Cùng có nỗi đau bị chồng phản bội nhưng cách ứng xử không giống nhau đã khiến cuộc sống của 2 người phụ nữ có màu sắc hoàn toàn trái ngược nhau.
40 tuổi, chăm sóc 3 đứa con, chị H gần như không có thời gian dành cho mình. Sau tan sở, chị vội vàng trở về nhà đầu tắt mặt tối với bếp núc, với con thơ. Công việc bận rộn khiến chị lúc nào cũng quay như chong chóng. Chị cũng không để ý nhiều đến sự thay đổi của chồng.
Chị phát hiện >chồng ngoại tình khi đứa con thứ 3 vẫn còn ẵm ngửa. Nhiều người lo, chị khó có thể vượt qua nỗi đau bị “cắm sừng” và không khéo còn bị trầm cảm sau sinh. Thế nhưng, chị hoàn toàn tỉnh táo. Chị vững tâm nói chuyện nghiêm túc với chồng về tình cảm của anh dành cho vợ con. Khi anh đưa ra quyết định “đi theo nhân tình trẻ đẹp”, chị nuốt nỗi đau và xác định bằng cách nào cũng phải đứng vững. Chị phân tích rạch ròi, đòi các quyền lợi về tài sản và nuôi con với chồng. Ngày chị và anh ra tòa, chị không có chút gì suy sụp. Chị đã xác định trước tinh thần và chuẩn bị con đường đi phía trước. Giờ đây, chị sống bình an bên các con mà không bao giờ ca thán, hận thù về người chồng bội bạc.
Hoàn cảnh của chị N thuận lợi hơn nhiều chị H. Chị N chưa đến 30 tuổi, xinh đẹp, gia đình khá giả, thu nhập tốt. Khi phát hiện chồng ngoại tình với cô sinh viên kém mình về mọi mặt, chị N suy sụp. Dù chồng đã xin lỗi, hứa hẹn, tìm mọi cách để chuộc lỗi, cố gắng lấy lại tình yêu với vợ nhưng chị N vẫn không vượt qua được nỗi đau bị >chồng phản bội. Suy nghĩ quá nhiều, phẫn uất đến mất ăn mất ngủ, đau đớn đến tuyệt vọng, chị N đã bị trầm cảm.
Không thể so sánh nỗi đau của hai người bởi sức chịu đựng của mỗi người là khác nhau. Tuy nhiên, khi biết chấp nhận nỗi đau để có thể điều chỉnh và chủ động với cuộc sống của mình là điều cần thiết. Sức mạnh từ bên trong mỗi con người sẽ giúp người phụ nữ có thêm bản lĩnh khi ứng xử với nỗi đau bị chồng phản bội.