Biết tin tôi sắp đến thăm bố ruột ốm nặng tại viện, mẹ chồng tôi đã đứng đợi ở cửa bà lặng thầm đưa cho tôi một món đồ, tôi thật sự không tin bà là người như thế.
Năm nay, tôi bước sang tuổi 26. Tôi đang mang thang được 6 tháng và sống tại Bình Dương cùng gia đình bên chồng.
Hôn nhân của tôi không có nhiều bất ổn nhưng cũng chẳng thoái mái khi sống chung với mẹ chồng.
Tính của mẹ chồng tôi không xấu. Thậm chí, tôi thấy bà quan tâm con cái, chủ động giúp con dâu nhiều việc nhà. Tuy nhiên, mẹ lại tiết kiệm một cách thiếu khoa học. Tôi luôn bị mẹ chồng nhắc nhở việc chi tiêu, siết chặt tiền đi chợ…
Mỗi lần đi chợ, tôi đều phải ghi ra danh sách những món cần mua và đưa cho mẹ chồng xem xét. Bà đong đếm từng quả chanh, cọng hành… không để dư dù chỉ một ít.
Nhiều lúc đi chợ, tôi thấy có món ngon hơn cũng không dám mua, bởi ngại nghe lời cằn nhằn của mẹ chồng.
Mẹ chồng quy định thức ăn thừa sau mỗi bữa cơm đều phải hâm lại, cho vào hộp, cất trong tủ lạnh. Nếu con cháu không ăn món thừa thì bà sẽ ăn cho bằng hết.
Tôi nhớ có một lần, mẹ chồng bị rối loạn tiêu hóa do ăn thức ăn của ngày hôm trước. Bà đau bụng đến ngất xỉu, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Lúc về nhà, bố chồng tôi nói đùa: “Tiếc một chút đồ ăn thừa mà tốn mấy triệu tiền viện phí. Tiết kiệm kiểu gì không biết”. Chỉ vậy mà mẹ chồng tôi thấy không lọt tai, giận dỗi cả nhà suốt một tuần liền.
Cứ nghĩ sau lần ấy, mẹ chồng tôi sẽ bỏ thói quen không tốt, nguy hại cho >sức khỏe. Vậy mà, bà tiếp tục tích trữ đồ ăn thừa, chất đầy tủ lạnh.
Ngoài cách tiết kiệm vụn vặt, mẹ chồng tôi còn có tính lo xa, nói 1 nghĩ đến 10. Bà bắt vợ chồng tôi phải tiết kiệm tối đa, một đồng cũng không được tiêu hoang.
Bà vẽ ra viễn cảnh ốm đau, không tiền thuốc thang, phải vay nặng lãi để răn đe con cháu.
Vợ chồng tôi nghe cho có rồi bỏ ngoài tai, việc mình cứ làm, tiền mình cứ tiêu. Nhiều lần bà gọi tôi nói chuyện riêng, dạy cách tiết kiệm khiến tôi ngao ngán.
Biết mẹ chồng không xấu, nhưng tôi cảm thấy khó chịu, mấy lần vận động chồng ra ở riêng. Nghe vợ nói cũng xuôi tai, chồng tôi lên kế hoạch thuê trọ, sống riêng cho thoải mái.
Thế nhưng, một việc bất ngờ xảy ra khiến tôi thay đổi, quyết định không ra ở riêng nữa.
Hai tháng trước, tôi nhận tin bố ở quê đang ốm nặng. Mẹ tôi khóc lóc, kêu gọi các con góp tiền đưa bố lên TP.HCM nhập viện điều trị.
Tôi soạn hết tiền để dành chỉ được chưa đến 10 triệu đồng. Lúc này, tôi mới nhớ đến lời mẹ chồng dặn phải tích góp tiền phòng thân. Dù mẹ chồng có phần tiết kiệm thái quá nhưng không hẳn là sai.
Tối đó, tôi bàn với chồng, mong anh nghĩ cách vay thêm tiền, giúp tôi lo viện phí cho bố.
Chồng tôi bần thần, bảo: “Anh chẳng biết vay ai. Nếu anh đi vay ngoài, lúc đến tai bố mẹ thì lại khổ, mà vay mẹ thì sợ bố mẹ em ngại. Thôi, em cứ cầm tạm số tiền đó vào viện xem tình hình bố thế nào rồi tính tiếp”.
Chẳng nghĩ ra cách nào khác, tôi chỉ biết ôm mặt khóc.
Sáng hôm sau, tôi chuẩn bị đồ đạc lên TP.HCM thăm và ở lại bệnh viện cùng mẹ chăm bố. Đi đến trước cửa nhà, tôi thấy mẹ chồng đang đứng chờ, trên tay cầm một túi quà.
Bà kéo tôi lại gần, đưa túi quà, bên trong có nhiều loại trái cây đắt tiền. Bà còn đưa cho tôi một phong bì, bảo tôi lấy mà lo cho bố.
Bà bảo tối qua, bà định vào phòng hỏi thăm tình hình sức khỏe thông gia thì nghe cuộc trò chuyện của vợ chồng tôi.
“Con cứ cầm lấy lo cho bố. Sau này, vợ chồng cố gắng làm, tiết kiệm gửi lại cho mẹ. Mẹ tằn tiện cũng chỉ lo đến những lúc hoạn nạn, chứ chẳng phải khắt khe gì với con cháu”, mẹ chồng nói và nhìn tôi trìu mến.
Cầm túi quà nặng trịch và phong bì của mẹ chồng, tôi nghẹn ngào xúc động đến không đứng vững. Bà vội vàng đỡ tôi vào ghế ngồi, rồi căn dặn: “Con ngồi đây, chờ mẹ thuê xe ô tô chở lên bệnh viện. Bầu bì như thế đi xe máy không tiện”.
Lưng tựa vào ghế, tôi cố gắng hít thật sâu, làm dâu bao lâu nay nhưng tôi lại chẳng hiểu tấm lòng của mẹ chồng. Nghĩ lại, tôi thấy mình thật nông cạn.