Thường xuyên bị chồng đánh đập như "cơm bữa", chị N.M.N trốn về nhà bố mẹ ruột, nhưng khi quay trở lại thì bị gia đình chồng cự tuyệt, không cho gặp lại con mình. Sau đó, chị đã đâm đơn ly hôn và giành lại quyền được nuôi đứa bé.

Thanh Thảo (TH) 11:45 06/04/2021

Theo Tòa án nhân dân TP. Bạc Liêu, trích từ số liệu thống kê sơ bộ, tỷ lệ án ly hôn hàng năm tăng trên 20%. Độ tuổi ly hôn lại tiếp tục trẻ hóa. Các cặp vợ chồng vội vã cho những cuộc chia tay, mong nhanh chóng kết thúc cuộc hôn nhân đầy đau khổ, bước sang trang mới với những mối quan hệ mới.

Phiên tòa phúc thẩm >giành quyền nuôi con tại Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu, nguyên đơn là chị N.M.N. (ngụ tỉnh An Giang) và bị đơn là chồng, anh H.T.X. (ngụ phường 8, TP. Bạc Liêu). Theo khai báo, chị N. thường xuyên bị chồng đánh như "cơm bữa", bèn trốn về nhà mẹ ruột, nhưng vì đi lén lút nên không dám dẫn con theo. Khi quay trở lại thăm con thì chị N. không được chồng cho vô nhà. Đứa con gái nhỏ của anh chị - bé H.N.T. (sinh năm 2018) hiện do cha bé và ông bà nội nuôi giữ.

 Chị N.M.N quyết định làm đơn ly hôn và khiếu nại việc thi hành án giành quyền nuôi cháu bé - Ảnh: Báo Bạc Liêu

Chị N. cho biết, bé T. là con gái, rất cần được mẹ chăm sóc. Ông bà nội có yêu thương thế nào cũng không thể bằng mẹ ruột. Mấy lần chị tới nhà thăm con, thấy bé T. bị nhà nội cắt tóc như con trai, cho ăn trong cái thau chớ không được múc thức ăn vào chén hay tô cho đàng hoàng. Nhìn cảnh con như vậy, không một người mẹ nào nén nổi nước mắt. 

Thậm chí có lần chị N. đến trường mẫu giáo để gặp con, anh X. sợ chị bắt con đi nên quyết định cho bé T. nghỉ học. Con bé đã không có được sự chăm sóc của mẹ, giờ còn bị tước luôn quyền được đến trường. Thiệt thòi không kể sao cho xiết!

Để có được bản án phúc thẩm, chị N. và gia đình phải thuê luật sư, rồi lặn lội từ An Giang xuống Bạc Liêu nhiều lần để tham dự các đợt tòa án triệu tập. Giờ chị chỉ mong sớm đoàn tụ với con, nhưng câu chuyện thi hành án giao quyền nuôi con lại là một câu chuyện dài. 

Trước phiên tòa, sau khi xét xử, quyền nuôi con được giao cho chị N., mẹ của cháu bé. Lúc ấy, ông nội bé đã lớn tiếng nói: "Thách đứa nào ngon xuống nhà tui bắt cháu tui". Sự việc diễn ra khiến nhiều người nhìn vào mà thương xót cho đứa trẻ tội nghiệp. 

Cháu bé H.N.T, cho đến khi cha mẹ ly hôn chỉ mới gần 3 tuổi. Còn quá nhỏ để hiểu rằng, từ bây giờ cháu không thể có một gia đình đủ đầy, hạnh phúc bên cả bố lẫn mẹ nữa.

Trên thực tế, có không ít trường hợp, sự dàn xếp không thành khi một trong hai người không thuận tình ly hôn. Hoặc những mâu thuẫn trong >đời sống hôn nhân khiến họ chuyển sang căm ghét, hận thù nhau. Họ không muốn đối phương được gần con, nên tước quyền nuôi con, thăm nom con và cắt đứt mọi quan hệ với người kia. Rất nhiều vụ án ly hôn kiểu này khiến phiên tòa trở nên căng thẳng. Hậu ly hôn, những đứa trẻ luôn chịu nhiều thiệt thòi nhất từ những sai lầm của người lớn. 

Thanh Thảo (TH) | Theo Phụ nữ sức khỏe