Sự quẩn quanh đơn độc khi ở nhà chăm con khiến phụ nữ dễ dàng bị trầm cảm, bí bách. Khi nỗi niềm không có cơ hội giải tỏa, chồng đi làm về cũng chẳng thèm lắng nghe vợ, phụ nữ dù có dẻo dai sắt đá đến đâu cũng làm sao chống nỗi căn bệnh trầm kha ở nội tâm này?
"Chỉ việc chăm con mà làm cũng không xong"- câu nói này, nếu thốt ra từ miệng mẹ chồng, thì đau một. Nhưng thốt ra từ miệng chồng, thì đau mười! Mà ở Việt Nam, đàn ông rất thích nói câu đó!
Đàn ông thường không chịu đựng nỗi những cơn than vãn, buồn tủi, ấm ức của vợ. Đàn ông thường sẽ nổi đóa lên rằng: “Tôi đi làm kiếm tiền cực khổ về nuôi cả cái nhà này, còn cô chỉ việc chăm con mà làm cũng không xong!”. Nhiều người đàn ông bênh nhau, lại nói thêm rằng: “Cứ cho bọn phụ nữ ra ngoài kiếm tiền cho biết khổ với người ta, ở nhà sướng thân riết phát rồ”.
Đem chuyện kiếm tiền so với chuyện chăm con, ngẫm nghĩ lại xem có hợp lý chưa?
Đầu tiên, đàn ông đi làm bên ngoài, ít nhất cũng có giờ nghỉ, ngày nghỉ. Trưa được giải lao tối thiểu 1 tiếng, ngày làm 8 – 10 tiếng. Chiều tối về nhà còn được nghỉ ngơi, đọc báo, thư giãn. Chưa kể, thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, hầu hết đều được nghỉ xả hơi.
Phụ nữ ở nhà chăm con, thường chả có thời gian nghỉ. Nuôi một đứa trẻ, chuyện thức trắng đêm, sáng dậy sớm, trưa bỏ ngủ - là chuyện hiển nhiên! Những lúc con quấy, khóc la, đau ốm, phụ nữ thường không chợp mắt giây nào. Nuôi con, không có khái niệm cuối tuần, ngày lễ, ngày nghỉ - phụ nữ phải gồng mình chịu đựng suốt năm dài tháng hạn, liên tục và xoay vòng. Ngủ còn không đủ giấc, đừng nói là cầm tờ báo thư giãn, hay đi loanh quanh dạo phố xả stress như đàn ông.
Thứ hai, đàn ông đi làm, dù có trăm công nghìn việc thì cũng xoay quanh chuyên môn cá nhân. Phụ nữ ở nhà lại khác, cô ấy không chỉ chăm con, mà còn phải gánh vác hàng trăm thứ việc không tên. Dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn cho gia đình, lau dọn, rửa ráy, chợ búa, giặt giũ… Mỗi ngày đều lặp đi lặp lại, vừa nách con vừa làm, ba đầu sáu tay cũng không xuể. Ai không tin, cứ thử làm rồi biết!
Thứ ba, đàn ông đi làm, còn có cơ hội nói chuyện với người này người nọ, ghé quán này quán kia. Cho dù công việc bề bộn, áp lực xoay quanh, vẫn còn có cách tiêu khiển để giảm căng thẳng. Phụ nữ ở nhà lại khác, cúi mặt vào con cái và việc nhà, thường chẳng có cơ hội mở miệng hay tâm sự với ai, huống hồ là bước chân ra ngoài gặp bạn bè chòm xóm.
Sự quẩn quanh đơn độc này làm phụ nữ dễ dàng bị trầm cảm, bí bách. Khi nỗi niềm không có cơ hội giải tỏa, chồng đi làm về cũng chẳng thèm lắng nghe vợ, phụ nữ dù có dẻo dai sắt đá đến đâu cũng làm sao chống nỗi căn bệnh trầm kha ở nội tâm này?
Mặc dù biết rằng, ra ngoài kiếm tiền là cay đắng trăm bề, nhưng ở nhà quán xuyến hậu phương cũng vất vả ngàn điều. Đã là vợ chồng, không nên so sánh công cán ai lớn hơn ai, xem ai cực hơn ai, mà nên thấu hiểu cảm thông cho nhau. Phải thương yêu sự hi sinh, phải cám ơn sự nỗ lực của đối phương, thì hôn nhân mới bền vững, cuộc sống đôi lứa mới nồng đượm được.