh đòi mua ô tô, chị dốc toàn bộ tiền tiết kiệm, vay thêm người nhà và bạn thân, để sắm ô tô cho anh chạy chơi. Chồng không thích chị quá gần gũi với cha mẹ đẻ và các em ruột, Linh cũng sợ hãi tuân theo.
Cả Hoài và Linh đều nghĩ rằng mình hiền lành, nhẫn nhịn và chăm chỉ, chăm sóc chồng hết mực như vậy, thì chồng sẽ biết ơn và gắn bó với họ suốt đời.
Nhưng trớ trêu thay, điều họ nhận được chỉ là sự coi thường của chồng, sự tha hóa dần của người chồng. Chồng nghĩ đương nhiên chồng được hưởng thụ sự chăm sóc và chiều chuộng vô điều kiện của vợ.
Rồi chồng Hoài sinh cờ bạc, rượu chè bê tha. Chồng Linh thì bồ bịch, gái gú. Và kết cuộc là họ ly hôn.
Cho đến lúc này, dựa vào nhau để vượt qua khủng hoảng tinh thần, cả Linh và Hoài đều bỗng bật cười, rằng họ đã quá ngu dại, chiều chuộng chăm sóc chồng quá thể, và làm hỏng chồng, tự biến mình thành công cụ nhàm tẻ trong mắt chồng; trở thành “chị cả”, thành “mẹ” của chồng. Trong khi đàn ông thích chinh phục, muốn được chăm sóc một người phụ nữ nhỏ bé, yếu đuối, cần họ chở che. Người đàn bà ấy chẳng cần chăm chỉ, mà cần làm nàng thơ cho họ, để họ được lao lên dũng mãnh, tranh đấu giành giật với cuộc đời, chứng tỏ bản lĩnh đàn ông...