"Em ghét nhất ở chồng em là hơi tí lại lôi nhà ngoại ra chỉ trích rằng bố mẹ em không biết dạy dỗ con gái...", người vợ giãi bày.
Nhiều người quan niệm, đàn ông vốn nóng tính nên trong cuộc sống hôn nhân, vợ luôn là người phải nhẫn nhịn để giữ hòa khí gia đình. Thế nhưng đôi khi nhẫn nhịn quá cũng không phải cách hay. Nhất là với những người chồng sống ích kỷ, vô tâm coi sự hi sinh của vợ là trách nhiệm đương nhiên thì sự cam chịu khi ấy sẽ vô hình trung lại khiến chồng càng vô tâm hơn.
Mới đây, trên diễn đàn mạng xã hội cũng chia sẻ câu chuyện của một người vợ sau bao ngày tháng nhẫn nhịn chồng ích kỷ, cô đã quyết định "vùng lên". Và cái kết mới thật sự khiến nhiều người bất ngờ.
Cô vợ kể: "Có ai giống em, nhiều khi ở bên chồng mà cảm giác như thể sống với người dưng. Ngẫm lại mới thấy cụ nói không sai 'ghét của nào trời trao của ấy'. Trước giờ em ghét nhất đàn ông sống gia trưởng, thế mà lớ ngớ thế nào lấy ngay được lão chồng gia trưởng bậc nhất. Cứ động mở miệng là nói đạo lý làm vợ phải thế này, làm vợ phải thế khác. Nhất là hôm nào vợ làm gì không đúng ý, lão sẽ cằn nhằn nói cả ngày, đến bữa ngồi ăn em cũng không yên thân với lão.
Song cái em ghét nhất ở chồng em là hơi tí lại lôi nhà ngoại ra chỉ trích rằng bố mẹ em không biết dạy dỗ con gái. Để em đi lấy chồng không biết gánh vác việc gia đình, không làm tròn trách nhiệm của người vợ.
Hôm qua cũng thế, đi làm về muộn, thay được bộ quần áo ra là em vội vàng cắm đầu cắm cổ nấu cơm, trông con, dọn nhà. Chồng thì về từ 5h nhưng còn mải cầu lông, bóng bánh ngoài sân vận động.
Đang nấu cơm thì con khóc, em lại phải bỏ chảo đậu đó chạy lại bế. Mải quá quên không cho nhỏ lửa lại, thành ra dỗ xong con thì đậu bị cháy xém. Đúng lúc chồng em về, vừa nhìn thấy chảo đậu trên bếp, lão trợn mắt: 'Cô đúng là không được tích sự gì. Đàn bà mà vụng, rán vài miếng đậu không xong. Cứ kiểu này, tôi trả vợ cho bố mẹ vợ dạy lại.
Trong người đang mệt sẵn cộng với những lời không thể chấp nhận nổi của chồng, em nóng mặt vứt luôn đôi đũa xuống bàn đáp: 'Anh bảo em không được tích sự gì vậy thì anh thử nhìn lại xem bao năm làm vợ anh, em đã làm những gì. Em cũng đi làm như anh, lương lậu không kém anh 1 đồng nhưng khi về tới nhà thì sao. Anh thảnh thơi đeo giày thể thao đi chơi cầu lông, đá bóng. Tới bữa về ăn. Còn em cắm đầu cơm nước nhà cửa, con cái.
Đối với bố mẹ chồng em săn sóc chu đáo, chưa bao giờ em để các cụ phải phàn nàn điều gì nhưng anh tuy ở gần mà cả năm về thăm được bố mẹ vợ được mấy lần. Đã thế động tí lại trách móc họ không biết dạy con. Người thật sự mệt mỏi là em đó nên anh khỏi cần giao trả em, để anh tìm lấy người vợ nào đủ đảm đang, phục vụ được anh đúng như ý'.
Em nói xong về phòng gấp đồ luôn. Chồng em lúc đó khá sốc trước phản ứng của vợ vì trước giờ quen kiểu tôi nói là cô phải im rồi. Vài phút sau lão mới chạy về phòng giật đồ trên tay em xuống rồi ra giọng bảo em nóng, chồng vừa nói vài câu đã phải hơn thua với chồng. Song em tuyên bố thẳng là từ nay sẽ không có chuyện em nhịn nữa. Nếu cảm thấy không hợp thì chia tay đừng có kiểu tí tí lại gọi phụ huynh ra nói. Thế mà cuối cùng lão phải xuống nước xin lỗi em. Vậy nên em rút ra kinh nghiệm, sống với chồng nhịn quá không nên. Nhiều khi phải 'rắn' mới nắn được chồng các chị ạ".
Trong cuộc sống hôn nhân, vợ chồng luôn có quyền bình đẳng. Tuy rằng phụ nữ thường giữ vai trò xoa dịu những mâu thuẫn gia đình khi người đàn ông nóng giận nhưng đôi lúc nín nhịn mãi cũng không phải là cách hay. Bởi khi những mâu thuẫn, ức chế bị dồn nén tích tụ trong lòng lâu ngày không được giải quyết sẽ càng đẩy quan hệ vợ chồng thêm căng thẳng. Khi ấy hôn nhân gia đình sẽ bị đẩy tới vực thẳm. Vậy nên vợ chồng phải có lúc thẳng thắn nói ra suy nghĩ, quan điểm của mình. Phân tích đúng sai cho đối phương biết, dù phải to tiếng 1 lần nhưng sẽ giải quyết triệt để được vấn đề. Giống cô vợ trong câu chuyện trên chẳng hạn.