Thói thường, bộ váy mới chỉ mặc đôi lần rồi để đó mà vẫn khiến người ta tiếc nuối, giữ hoài trong tủ; còn bộ đồ thân thiết mặc mãi đến cũ sờn thì bị mang tiếng nhàu nhĩ, được khuyến cáo nên bỏ đi, thay đi.
Người đàn bà nào chẳng có lúc đứng ngẩn ngơ trước một bộ váy áo hàng hiệu bắt mắt trong cửa hàng >thời trang. Với họ, giá cả lúc ấy có khi cũng chẳng còn quan trọng. Hình dung mình khoác lên người bộ quần áo ấy là khoác lên cái ảo ảnh thanh xuân và nhan sắc, giấc mơ rực rỡ nhất trong đời.
Nhưng bộ váy áo hàng hiệu sang chảnh, đẹp đẽ tới cỡ nào, cuối ngày, cũng phải cởi ra, thay bằng bộ đồ mặc ở nhà, lên giường ngủ. Bỏ hết tất cả những dây nhợ, phụ kiện các kiểu nâng lên thắt lại này nọ, mình được trở về với chính cơ thể của mình, rộng rãi trong bộ đồ ở nhà - thật lòng mà nói, mặc bộ áo hàng hiệu đâu có sướng bằng.
Tuổi thanh xuân bồng bột, cứ nghĩ hạnh phúc mang hình hài tấm áo rực rỡ hay hiện thân bằng chiếc áo cưới tinh khôi, đẹp đẽ ngày mình trao cuộc đời cho nhau; nhưng rồi sống cùng anh, em dần hiểu: đâu có ai mặc váy cưới suốt đời. Chiếc váy ấy sẽ làm người ta ngộp thở mất. Kể cả khi ta may mắn được hạnh phúc từng ngày trong cuộc đời ấy, màu áo của hạnh phúc chắc vẫn là màu sắc của những chiếc áo ngày thường thôi.
Những chiếc áo ngày thường, bộ nào cũng từng có thời là đồ mới. Nhưng rồi chúng cũ đi. Anh biết rồi đó, bộ đồ nào càng thoải mái, mình càng thích và hay mặc, càng mau cũ. Có những bộ đồ, chạm tay vào là thấy thích ngay. Chúng khỏi phải ủi, mát mẻ rộng rãi khỏi giữ gìn, không gò bó bức bối nóng nực, chúng là lựa chọn ưu tiên để nuông chiều cơ thể mình, như thời cha sinh mẹ đẻ ra vậy. Cho nên đừng nói, sao em suốt ngày chỉ thích những bộ đồ lùi xùi. Nghĩ cho cùng là chính hạnh phúc, chính sự yêu mến của em làm cho bộ đồ ấy bèo nhèo đi đấy. Bỏ nó đi chẳng hóa ra cũng phụ phàng? Chẳng biết người xưa có ý này không khi nói >vợ chồng là nghĩa tào khang, kết giao từ thuở hàn vi, tấm cám, chẳng vì một tấm áo cũ mà không nhìn ra cái mặn nồng chung thủy, chỉ có thể có khi người ta trở thành người một nhà.
Thanh xuân, cho dù mặc một tấm áo cũ, cũng vẫn phô bày vẻ đẹp rực rỡ của tuổi trẻ. Anh chỉ bắt đầu than phiền áo xống em sao nhàu nhĩ khi em không còn trẻ, khi em cũng đã bèo nhèo vì bao nhiêu việc chợ búa, bếp núc, con cái. Khi nghe nhận xét ấy, người đàn bà nào cũng nhận ra điều đó đúng, nhận ra mình cần phải thay áo mới, để trong mắt chồng, mình vẫn gọn, vẫn đẹp như xưa. Thay áo có phải là chuyện gì khó đâu anh, nhưng cái hạnh phúc thoải mái của đàn bà, không phải bộ áo quần nào cũng mang lại được. Chẳng lẽ trong thời gian của riêng mình, đàn bà vẫn phải chiều theo ý muốn, sự thích mắt của chồng, của người ngoài, mà gò mình vô khuôn cho hợp nhãn?
Ngậm ngùi nghĩ, các anh hay bảo: “phu thê như y trang, huynh đệ như thủ túc” - xem vợ chồng như tấm áo có thể thay, dù tấm áo ấy từng gắn bó với mình bao nhiêu lâu, từng qua những ngày đêm hạnh phúc, đau buồn, từng là tấm áo mang lại cho mình sự thoải mái không gượng ép, được là chính bản thân. Tấm áo nhỏ nhoi nên dễ bị phụ phàng. Nghĩ lại đi, áo có vì người mới cũ, mới sờn. Bao nhiêu bộ váy áo đẹp đẽ, đắt tiền, thường cũng là những bộ chỉ mặc vài lần rồi thôi, chưa kể bao nhiêu bộ khác, bỏ cả mớ tiền mua mà chưa từng mặc tới. Chúng nằm cạnh nhau trong tủ, phom dáng vẫn y nguyên, vải vóc còn như mới, thậm chí những hạt cườm hạt đá, những móc cài trang trí vẫn sáng lên thứ ánh sáng như hờn dỗi vì bị bỏ quên lâu ngày.
Thói thường, bộ váy mới chỉ mặc đôi lần rồi để đó mà vẫn khiến người ta tiếc nuối, giữ hoài trong tủ; còn bộ đồ thân thiết mặc mãi đến cũ sờn thì bị mang tiếng nhàu nhĩ, được khuyến cáo nên bỏ đi, thay đi.
Nhìn mình trong gương, chị thấy mình đang trong một bộ đồ đúng thể loại đó. Chạm tay vào xấp đồ mới lấy xuống từ dây phơi, thoảng trong mùi nước xả vải vẫn nghe hơi của chồng con; khắc khoải trong lòng câu hát mà cả thế hệ của chị từng hát, như thể người ta viết cho mình: “Áo xưa dù nhàu, cũng xin bạc đầu, gọi mãi tên nhau”. Khi gắn bó đủ lâu, vật cũng có hồn của chủ. Đừng chê những tấm áo đã nhàu. Khi phải dọn dẹp, thu xếp lại đời mình, phải bỏ bớt đi một số đồ vật cũ, những món đồ đã quen mắt, đã chiếm chỗ trong nhà từ lâu, chị tự nhủ, chẳng cần cố gắng dọn cho sạch, thay mới mọi thứ, bởi những long lanh, mới mẻ quá có khi lại giống như hàng mã.
Chị biết mình sẽ chẳng phải vì ai mà vứt đi những áo xống riêng tư mình yêu thích. Nếu ai có hỏi sao áo cũ hoài không đổi, chị sẽ nói, trong hàng ngàn hàng vạn hình hài, chị biết hạnh phúc cũng có hình hài một tấm áo cũ. Cũng như anh, cũng như chị - hạnh phúc của chị là một người đàn ông đã già mà chị vẫn yêu, vẫn đắm say, nồng nàn, quấn quýt. Chị cũng mong hạnh phúc của anh mang gương mặt của mình - người đàn bà đã cùng anh trải qua ngọt bùi, đắng cay và biết nâng niu từng giọt hạnh phúc đã dành dụm đến tận bây giờ…