Hôn nhân là chuyện cả đời, hãy quyết định tiến đến nó khi thực sự sẵn sàng chứ đừng vì lí do nào khác mà chấp nhận lên xe hoa.

Hạ Lim 09:41 10/10/2022

Nếu chưa sẵn sàng thì đừng bước vào >hôn nhân. Còn nếu như lựa chọn kết hôn, phụ nữ cần có trách nhiệm với những việc làm của mình. Nếu họ lơ là thì rất có thể chính họ đã tự tay làm nên các vết rạn nứt rồi phá tan hạnh phúc.

Ảnh minh họa: Internet

1. Linh cưới Hoàng sau hơn 1 năm bên nhau. Hoàng là con trai của bạn mẹ Linh. Họ được mai mối. Hoàng vô cùng tốt tính, thích chăm sóc người khác. Trong cuộc sống, anh đều chu toàn mọi việc.

Bố Linh mất sớm, cô sống với mẹ. Những ngày quen Hoàng cũng là lúc mẹ Linh đổ bệnh và nằm viện. Cùng với Linh, Hoàng tất bật chạy tới chạy lui để lo cho mẹ cô.

Tất cả họ hàng Linh đều biết rằng anh chàng này là một người tốt, có trách nhiệm, có thể dựa dẫm cả đời.

Linh hiểu những mong mỏi của mẹ và có lẽ để bà yên lòng, Linh quyết định cưới Hoàng. Sau khi kết hôn được 2 tháng, mẹ Linh qua đời. Đó là một cú sốc lớn đối với cô. Hoàng luôn ở bên Linh, chăm sóc tận tình nhất.

Thậm chí, dù có nhà riêng nhưng Hoàng vẫn đồng ý dọn đến căn nhà mẹ con Linh ở trước đó. Anh hiểu rằng bất cứ sự thay đổi nào cũng khiến Linh chưa thể tiếp nhận ngay được nhất là sau khi cô mất đi điểm tựa cuộc đời.

Yêu và lấy Hoàng, Linh không cần thay đổi. Anh tự thay đổi theo Linh. Thế nhưng từ sâu thẳm bên trong, Linh vẫn cảm thấy lấn cấn với quyết định kết hôn này. Lúc lấy Hoàng, Linh vẫn đang hối tiếc tuổi xuân, muốn ăn muốn chơi. Bởi vậy, khi nhắc đến chuyện kết hôn và nhắc đến chồng mình, Linh vẫn thấy chán nản, không toàn tâm toàn ý được.

Hôn nhân là chuyện cả đời, hãy quyết định tiến đến nó khi thực sự sẵn sàng chứ đừng vì lí do nào khác mà chấp nhận lên xe hoa.

Ảnh minh họa: Internet

2. Sau khi cưới được gần 1 năm, Linh sinh em bé. Hoàng chu toàn hết việc nhà. Anh cũng kiếm tiền giỏi nên Linh sống vô cùng thoải mái.

Điều duy nhất khiến Hoàng đôi lúc cảm thấy buồn và lăn tăn chính là sự vô tư quá mức của vợ. Linh vẫn còn ham chơi và thích tụ tập bạn bè. Gần như tuần nào, cô cũng muốn được rảnh rang đi chơi với bạn. Bạn bè của Linh cũng toàn là những cô cậu trẻ trung, chưa lập >gia đình.

Ban đầu, Hoàng đồng ý cho vợ đi đến các cuộc vui đó nhưng giới hạn giờ về. Anh không muốn vợ về quá muộn vì nhà còn con nhỏ. Linh lại cho rằng chồng kiểm soát mình quá nhiều.

Linh tâm sự với bạn bè. Bạn bè Linh tiếp tục vào hùa và bắt đầu lên án chuyện cô lấy chồng sớm quá, bây giờ chịu khổ.

Họ cũng bắt đầu soi mói và nhắc đến nhiều điểm yếu của Hoàng. Ví dụ như chuyện vóc dáng anh không quá cao to, Hoàng có đôi từ nói địa phương hay việc Hoàng ngăn cản vợ đi chơi với bạn.

Từ những điều ấy, họ áp đặt cho Hoàng một loạt những điều suy diễn về khuyết điểm. Ban đầu, Linh kiên định với việc chồng mình tốt lắm nhưng dần dần, cô cảm thấy quyết định cưới sớm thật sự quá sai lầm. 

Bực bội với Hoàng, Linh cũng bực bội sang con và cho rằng bé con khiến cho cô phải trưởng thành sớm. Nếu không vướng bận, tuổi trẻ của cô còn sung sướng hơn nhiều. Vì những lời của bạn, cuộc sống gia đình Linh càng bí bách.

Một ngày nọ, Linh và đám bạn hẹn làm đầu từ sáng sớm rồi rủ nhau đi ăn tối, uống rượu đến gần 12 giờ đêm mới về. Nghe lời bạn bè xúi, cô tắt luôn điện thoại sau lời nhắn: “Em đi chơi”.

Chơi bời thỏa thuê, Linh về nhà thấy chồng đang ngồi ở mâm cơm đậy lồng bàn. Con đã vào giường ngủ từ lâu.

“Nếu em cứ tiếp tục như vậy, chúng ta ly hôn đi”, tiếng Hoàng đột ngột vang lên khiến Linh choáng váng.

Nhìn mặt Hoàng, cô biết anh giận thật sự. Hoàng nói rằng Linh không biết suy nghĩ, không bao giờ nghĩ đến chuyện chồng con ra sao. Hôm nay là ngày kỷ niệm ngày cưới của họ, bé con lại bị ốm. Hoàng nhắn gọi không được, nhắn bao nhiêu tin mà Linh cũng chẳng mảy may có hành động gì.

“Con vẫn đang bú mà em đi uống rượu. Em có bao giờ nghĩ không. Hôm nay anh ngồi một mình nghĩ chắc mình đã sai khi quyết định cưới em sớm như thế. Nhưng anh có đáng bị vậy không? Anh đâu ép em. Thôi chúng ta ly hôn, anh trả tự do cho em”, Hoàng quyết định. Linh hối hận xin xỏ nhưng Hoàng đã mỏi mệt quá rồi.

Đôi lúc, những nhân vật ngoài cuộc như bạn bè lại là tác nhân khiến hôn nhân sụp đổ nhanh nhất. Không phải mỗi đàn ông bảo vệ hôn nhân mà phụ nữ cũng nên biết để đừng mang về nhà những điều tổn hại hạnh phúc.

Ảnh minh họa: Internet

3. Chẳng ai chịu trách nhiệm cho cuộc hôn nhân của ta ngoài chính chúng ta. Một khi quyết định lên xe hoa mà không hề có sự ép buộc nào, người phụ nữ nên xác định sẵn tâm lý. Nếu không sẵn sàng được từ đầu, hãy mở lòng và dần dần học tập chứ đừng xua đuổi các thay đổi.

Cuộc sống hôn nhân hoàn toàn khác xa với khi còn độc thân. Họ không thể thoải mái ăn chơi như xưa nữa. Đến khi đã kết hôn, những hành động kém suy nghĩ, vô tâm, ích kỷ đều là một nhát búa đập lên cuộc hôn nhân khiến nó có những vết rạn rồi từ từ tan vỡ.

Lúc ấy, những người bạn sẽ phát huy tác dụng. Nếu “bạn” tỉnh táo, khuyên răn cho hạnh phúc thì lời khuyên sẽ khác. Họ có cái nhìn cụ thể, phân tích cái đúng cái sai hoặc nhắn nhủ sự bình tĩnh, tìm cách. Nếu như họ chỉ là “bè”, tụ họp ăn chơi thì lời khuyên cũng khác, ít tính xây dựng hơn, non nớt và đương nhiên cũng nông cạn hơn.

Phụ nữ rất dễ bị tác động của các lời khuyên và chính họ tự tay phá nát hạnh phúc của mình.

Nói đi thì phải nói lại, phụ nữ cần phải có sự tỉnh táo nhất định trong chuyện hôn nhân. Các lời khuyên răn hay tác động cũng chỉ nên tham khảo, đừng mù quáng nghe theo rồi thay đổi luôn suy nghĩ của mình về một người. Hậu quả cuối cùng các bạn phải chịu một mình mà thôi!

 

Theo Ca Ca/Tổ Quốc