Tết đối với chị là nỗi sợ hãi khôn cùng, sợ lời bóng gió, sợ nhìn cảnh con mình bị hắt hủi.
Tết đối với mọi gia đình là sự sum vầy, ấm cúng nhưng đối với nàng dâu bất hạnh không sinh được con trai thì đó lại là những ngày đau đớn bủa vây. Mang danh “không biết đẻ”, họ phải đón Tết trong sự ghẻ lạnh của nhà chồng và đối mặt với những câu hỏi mỉa mai của mọi người.
Chị Trần Thu (29 tuổi, Vĩnh Phúc) đã ba năm ròng không biết thế nào là hương vị >ngày Tết. Chị bị “nuốt chửng” bởi nỗi sợ hãi, sợ lời bóng gió, sợ nhìn cảnh ba cô con gái của mình bị hắt hủi.
18 tuổi, chị bước chân về nhà chồng, quá non nớt để hiểu gánh nặng của một nàng dâu trưởng. Sinh đứa con gái thứ nhất, cả chị và gia đình chồng đều vui mừng vì “ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng”. Nhưng khi đứa con gái thứ hai chào đời, chị thấy rõ sự thất vọng của mọi người và thái độ của họ với mẹ con chị cũng vì thế mà khác hẳn.
“Cả đời này tôi không quên bữa cơm tất niên năm ấy, tay tôi ôm đứa con đỏ hỏn vẫn phải cùng chồng quỳ giữa miếu đường hứa hẹn sinh được con trai nối dõi. Mẹ chồng tôi ra lệnh, nếu đứa thứ ba vẫn là con gái, bà sẽ có biện pháp xử lý”, chị Thu đau đớn kể.
Mang bầu đứa con gái thứ ba, chị phải giấu nhẹm vì sợ mẹ chồng mẹ chồng làm càn. Thai nhi được 5 tháng, bụng lùm lùm chị mới nói với chồng và nhất quyết giữ lại bằng mọi giá. Từng có lúc chị hoang mang, không biết đó có phải là quyêt định tốt nhất cho bốn mẹ con.
Bởi lẽ, kể từ đó mẹ con chị chẳng có ngày nào yên ổn. Chị bị mẹ chồng chửi rủa là loại “không biết đẻ”, rồi dọa kiếm vợ khác cho con trai. Ngay cả chồng chị, từ chỗ thấu hiểu cho vợ cũng đến lúc chán nản, bê tha vì đi đến đám cỗ nào cũng phải ngồi mâm dưới.
“Ngày Tết mới thật là tủi phận. Nhìn họ hàng dẫn con trai, cháu trai đến chúc Tết, mẹ chồng tôi tỏ vẻ chán nản rồi quay sang lườm nguýt mấy mẹ con. Ai ai nhìn thấy tôi cũng hỏi: “Thế bầu đứa thứ tư chưa?”, “Phải kiếm cho bà H. đứa cháu trai nối dõi đi chứ? Dâu thời nay lười đẻ quá”. Nghe mà ruột gan tôi thắt lại”, chị ngậm ngùi.
Không phải chịu cảnh cay nghiệt đến vậy nhưng chị Cảnh (nhân viên ngân hàng) cũng thấu hiểu nỗi khổ khi không sinh được con trai.
Vợ chồng chị đều có ăn có học, gia đình chồng lại tri thức, gia giáo, ngặt mỗi nỗi vẫn quá quan trọng chuyện sinh con trai nối dõi. Chị xác định ngay từ đầu với chồng rằng dù gái hay trai cũng chỉ sinh hai người con để nuôi dạy cho tốt. Bố mẹ chồng chị nghe vậy không vừa lòng nhưng không hề thể hiện ra mặt.
Nhưng đến khi sinh con một bề thật, chị mới thấy áp lực phải gánh nằm ngoài tầm kiểm soát. Mẹ chồng chị không chửi rủa hay mỉa mai cay nghiệt nhưng sớm tối giục giã vợ chồng chị phải sinh con trai.
“Bà nghĩ sinh toàn con gái là do mình nên mua đủ thứ thuốc bồi bổ, thậm chí muốn mình nghỉ việc đôi ba năm, tập trung chữa chạy để >đẻ con trai. Mình muốn nói với bà rằng không sinh nở nữa mà không thể mở lời”, chị Cảnh chia sẻ.
Tết đến, vợ chồng chị đưa con về quê sum họp, đào quất, quà cáp đầy đủ nhưng không thể khiến bố mẹ chồng vui. Mấy ngày Tết nhìn mẹ chồng đi ra đi vào rầu rĩ, chị cũng héo hắt trong lòng. Chị chỉ mong, một năm nào đó không phải đưa con về quê đón Tết để cởi bỏ nỗi áp lực nặng nề này.